Không chủ quan với bệnh sởi

Giai đoạn giao mùa Đông - Xuân là thời điểm sởi dễ bùng phát. Khu vực miền Bắc và miền Trung có thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi để virus sởi phát triển, vì vậy không được chủ quan.

Sởi rất dễ lây lan trong cộng đồng

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa đưa ra cảnh báo về sự lây lan nhanh chóng của bệnh sởi trên toàn thế giới, với hơn 306.000 trường hợp được báo cáo vào năm 2023, tăng 79% so với năm 2022.

Đặc biệt, trong năm 2023, thế giới chứng kiến số ca mắc sởi gia tăng mạnh ở khu vực châu Âu, khiến hàng triệu người gặp nguy hiểm.

Cụ thể, hơn 58.000 người ở 41 trong số 53 quốc gia thành viên trong khu vực - trải dài khắp châu Âu và Trung Á - mắc bệnh sởi, hàng nghìn người phải nhập viện và 10 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi.

Sởi có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm (Ảnh minh họa).

Đặc biệt, có đến gần một nửa số ca bệnh là ở trẻ dưới 5 tuổi. Điều này một lần nữa phản ánh tác động to lớn của đại dịch Covid-19 đối với các hệ thống y tế, bao gồm cả các dịch vụ tiêm chủng thông thường. Trẻ bị bỏ lỡ việc tiêm chủng định kỳ phòng bệnh sởi và các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine khác.

WHO ước tính khoảng 61 triệu liều vaccine sởi đã bị bỏ lỡ hoặc trì hoãn vào năm 2021. Năm 2022, khoảng 83% trẻ em trên thế giới được tiêm một liều vaccine sởi trước ngày sinh nhật đầu tiên.

Đây là con số thấp nhất kể từ năm 2008, khi đó tỷ lệ này cũng là 83%.

Tại Việt Nam, theo Bộ Y tế, trong năm 2023, bệnh sốt phát ban nghi sởi có tăng tại một số địa phương. Cả nước ghi nhận 393 trường hợp mắc, tăng 35 ca so với năm 2022.

Dữ liệu của hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm ở nước ta từ đầu năm 2024 đến nay đã ghi nhận rải rác 42 trường hợp mắc bệnh sởi và sốt phát ban nghi sởi tại 13 tỉnh, thành phố, không ghi nhận ổ dịch tập trung.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra và rất dễ lây lan qua các giọt hô hấp và có thể dẫn đến các biến chứng như viêm phổi, viêm não hoặc tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ và những người bị suy giảm miễn dịch.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh sởi là: Sốt cao, phát ban lan rộng trong cơ thể (phát ban có thể bắt đầu ở đầu và sau đó lan sang phần còn lại của cơ thể), ho, mắt đỏ, đau họng, sổ mũi, đốm trắng bên trong miệng…

Các triệu chứng của bệnh sởi thường bắt đầu 10-14 ngày sau khi tiếp xúc với virus. Dấu hiệu đặc trưng là phát ban, đặc biệt bắt đầu trên mặt và lan xuống dưới, bao gồm các đốm đỏ phẳng có thể hợp nhất khi bệnh tiến triển.

Ngoài ra, người bệnh có thể nhạy cảm với ánh sáng, đau họng và có những đốm trắng nhỏ bên trong miệng.

Cần tiêm đủ liều, đúng lịch vaccine phòng sởi cho trẻ em (Ảnh minh họa).

Tiêm đủ liều vaccine sởi, khả năng bảo vệ đạt 97%

Tuy là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhưng sởi cũng là một trong những bệnh có thể phòng ngừa. Với hai liều vaccine khi còn nhỏ có khả năng bảo vệ 97%.

Trẻ em không tiêm vaccine đúng lịch có nguy cơ tử vong và mắc bệnh nghiêm trọng, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ cao nhất bị các biến chứng nặng bao gồm viêm phổi, viêm não và tử vong.

Nhiễm sởi cũng làm suy yếu hệ thống miễn dịch và có thể khiến hệ miễn dịch "quên" cách tự bảo vệ mình trước các bệnh nhiễm trùng thông thường khác, khiến trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương.

Để phòng ngừa bệnh sởi lây lan, cần đảm bảo rằng mọi người trong gia đình đều được tiêm vaccine phòng sởi. Trẻ em cần hai liều vaccine sởi. Tại nước ta, lịch tiêm vaccine sởi đơn trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) là 2 liều, liều thứ nhất cần bắt đầu sớm ngay khi trẻ đủ 9 tháng tuổi, liều thứ 2 khi trẻ được 18 tháng tuổi.

Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị, phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi.

Trong trường hợp bị nhiễm bệnh, nên tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt để hạn chế sự lây lan của bệnh. Người mắc bệnh sởi phải cách ly cho đến khi hết triệu chứng. Không đi đến những nơi đông người trong thời gian dịch bệnh bùng phát.

Ngoài tiêm vaacine sởi đầy đủ, để phòng nhiễm bệnh cần giữ vệ sinh đúng cách như rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn cho trẻ, hướng dẫn trẻ tự thực hiện trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mắt, mũi, miệng và tắm hàng ngày cho trẻ; cho trẻ uống nhiều nước, nước hoa quả ép…

Khẩu phần ăn của trẻ cần đủ dinh dưỡng, nhất là những thực phẩm giàu đạm và vitamin A, nơi ở cần thoáng mát, sạch sẽ.

Để đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch sởi trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố: Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh sởi tại cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

Triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh; tiếp tục triển khai công tác tiêm chủng thường xuyên hàng tháng cho các đối tượng thuộc Chương trình TCMR, trong đó có tiêm vaccine sởi cho trẻ 9 tháng tuổi và vaccine Sởi - Rubella cho trẻ 18 tháng tuổi;

Rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng thuộc Chương trình TCMR chưa được tiêm vaccine phòng bệnh sởi, đặc biệt chú ý đến vùng lõm tiêm chủng;

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh sởi và các biện pháp phòng chống, vận động người dân đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch các vaccine trong Chương trình TCMR để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm có vaccine phòng bệnh...

Nam Anh

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/khong-chu-quan-voi-benh-soi-20240327110732039.htm