Không chủ quan về tăng trưởng kinh tế

Nền kinh tế Việt Nam trong quý III chứng kiến nhiều diễn biến tích cực, đạt mức tăng trưởng 7,31%. Tuy nhiên, tại buổi họp báo công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý III/2019 do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức vào sáng ngày 10/10, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải nhìn câu chuyện tăng trưởng thận trọng hơn, mặc dù các chỉ số giống năm trước, nhưng nội dung đã có sự thay đổi.

Ba điểm “sáng” của kinh tế vĩ mô

Trong quý III/2019, mặc dù kinh tế thế giới chứng kiến sự suy giảm tăng trưởng, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều diễn biến tích cực. Theo báo cáo của VEPR, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý III ở mức 7,31%, tính chung cho 9 tháng đầu năm, GDP tăng 6,98% - cao nhất trong những năm trở lại đây. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng.

Ông Cấn Văn Lực – chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV – cho rằng, 3 điểm tích cực của kinh tế vĩ mô trong 9 tháng đầu năm, đó chính là xuất khẩu, vốn đầu tư toàn xã hội và năng lực cạnh tranh.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý III đạt 71,76 tỷ USD, tăng 10,86%. Trong đó, xuất khẩu tới từ nhóm doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng chủ yếu đạt 49,2 tỷ USD (chiếm 69,6% tổng kim ngạch). Xuất khẩu từ khu vực trong nước tăng 13,8%, đạt 22,54 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm 2019, đã chứng kiến thặng dư thương mại là 5,88 tỷ USD, trong đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 194,30 tỷ USD, tăng 8,2%.

Đối với vốn đầu tư toàn xã hội, riêng trong quý 3, dòng vốn này đạt 55,4 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2018. Theo đó, khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư đạt 265,5 nghìn tỷ đồng, tăng 18%. Vốn đầu tư từ khu vực nhà nước tăng trưởng thấp nhất, chỉ tăng 0,5% mặc dù chiếm tỷ trọng cao trong tổng vốn đầu tư. Tính chung 9 tháng năm, so với cùng kỳ năm trước, vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,3%, khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 16,9%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 8,4%.

Một điểm sáng nữa trong bức tranh kinh tế vĩ mô chính là vừa qua, World Economic Forum đã tăng chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam năm 2019 lên 10 bậc, xếp hạng 67 toàn thế giới. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Lê Đăng Doanh - Chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam ở vị trí 67 chưa phải vị trí “ghê gớm”, chỉ cao hơn Lào, Campuchia, Myanmar, làm sao phải cạnh tranh với Philippines và vượt lên trên vị trí của Philippines và Thái Lan.

Ngoài 3 điểm sáng nổi bật trên, nền kinh tế Việt Nam 9 tháng 2019 cũng ghi nhận nhiều kết quả tích cực, như số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động giảm, quy mô lao động tăng và tiếp tục chuyển dịch sang khu vực ngoài nhà nước và FDI. Về phía cầu, hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ diễn ra ổn định. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, đạt 2,5%.

Tuy nhiên, theo PGS- TS. Phạm Thế Anh – kinh tế trưởng, trưởng nhóm kinh tế vĩ mô của VEPR, vẫn còn những nguy cơ khiến chỉ số này tăng cao hơn trong thời gian tới. Nguyên nhân chính từ việc gia tăng do dịch tả lợn châu Phi, cùng với giá nhiên liệu biến động bất ổn.

Không nên chủ quan

Nhìn vào bức tranh tăng trưởng 9 tháng đầu năm 2019, TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng khoa Tài chính (Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh) – đã bày tỏ lo ngại, nếu con số, kỳ tích này đến từ những thuận lợi, từ nguồn vốn, mối làm ăn dịch chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam, thì sự dịch chuyển đó có tác động vào bài toán kinh tế vĩ mô Việt Nam hay không?

Bởi, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng mặc dù tăng khá cao, nhưng tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực FDI, đóng góp của doanh nghiệp trong nước vẫn chưa được đẩy mạnh. Đáng chú ý, trong 8 tháng đầu năm 2019 là giá trị xuất khẩu của hàng Việt Nam sang Mỹ tăng 27% về mặt giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 39 tỷ USD. “Cùng với việc tăng dự trữ ngoại hối lên tới 71 tỷ USD, điều này có thể đặt Việt Nam dưới nguy cơ bị Mỹ cáo buộc tháo túng tiền tệ trong tương lai gần. Tuy nhiên, việc xuất khẩu nhiều sang Mỹ có thực sự làm lợi cho thị trường nội địa? Bởi lẽ hoạt động xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dựa vào khu vực FDI, 70% nguyên liệu sử dụng cho ngành dệt may có nguồn gốc từ Trung Quốc, Việt Nam đồng thời cũng là thị trường tái xuất của một số nước ví dụ nưh hàng nông sản của Thái Lan” – PGS- TS . Phạm Thế Anh phân tích và đề xuất, Ngân hàng Nhà nước cẩn trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ, linh hoạt và khách quan. Việc hạ thấp giá trị của đồng VNĐ để tăng cường thương mại sẽ là điều không nên làm trong thời điểm này.

Ngoài ra, bức tranh kinh tế vĩ mô năm nay còn chứng kiến điểm khá đặc biệt so với những năm trước, đó là “lĩnh vực khai khoáng tăng trưởng mạnh, đóng góp tương đối lớn vào tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, tăng trưởng thật trong các ngành xây dựng, chế biến, chế tạo không có”- ông Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng VEPR lưu ý và cho rằng, bất đầu có những dấu hiệu không thể chủ quan, năm sau có thể giảm xuống, bởi trong ngành sản xuất chế biến, chế tạo giảm so với năm trước.

Tuy nhiên, theo Viện trưởng VEPR, trong năm nay, vẫn dự báo tăng trưởng tương đối lạc quan. Theo đó, tăng trưởng kinh tế quý 4 sẽ đạt 7,26% (trước đó quý 1 là 6,79%; quý 2 là 6,71% và quý 3 là 7,31%). Như vậy, cả năm 2019 dự báo tăng trưởng kinh tế đạt 7,05%. Về lạm phát, dự báo sẽ đạt 2,45% trong quý 4/2019 (trong quý 1 là 2,63%; quý 2 là 2,65% và quý 3 là 2,23%).

Thu Phương - Vũ Cương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khong-chu-quan-ve-tang-truong-kinh-te-126434.html