Không chủ quan với bệnh tay chân miệng

Trước tình hình dịch tay, chân, miệng có nguy cơ lan rộng tại các tỉnh, thành phố, Bộ Y tế đã kích hoạt các hoạt động phòng chống dịch, giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh; lấy mẫu xét nghiệm để phát hiện tác nhân gây bệnh…

Người dân không nên chủ quan với bệnh tay chân miệng.

Số ca tay chân miệng có chiều hướng gia tăng

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tây Ninh, tính đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 147 ca mắc tay chân miệng. Riêng trong tuần 25 có 35 ca, tăng 12 ca so với tuần 24, với 3 ổ dịch tại huyện Gò Dầu, thành phố Tây Ninh và thị xã Trảng Bàng.

Số ca nhiều nhất được ghi nhận tại thị xã Trảng Bàng (18 ca). Theo nhận định, tình hình bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng trong các tuần gần đây. Trong khi đó, các loại dịch bệnh mới phát sinh, các bệnh thông thường, dịch bệnh theo mùa… có thể gây nguy cơ dịch chồng dịch.

Theo bác sĩ Trần Hoàng Nam (Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh), trung bình mỗi ngày có khoảng 5-7 bệnh nhi mắc tay chân miệng, nhiều nhất ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ 2-4 tuổi. Đáng lưu ý, đã có một số bệnh nhi chuyển nặng, suy hô hấp, phải chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng II - TP. Hồ Chí Minh điều trị tích cực.

“Bệnh nhi mắc tay chân miệng nhập viện thường sốt cao liên tục, thở khó, khóc nhiều, nổi bóng nước ở tay chân, mông, gối, lở miệng ăn không được, hay nôn ói, tay chân run, ngủ bị giật mình... Bác sĩ phải theo dõi sát sao sức khỏe của trẻ để xử trí kịp thời”- bác sĩ Nam cho biết.

Thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 9.000 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có 7 ca tử vong tại khu vực phía Nam. Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong 7 ca tử vong, có 5 trường hợp xác định dương tính với Enterovirus 71 (EV71).

Trước tình hình này, Bộ Y tế có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng, chống bệnh tay chân miệng, đề nghị các địa phương phối hợp với ngành Y tế triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, đặc biệt tập trung vào các khu vực có số mắc cao, nguy cơ bùng phát dịch.

Đồng thời cảnh báo, củng cố công tác điều trị để hạn chế đến mức thấp nhất số ca tử vong do bệnh tay chân miệng gây ra; tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, tập huấn và tổ chức các kíp thường trực cấp cứu, sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các tỉnh theo địa bàn đã được phân công và khi có yêu cầu hỗ trợ để xử lý ổ dịch kịp thời, thực hiện tốt phòng, chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71).

Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Các trường hợp biến chứng nặng thường do EV71. Virus gây bệnh tồn tại trong nước bọt, dịch hắt hơi, sổ mũi, phân, dịch vỡ bóng nước trên da, niêm mạc…

Nhận biết sớm để điều trị kịp thời

Chăm sóc con gái 4 tuổi mắc bệnh tay chân miệng tại Khoa Nhi BVĐK tỉnh, chị Ngô Thị Huyền Châu (29 tuổi, ngụ huyện Châu Thành) cho hay: “Cách đây 4 ngày, tôi đón ở chỗ gửi trẻ về thì cháu có biểu hiện sốt nhẹ, bỏ ăn. Tôi nghĩ cháu cảm nên mua thuốc cho cháu uống nhưng không giảm. Kiểm tra khắp cơ thể vẫn không phát hiện dấu hiệu bệnh tay chân miệng.

Kiểm tra vùng miệng có nhiều vết lở loét, chúng tôi quyết định đưa cháu vào bệnh viện. Kết quả xét nghiệm, bác sĩ cho biết cháu mắc bệnh tay chân miệng, chuyển xuống Khoa Nhi điều trị". Hiện sức khỏe con gái chị Châu đã ổn định, có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Theo bác sĩ Nam, ở Tây Ninh đã có trường hợp mắc tay chân miệng chủng mới EV71 nhưng mức độ nhẹ. Có những ca nhẹ hơn, không có biểu hiện ra ngoài, tùy vào mức độ bệnh mà có thể điều trị tại nhà.

Các bậc phụ huynh cần theo dõi, sớm nhận biết dấu hiệu bệnh, đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. “Bệnh tay chân miệng được phân làm 4 độ, trong đó độ 1 có thể điều trị tại nhà.

Tuy nhiên, thấy con có những dấu hiệu của bệnh tay chân miệng, phụ huynh cần đưa con đi khám để bác sĩ phân loại và phải tái khám hằng ngày, nếu trẻ chuyển độ cao hơn bác sĩ sẽ cho nhập viện theo dõi và điều trị”- bác sĩ Nam cho biết thêm.

Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng có 2 giai đoạn. Giai đoạn khởi phát từ 1-2 ngày, với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày. Giai đoạn toàn phát có thể kéo dài 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh: loét miệng; phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm; sốt nhẹ; nôn ói.

“Nếu trẻ sốt cao và nôn ói nhiều, dễ có nguy cơ biến chứng. Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh. Do đó, người dân cần nắm chắc các dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng cho trẻ”- bác sĩ Nam khuyến cáo.

Tâm Giang

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71).

Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Các trường hợp biến chứng nặng thường do EV71. Virus gây bệnh tồn tại trong nước bọt, dịch hắt hơi, sổ mũi, phân, dịch vỡ bóng nước trên da, niêm mạc…

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/khong-chu-quan-voi-benh-tay-chan-mieng-a160115.html