Không chủ quan với bệnh dại

Trong 2 tháng đầu năm nay, tại một số địa phương đã ghi nhận nhiều người dân đến các cơ sở y tế để tiêm vaccine phòng dại.

Tiêm vaccine phòng dại là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ tính mạng của người bệnh.

Tiêm vaccine phòng dại là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ tính mạng của người bệnh.

Mối nguy hiểm tiềm ẩn

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận 99 trường hợp bị chó, mèo cắn đến tiêm phòng dại, trong đó có 56 trường hợp nguy cơ cao phải tiêm huyết thanh dại - chiếm tỷ lệ 56%. Hệ thống y tế các tỉnh Đông Nam bộ và TPHCM cũng tiếp nhận hơn 5.000 lượt tiêm vaccine phòng bệnh dại trong tháng 1/2023, tăng 25% so với tháng 12/2022 và tăng 400% so với tháng 11/2022.

Theo BS Bùi Hoàng Trương- Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, những ngày qua, đa số người đến tiêm phòng vì bị chó, mèo cắn; một số khác bị các loài động vật khác như chuột, khỉ… cắn. Còn tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, số người đến tiêm vaccine phòng dại do bị chó cắn cũng tăng cao. Chỉ trong tháng 1/2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai tiếp nhận gần 1.000 trường hợp đến tiêm ngừa vaccine phòng dại. Riêng trong những ngày Tết Nguyên đán đã có 250 trường hợp đến tiêm phòng dại.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dù Việt Nam đã có những bước tiến trong phòng chống bệnh dại nhưng trong vòng 10 năm qua, trung bình mỗi năm Việt Nam có tới gần 100 người chết do bệnh dại, hơn 400 ngàn người bị chó, mèo cắn phải đi tiêm phòng. Riêng năm 2022, cả nước ghi nhận gần 60 trường hợp tử vong do bệnh dại trên người, trong đó khu vực miền Bắc có 23 ca, miền Nam 20 ca, Tây Nguyên 10 ca và miền Trung 5 ca.

Theo nghiên cứu của WHO, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virus dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người. Bệnh đã được ghi nhận ở hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nguy cơ bệnh dại lây truyền từ chó qua vết cắn, cào chiếm 96,1%, nguy cơ lây truyền qua vết cắn từ các động vật khác chiếm 3,9%.

BS.CKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC (thuộc Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam) cho biết: Đa số các trường hợp tử vong do dại thường thiếu hiểu biết về phòng chống bệnh, đặc biệt là không chủ động tiêm ngừa vaccine ngay sau khi bị động vật nghi dại cắn.

Chủ động phòng ngừa

BS Bùi Hoàng Trương cho biết, thời gian ủ bệnh dại từ 3 ngày đến hơn 3 tháng, thậm chí có trường hợp kéo dài hơn. Khi đã lên cơn dại, cả động vật và người đều tử vong. Người mắc bệnh dại thường trải qua các giai đoạn như: giai đoạn tiền triệu chứng (khoảng 1-4 ngày) với biểu hiện sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, đau tại vết thương. Giai đoạn 2, người bệnh thường có biểu hiện mất ngủ, sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ. Ngoài ra, người bệnh còn bị rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp. Bệnh thường kéo dài từ 2-6 ngày, đôi khi lâu hơn, và cuối cùng người bệnh tử vong. Bệnh dại tiến triển khiến người bệnh không thể uống nước, không nuốt được, ăn uống trở nên cực kỳ khó khăn. Khi phát dại, người bệnh tỉnh táo hoàn toàn cho đến lúc tử vong.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế ), bằng mắt thường không thể phân biệt được con chó cắn người có mang virus dại hay không, do đó khi có người nhà bị chó dại cắn cần theo dõi con vật. Nếu bị cắn mà không biết chắc con chó có bị dại không thì người bệnh nên đến cơ sở y tế để được tư vấn. Thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 30 đến 90 ngày. Vết thương càng nặng thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Thời kỳ phát bệnh thường 2-4 ngày.

Ông Phu nhấn mạnh: Nhiều trường hợp nghĩ chó nhà nuôi cắn thì không sao và trước đó con chó cũng không có biểu hiện gì đặc biệt nên nhiều người chủ quan không tiêm phòng. Chỉ đến khi bất ngờ lên cơn dại mới vội vàng tiêm vaccine phòng bệnh thì đã quá muộn. Lúc này, virus bệnh dại đã lên não và phát bệnh thì không có thuốc nào chữa được. Người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%.

Có 3 giải pháp chính để loại trừ bệnh dại trên người, trong đó quan trọng nhất là tiêm phòng cho đàn chó mèo và tỷ lệ tiêm liên tục trong nhiều năm phải đạt trên 70%. Tiếp đến là tiêm vaccine phòng bệnh cho người có nguy cơ cao nhiễm bệnh dại và tiêm huyết thanh kháng bệnh dại cho người bị chó mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh dại cắn. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Ngoài ra, tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại. Rất có thể sẽ dẫn đến những biến chứng chết người.

THANH MAI

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/khong-chu-quan-voi-benh-dai-5710766.html