Không chủ quan với bệnh

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tính đến đầu tháng 7/2020, cả nước ghi nhận 10.945 trường hợp mắc tay chân miệng (TCM) tại 63 tỉnh, thành phố.

Có xu hướng tăng tại một số địa phương

Tại Hà Nội, tính đến giữa tháng 7, thành phố có hơn 700 trường hợp mắc (tăng 84% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó có 422 trường hợp phải nhập viện (chiếm 68%). Người bệnh phân bố ở cả 30 quận, huyện, thị xã tại 235 xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố. Ðáng chú ý, tích lũy từ đầu năm Hà Nội có 42 ổ dịch tại 15 quận, huyện, 31 xã, phường, trong đó có 9 ổ dịch tại cộng đồng; 27 ổ dịch tại trường học và 6 ổ dịch kết hợp. Hiện còn 25 ổ dịch đang xảy ra tại các quận, huyện: Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Ðông Anh, Gia Lâm, Hà Ðông, Hoài Ðức, Nam Từ Liêm, Phú Xuyên, Thạch Thất, Thanh Xuân...

Những tuần gần đây, bệnh TCM đang có xu hướng tăng tại một số địa phương do thời tiết thuận lợi; điều kiện vệ sinh chưa bảo đảm là yếu tố thuận lợi cho sự lây lan và phát triển của dịch bệnh TCM tại cộng đồng. Đáng ngại là số lượng trẻ mắc tay chân miệng tăng đáng kể, nhiều trường hợp đã xuất hiện những biến chứng nguy hiểm, trong đó, biến chứng nặng nhất trong bệnh tay chân miệng là viêm cơ tim, viêm phổi, suy hô hấp và viêm não... đe dọa tính mạng trẻ.

Theo thống kê của Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Nhi trung ương, tính từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 300 ca mắc tay chân miệng. Chỉ tính riêng 2 tháng 6 và 7, số lượng bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh này đã tăng 5-6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, trung bình mỗi ngày BV Nhi TW tiếp nhận khoảng 30-50 bệnh nhân.

Tại Bệnh viện E, BS Trương Văn Quý, Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp cho biết, trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận khám và điều trị từ 40-50 bệnh nhi. Nhưng trong 3 tuần gần đây, Khoa tiếp nhận mỗi ngày 10-15 trường hợp tới khám và điều trị do mắc bệnh TCM. Tại Khoa Bệnh Nhiệt đới -Trung tâm Sản Nhi (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ), chỉ tính riêng tháng 6/2020, số lượng trẻ nhập viện điều trị do mắc tay chân miệng tăng cao gấp 10 lần so với tháng 5 và cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có nhiều trường hợp đã xuất hiện những biến chứng nguy hiểm.

Theo dự báo của các chuyên gia y tế, bệnh TCM có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới đây do tính chất lây truyền, đặc biệt trong mùa tựu trường, học sinh chuẩn bị tập trung vào năm học mới. Lượng bệnh nhi được chẩn đoán mắc TCM tăng 5-6 lần.

Biểu hiện đặc trưng của bệnh

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, TCM là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh rất dễ lây cho người khác nếu hành vi vệ sinh không đảm bảo. Tại Việt Nam, bệnh có quanh năm và tăng mạnh vào tháng 3-5 và tháng 9-10.

Theo đó, bệnh có nguy cơ lây nhiễm mạnh nhất trong tuần đầu tiên sau khi một bệnh nhân nhiễm bệnh và có thể kéo dài vài tuần do virus khu trú trong chất thải. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Còn BSCKI Bùi Thị Đến-Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới (Trung tâm Sản Nhi BV đa khoa Phú Thọ) cảnh báo, TCM là bệnh diễn biến cấp tính và có thể xảy ra biến chứng rất nhanh, thậm chí chỉ trong nửa ngày đã có thể chuyển độ. Với sự chuyển độ nhanh như vậy đồng nghĩa với việc em bé sẽ xuất hiện những biến chứng rất nhanh. Biến chứng nặng nhất là viêm cơ tim, viêm phổi, suy hô hấp và viêm não.

Biểu hiện sớm nhất của bệnh TCM là mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, sổ mũi diễn ra trong vài ngày, sau đó bệnh sang giai đoạn toàn phát. Đầu tiên là sự xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng, thường là ở mặt trong má, lợi, mặt bên của lưỡi; các mụn nước có kích thước nhỏ nằm trên nền niêm mạc viêm đỏ. Các mụn nước trong miệng thường dập vỡ rất nhanh tạo ra các vết trợt loét rất đau rát làm bệnh nhân khó ăn uống. Tiếp theo, xuất hiện các mụn nước, bọng nước ở bàn chân, bàn tay, hoặc có thể ở mông, gối. Ngoài những nốt phát ban, em bé có thể có các triệu chứng khác như bỏ ăn, ăn kém, chảy dãi nhiều, sốt cao, quấy khóc, li bì. Một số trẻ xuất hiện biến chứng về thần kinh thường giật mình khi ngủ hoặc co giật, thậm chí hôn mê; một số trường hợp lại xuất hiện biến chứng liên quan đến phổi như suy hô hấp, tím tái, tím môi, tím ngọn chi.

Bệnh dễ mắc và lây

Theo BS Nguyễn Thị Nga, Phòng khám Nhi, BV đa khoa Xanh Pôn, sở dĩ bệnh TCM thường tăng mạnh, bùng phát vào mùa tựu trường là do bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn thông qua việc tiếp xúc. Cơ chế lây bệnh của TCM thường là lây trực tiếp qua đường tiêu hóa khi ăn uống chung hay tiếp xúc với dịch của trẻ mắc bệnh, lây gián tiếp qua bàn tay hoặc vật dụng nhiễm virus, do đó nó rất dễ lây trong môi trường sinh hoạt chung của trẻ ở lớp học, nhà trẻ. Chỉ cần một trẻ bị bệnh TCM là những trẻ xung quanh có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào.

Bệnh TCM chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, thường là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ thì các triệu chứng càng nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, tất cả những ai chưa từng mắc bệnh đều có nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc với các dụng cụ hoặc bề mặt bị nhiễm virus do người bệnh chạm vào, nhưng không phải ai bị nhiễm virus cũng có biểu hiện của bệnh.

Ngoài ra, trẻ nhỏ cũng thường bị nóng gây lở loét miệng, vì vậy rất nhiều phụ huynh nhầm sang bệnh TCM do khi trẻ mắc bệnh này, trong miệng thường có những vết loét đỏ hay tổn thương dạng phỏng nước, khi vỡ ra sẽ tạo thành các vết loét trong miệng. Khi phát hiện, cha mẹ cần xem xét những bọng nước đó có xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông của trẻ hay không. Nếu khó phân biệt được thì tốt nhất nên đưa trẻ đến chuyên khoa nhi để được bác sĩ thăm khám, xét nghiệm máu giúp xác định nguyên nhân và có biện pháp xử trí thích hợp.

Khuyến cáo của các chuyên gia y tế, để phòng chống bệnh TCM cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Thường xuyên rửa tay bằng nước và xà phòng, cho cả mẹ và bé đặc biệt là sau khi thay tã và đi vệ sinh, trước và sau khi ăn. Tránh cho trẻ tiếp xúc gần với người bị tay chân miệng. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác. Cần cách ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Phụ nữ mang thai cần phòng tránh bệnh, không nên tiếp xúc gần gũi với người nhiễm bệnh bởi có khả năng lây nhiễm và truyền virus sang cho con ngay trước khi sinh hoặc trong khi sinh.

Phương Liên

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/khong-chu-quan-voi-benh-502089.html