Không chủ quan với bệnh tay chân miệng

Trong tháng 8 và 9-2018, toàn tỉnh ghi nhận 725 ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM), tăng so với những tháng trước đó. Trong khi đó, nhiều phụ huynh chưa nhận thức được sự nguy hiểm của bệnh TCM nên vẫn còn tự ý mua thuốc cho con uống và điều trị tại nhà. Sau khi bệnh phát triển nặng, sức khỏe của trẻ suy giảm thì phụ huynh mới đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị.

NHIỀU CHA MẸ CÒN CHỦ QUAN

Bác sĩ Khoa Nhi, Bệnh viện Bà Rịa thăm khám cho bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng.

Ngày 1-10, chị Võ Thị Thu Thảo (ấp Tân Hòa, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) thấy con gái 2 tuổi sốt trên 39 độ nên chị đã ra tiệm thuốc Tây y tư nhân gần nhà mua thuốc hạ sốt cho con. Sau 2 ngày uống thuốc, bé vẫn không hạ sốt. Đến ngày 3-10, bên cạnh triệu chứng sốt cao, trong miệng bé còn xuất hiện các nốt lở loét. Thấy con như vậy, chị Thảo mới đưa bé vào Bệnh viện Bà Rịa khám. Tại đây, bé được bác sĩ chuẩn đoán bị bệnh TCM và phải nhập viện để điều trị. “Tôi cứ nghĩ con bị cảm cúm thông thường nên tự mua thuốc hạ sốt cho con uống. Khi thấy con mệt mỏi, biếng ăn, sức khỏe suy giảm, tôi mới đưa con đi bệnh viện thì bệnh của cháu đã phát triển nặng rồi”, chị Thảo nói.

Tương tự, khi thấy con trai 9 tháng tuổi sốt trên 39°C , chị Lê Thị Hằng (khu phố 3, phường Long Tâm, TP.Bà Rịa) cũng ra tiệm thuốc Tây gần nhà mua thuốc hạ sốt cho con uống. Sau 3 ngày uống thuốc, con chị vẫn không hạ sốt, mà có thêm các triệu chứng khác như: Lở loét trong miệng, ở đùi và mông nổi các nốt ban, thở nhanh. Tối 2-10, gia đình chị Hằng mới đưa con vào Bệnh viện Bà Rịa khám. Chị Hằng cho biết: “Bác sĩ nói con tôi bị bệnh TCM, cần phải nằm lại bệnh viện để theo dõi và điều trị. Tôi thấy mình quá chủ quan khi tự ý mua thuốc hạ sốt cho con uống, làm ảnh hưởng tới sức khỏe của bé”.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện mỗi ngày, Bệnh viện Bà Rịa tiếp nhận 12-16 trẻ mắc bệnh TCM; còn Bệnh viện Lê Lợi tiếp nhận 5-6 trẻ. Từ đầu năm 2018 tới nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.200 ca mắc bệnh TCM. Theo đánh giá của Bộ Y tế, BR-VT là 1 trong 6 tỉnh, thành ở khu vực phía Nam có nhiều trẻ mắc bệnh TCM trong 9 tháng đầu năm 2018.

CHỦ ĐỘNG PHÒNG NGỪA BỆNH

Thăm khám bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Lê Lợi (TP.Vũng Tàu).

Bác sĩ Vương Quang Thắng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bà Rịa cho biết, bệnh TCM là bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Nguyên nhân của bệnh này là do virus đường ruột gây ra. Nhóm virus gây bệnh TCM phổ biến nhất là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV-71). Trong đó, Coxsackievirus A16 ít gây ra biến chứng và có thể tự hết từ 7 đến 10 ngày; còn EV 71 là loại nguy hiểm, dễ gây các biến chứng thần kinh, phổi, tim mạch khiến trẻ tử vong. Do vậy, khi thấy trẻ có các triệu chứng như: Sốt cao trên 39°C; miệng lở loét; nổi nốt ban và mọng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; giật mình thường xuyên; thở nhanh; đi không vững, loạng choạng thì phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời. Phụ huynh không nên chủ quan, tự ý mua thuốc điều trị tại nhà, vì nếu để bệnh ủ lâu ngày, sức đề kháng của trẻ yếu, toa thuốc không phù hợp… thì bệnh TCM sẽ biến chứng nặng, có thể dẫn đến phù phổi cấp, viêm phổi, viêm màng não và nguy hiểm hơn là gây tử vong.

Trước những diễn biến phức tạp của bệnh TCM, ngày 3-10, Sở Y tế đã có công văn khẩn gửi Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Truyền thông-Giáo dục sức khỏe, các bệnh viện, Phòng Y tế và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, thị xã yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh TCM. Theo đó, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng tổng hợp tình hình dịch bệnh từ đầu năm 2018 đến nay, phân tích dịch tễ bệnh, xác định yếu tố nguy cơ, vùng nguy cơ, dự báo dịch, hướng dẫn nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị tuyến huyện giám sát, xử lý ca bệnh, ổ dịch kịp thời, không để bùng phát, lan rộng. Trung tâm Truyền thông-Giáo dục sức khỏe cập nhật tình hình dịch bệnh, dịch tễ và công tác triển khai của tỉnh, kiến thức phòng chống dịch bệnh để hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, chuyển tải đến cơ quan truyền thông phối hợp tuyên truyền. Các bệnh viện, cơ sở điều trị, chủ động phân loại bệnh nhân, chuẩn bị khu cách ly điều trị và phòng chống nhiễm khuẩn, tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế.

Bài, ảnh:TUỆ LÂM-BẢO KHÁNH

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/201810/khong-chu-quan-voi-benh-tay-chan-mieng-817449/