Không chủ quan với lạm phát

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, mặc dù lạm phát trong năm nay được đánh giá là vẫn nằm trong tầm kiểm soát nhưng có rủi ro lạm phát sẽ tăng trong năm 2019 nếu như giá nhiên liệu thế giới tiếp tục ở mức cao, đồng thời Việt Nam áp kịch trần thuế môi trường đối với xăng dầu (từ 3.000 lên 4.000 đồng/lít) kể từ 1/1/2019.

Tăng trưởng nhưng vẫn cần cảnh giác lạm phát.

Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) mới đây đã công bố báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III năm 2018, trong đó nói rằng việc nâng kịch trần thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu vào đầu năm sau sẽ tạo ra rủi ro lạm phát.

Lạm phát năm 2019 sẽ vượt xa mức 4%

Theo báo cáo của VEPR, mặc dù lạm phát trong năm nay được đánh giá là vẫn nằm trong tầm kiểm soát nhưng rủi ro lạm phát sẽ tăng trong năm 2019 nếu như giá nhiên liệu thế giới tiếp tục ở mức cao, đồng thời Việt Nam áp kịch trần thuế môi trường đối với xăng dầu (từ 3.000 lên 4.000 đồng/lít) kể từ 1/1/2019.

“Những tính toán sơ bộ của chúng tôi cho thấy chỉ riêng sự thay đổi này có thể làm tỷ lệ lạm phát trong vòng 1 năm tới tăng thêm 1,6 điểm phần trăm. Điều này đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần phải rất thận trọng với việc điều tiết cung tiền và tín dụng trong thời gian tới nếu không muốn lạm phát vượt xa mức kiểm soát” – báo cáo có đoạn.

Lạm phát quý III năm nay tuy không còn tăng cao như quý trước nhưng vẫn giữ ở mức cao, chủ yếu do giá thực phẩm tiếp tục phục hồi mạnh và sự điều chỉnh tăng giá xăng dầu liên tục. Trước những diễn biến của tình hình giá năng lượng thế giới như hiện nay, việc nâng kịch trần thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu vào đầu năm sau sẽ tạo ra rủi ro lạm phát. Theo VEPR, mức mục tiêu 4% như những năm vừa qua là khó có thể đạt được trong bối cảnh bất lợi như vậy.

Theo đánh giá của VEPR, một vấn đề về lạm phát được người dân quan tâm nhất là giá xăng dầu. Thông thường, việc giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh tăng sẽ kéo theo nhiều loại mặt hàng khác tăng theo do chi phí vận chuyển tăng lên. Thay vì đặt ra những mục tiêu chưa được tính toán kỹ, Chính phủ thời gian tới cần có những biện pháp mạnh để kiềm chế rủi ro lạm phát tăng cao.

Nhìn lại kinh tế quý III, VEPR đánh giá, tăng trưởng GDP khá tích cực ở mức 6,88 %. TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR, cho hay: “Con số này cao hơn mức tăng trưởng quý II (6,73 %), xua tan các nhận định về tính giảm dần của tăng trưởng các quý trong năm 2018. Tính chung 9 tháng đầu năm, GDP ước tăng 6,98 %, mức tăng 9 tháng cao nhất kể từ năm 2011. Với mức tăng trưởng tích cực 6,88 % của quý III, nhóm nghiên cứu Kinh tế vĩ mô của VEPR cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5 %-6,7 % của năm 2018 do Quốc hội đề ra hầu như chắc chắn sẽ thực hiện được. Nhiều khả năng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng hơn 6,8 % trong năm nay”.

Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt

Báo cáo về kinh tế vĩ mô quý III của VEPR cũng đề cập đến nhiều về vấn đề thị trường tài chính, tiền tệ. Việc Fed tăng lãi suất lần thứ 3 trong Quý III cùng với những diễn biến căng thẳng trong thương mại Mỹ-Trung đã đẩy giá trị đồng USD tăng mạnh, làm cho các đồng tiền khác, trong đó có VND, mất giá so với USD. Thặng dư thương mại đạt hơn 2 tỷ USD trong quý III và vốn FDI tiếp tục giải ngân khá đã góp phần giữ cho tỷ giá hối đoái không thay đổi quá nhanh. Tuy nhiên, NHNN cũng phải bán ra số lượng lớn dự trữ ngoại tệ để ổn định tỷ giá. Theo số liệu của Công ty chứng khoán HSC, NHNN đã phải bán ra hơn 3,7 tỷ USD từ tháng 7 tới nay để ổn định tỷ giá.

Trong thời gian tới nếu đồng USD tiếp tục tăng giá, việc NHNN phải tiếp tục bán ra ngoại tệ hoặc nâng lãi suất để giữ giá đồng nội tệ có thể sẽ xảy ra, dẫn tới nhiều rủi ro cho khu vực doanh nghiệp (DN). Phía VEPR cho rằng lượng dự trữ ngoại hối của Việt Nam thực tế còn tương đối mỏng tính theo tuần nhập khẩu, nên việc can thiệp có quy mô hạn chế. Tiếp đó, việc tăng lãi suất sẽ dẫn tới những hệ lụy cho DN trong năm 2019 và 2020.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính tới thời điểm 20/9/2018, tăng trưỏng tín dụng đạt mức 9,52 % so với tháng 12/2017, thấp hơn so với cùng kỳ hai năm trước (2016: 10,46 %; 2017: 11,02 %). Bên cạnh đó, tăng trưởng huy động vốn của các NHTM đạt 9,15 %, cũng thấp hơn so với cùng kỳ hai năm trước. Chênh lệch lãi suất huy động-tín dụng là một trong những nguyên nhân dẫn tới hiện tượng thanh khoản hệ thống eo hẹp trong Quý 3/2018. Ngoài ra, việc NHNN bán ra ngoại tệ để bình ổn tỷ giá cũng làm cho tổng phương tiện thanh toán tăng chậm hơn, dẫn tới thanh khoản eo hẹp.

Thúy Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/khong-chu-quan-voi-lam-phat-tintuc419783