Không chủ quan trước diễn biến bất thường của mưa, lũ

Cách đây ít hôm, dù bão số 8 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi đổ vào Nam Trung Bộ, nhưng hoàn lưu của bão với mưa to, lũ lớn đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm 19 người chết, 28 người bị thương.

Số người chết chủ yếu do sạt lở đất ở thành phố du lịch nổi tiếng như Nha Trang (Khánh Hòa) làm dư luận lo ngại về công tác phòng, chống thiên tai khi mưa, lũ đang tiếp diễn. Ngoài những nguyên nhân khách quan như lượng mưa do hoàn lưu sau bão quá lớn và dồn dập, còn có nhiều ý kiến chỉ rõ những nguyên nhân chủ quan như công tác phòng, chống bão, lũ chưa thật sự được chính quyền, cơ quan chức năng và người dân coi trọng, chưa tổ chức rà soát, đánh giá hết vùng có nguy cơ sạt lở, trong đó có cả ý kiến các cơ quan chức năng chưa nhìn nhận, đánh giá đúng mức tác động của các hồ bơi nhân tạo, tính toán hệ thống thoát nước, khơi thông dòng chảy khi mưa, bão xảy ra…

Trưa 25-11, cơn bão số 9 đổ bộ đất liền các tỉnh, thành phố từ Bình Thuận đến Bến Tre. Nhờ các tỉnh đã chủ động di dời hàng chục nghìn hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, cho học sinh nghỉ học, tạm ngưng các hoạt động vui chơi giải trí nơi công cộng cũng như thực hiện nhiều biện pháp đối phó quyết liệt khác, nên đã hạn chế thấp nhất thiệt hại về người. Tuy nhiên, theo cảnh báo của Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia và Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai (PCTT), hoàn lưu bão số 9 sẽ gây mưa to từ tỉnh Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận, khu vực Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến ở mức 100 đến 200 mm, có nơi hơn 250 mm; khu vực Bắc Tây Nguyên và Tây Nam Bộ có mưa to, lượng mưa từ 50 đến 100 mm.

Trên hệ thống sông ở các khu vực này xuất hiện đợt lũ lớn, nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp và vùng đô thị. Trước mắt, mưa, lũ đã gây ngập lụt cục bộ nhiều nơi ở khu vực Nam Trung Bộ, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và sản xuất của nhân dân. Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT cũng đã lên kịch bản xấu nhất là mưa, lũ diễn biến phức tạp khiến hồ Dầu Tiếng phải xả lũ, kết hợp kỳ triều cường đạt đỉnh sẽ gây ngập lụt trên diện rộng ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ.

Bão tan, nhưng mưa, lũ còn diễn biến phức tạp và khó lường. Chính vì vậy, để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng và người dân trong vùng ảnh hưởng bão số 9 và hoàn lưu bão cần quyết liệt thực hiện các biện pháp chủ động phòng, tránh như theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; rà soát kỹ các điểm có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, sẵn sàng vật tư, phương tiện theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng cứu, xử lý sự cố, tiếp tục có phương án di dời dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Đặc biệt, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của thiên tai đến từng người dân, thậm chí cả cấp chính quyền cơ sở, tránh tâm lý chủ quan trước diễn biến bất thường của mưa, lũ.

BẢO TRUNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38363002-khong-chu-quan-truoc-dien-bien-bat-thuong-cua-mua-lu.html