Không chủ quan với dịch sốt xuất huyết

Tính đến thời điểm này, số người mắc sốt xuất huyết (SXH) trong cả nước giảm 48,6%, so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây số người mắc SXH đang có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Do vậy, để phòng, chống SXH một cách chủ động và hiệu quả, nhất là tránh tâm lý chủ quan, lơ là, UBND các cấp cần tiếp tục chỉ đạo đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Cán bộ y tế tuyên truyền, hướng dẫn người dân phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: DƯƠNG NGỌC

Theo số liệu thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tích lũy từ đầu năm 2018 đến nay cả nước có gần 35 nghìn người mắc SXH, trong đó có chín người chết tại các tỉnh Khánh Hòa, Bình Dương, Bình Phước, An Giang, Ðồng Nai, Bình Ðịnh, Trà Vinh, Cà Mau và TP Hồ Chí Minh. So với cùng kỳ năm 2017, số mắc giảm 48,6%, số chết giảm 12 trường hợp. Ðáng lo ngại, số ca mắc SXH trong những tuần gần đây đang có xu hướng tăng theo diễn biến mùa dịch SXH hằng năm. Ðiển hình như TP Hà Nội, tuần từ ngày 16 đến 22-7, có 13 người mắc SXH mới, thì sang tuần từ ngày 23 đến 29-7, số người mắc SXH đã tăng lên 26 trường hợp. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Ðức Hạnh: Hà Nội là trọng điểm về SXH ở khu vực các tỉnh phía bắc, trung bình mỗi năm có từ 3.000 đến 5.000 trường hợp mắc SXH, trong đó năm 2017 là năm đỉnh điểm về dịch bệnh SXH, với số ca mắc SXH lên tới hơn 37 nghìn trường hợp, làm bảy người chết. Ðáng mừng, từ đầu năm 2018 đến nay, TP Hà Nội mới có 272 trường hợp mắc, giảm khoảng 96,7% so với cùng kỳ năm 2017 và không có trường hợp chết. Tuy vậy, hiện nay các yếu tố nguy cơ để SXH phát sinh, phát triển thành dịch luôn hiện hữu, đó là tình trạng ô nhiễm môi trường với nhiều phế thải, phế liệu tồn đọng là nơi muỗi đẻ trứng; mật độ dân số cao, nhiều khu vực nhà trọ, công trường xây dựng với điều kiện ăn, ở tạm bợ; thời tiết mùa hè lúc này nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển và có khả năng bùng phát thành dịch trên diện rộng, nếu không có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời...

Phó Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Ðặng Quang Tấn cho biết: Trong ba tuần trở lại đây, dịch bệnh SXH đang có chiều hướng tăng nhẹ theo diễn biến mùa dịch hằng năm. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh SXH, Bộ Y tế đã tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống SXH tại 16 tỉnh, thành phố trọng điểm trong cả nước; cấp hóa chất, vật tư, trang thiết bị phòng, chống SXH cho các địa phương... Tuy nhiên, để chủ động phòng, chống SXH một cách kịp thời và hiệu quả, nhất là tránh tâm lý chủ quan tại không ít địa phương hiện nay khi SXH giảm nhiều so với năm 2017, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND các cấp tăng cường công tác phòng, chống SXH trên địa bàn; huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể và vận động người dân tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng, chống SXH với mục tiêu không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng. Hằng tháng các xã, phường, thị trấn tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường và căn cứ diễn biến dịch bệnh SXH để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn chuyên môn của cơ quan y tế...

Ngành y tế, nhất là khối y tế dự phòng có trách nhiệm hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật phòng, chống SXH cho trung tâm y tế dự phòng các quận, huyện, thị xã; nâng cao năng lực dự báo dịch, giám sát phát hiện sớm yếu tố nguy cơ gây bùng phát dịch để có biện pháp dự phòng hiệu quả; bảo đảm đầy đủ trang thiết bị, phương tiện, hóa chất để xử lý dịch; thường xuyên cập nhật thông tin về dịch SXH, chia sẻ, hợp tác trong lĩnh vực phòng chống SXH với các địa phương chung quanh. Các bệnh viện thực hiện tốt công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh SXH, thông tin kịp thời ca bệnh cho các trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh, quận, huyện, thị xã để chủ động giám sát tại cộng đồng. Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã cần chủ động hơn nữa trong tham mưu cho ban chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống SXH; tham mưu cho chính quyền địa phương triển khai thường xuyên các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại cộng đồng...

Mỗi người dân cần thực hiện tốt các nội dung khuyến cáo phòng, chống SXH mà các cơ quan y tế đưa ra như: đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hằng tuần thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Trong trường hợp bị sốt cao liên tục nhiều ngày, người dân cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

KHÁNH HUY

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/37189102-khong-chu-quan-voi-dich-sot-xuat-huyet.html