Không chủ quan với sốt xuất huyết

Đầu mùa mưa năm nay, sốt xuất huyết (SXH) đã bắt đầu có những diễn biến phức tạp tại một số xã trên địa bàn huyện Bù Đăng. Số ca bệnh tăng nhanh và liên tiếp ghi nhận các ổ dịch SXH mới. Đặc biệt, đã có 1 ca tử vong do SXH tại thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn. Do vậy, khi thời tiết mưa nhiều và liên tục như hiện nay lại càng không thể chủ quan với bệnh SXH.

Số ca bệnh tăng mạnh

Ghi nhận từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 6 năm nay, dù chỉ mới xuất hiện vài cơn mưa rải rác nhưng tại xã Đường 10, huyện Bù Đăng đã liên tiếp có các ca bệnh SXH. Trong đó có 1 gia đình 6 người thì 4 người mắc SXH. "Lúc đầu, gia đình cứ nghĩ là sốt bình thường nhưng sau sốt cao liên tục không hạ, đi khám mới biết là bị SXH. Khu vực này hầu như nhà nào cũng có người bị SXH" - chị Bế Thị Thơm, thôn 1, xã Đường 10 cho hay.

Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh xá quân dân y Trung đoàn 719, Binh đoàn 16

Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh xá quân dân y Trung đoàn 719, Binh đoàn 16

Đặc biệt, những ngày tháng 6-2023, SXH tăng mạnh trên địa bàn các xã Bom Bo, Đắk Nhau, Đường 10, Bình Minh khiến Bệnh xá quân dân y Trung đoàn 719, Binh đoàn 16 trên địa bàn xã Bom Bo luôn kín bệnh nhân điều trị nội trú. Nhiều ca bệnh là người thân trong một gia đình. "Nhà tôi 5 người thì có 4 người mắc SXH. Bà nội với bé lớn bị trước, sau đó đến lượt chồng tôi với bé nhỏ" - chị Đoàn Thị Phương Thảo, thôn 3, xã Đường 10 cho biết. Chị Thảo đã ở bệnh xá liên tục nhiều ngày để chăm sóc người thân mắc SXH. Ở phòng bệnh bên cạnh, chị Nguyễn Thị Oanh ở thôn 1, xã Đường 10 đang chăm sóc con nhỏ, chia sẻ: "Bệnh nhân nằm ở đây hầu như là hàng xóm của nhau. Từ thôn 1 đến thôn 3 của xã Đường 10, người bệnh cứ ra, vào liên tục. Mùa này thường có người mắc SXH, nhưng năm nay nhiều người bị hơn".

Bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ mắc SXH được xét nghiệm máu để kiểm tra

Bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ mắc SXH được xét nghiệm máu để kiểm tra

Theo thống kê của Bệnh xá quân dân y Trung đoàn 719, thời gian cao điểm từ giữa tháng 5 đến tháng 6, bệnh xá tiếp nhận gần 30 trường hợp SXH điều trị nội trú. Các bệnh nhân nhập viện được điều trị kịp thời và chưa xảy ra trường hợp có biến chứng nặng ảnh hưởng đến tính mạng. Bác sĩ Nguyễn Thị Thu, phụ trách Bệnh xá quân dân y Trung đoàn 719 cho biết: “Bệnh nhân đến đây thăm khám đều có triệu chứng mệt mỏi, sốt cao, nôn ói. Những trường hợp này, chúng tôi cho nhập viện điều trị. Đối với những triệu chứng nặng hơn, chúng tôi tư vấn chuyển viện lên tuyến trên”.

Không chủ quan, lơ là

Thời tiết mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản, phát triển. Đặc biệt, người từng mắc SXH vẫn có thể tiếp tục mắc lại bệnh này. Do đó, người dân không chủ quan mà phải chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh, giữ gìn vệ sinh nhà ở và môi trường xung quanh sạch sẽ, không để muỗi có điều kiện sinh sản và lây truyền dịch bệnh. Trung tâm tiếp tục theo dõi sát tình hình dịch trên địa bàn. Nếu có ổ dịch sẽ nhanh chóng khống chế, không để lây lan.

Bác sĩ NGUYỄN VĂN THANH, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng

Nếu như những năm trước, SXH thường xuất hiện vào khoảng tháng 7, tháng 8 thì năm nay vào đầu tháng 6 đã xuất hiện bệnh và thậm chí trở thành ổ dịch khi có đến 13/16 xã, thị trấn của huyện Bù Đăng ghi nhận chùm ca bệnh. SXH xuất hiện khá sớm cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dân có phần lơ là, chủ quan với bệnh này. "Năm nay mưa sớm và rải rác, độ ẩm không khí tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển nên dịch đến sớm hơn" - bác sĩ Trương Tấn Tặng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đường 10 chia sẻ.

Bệnh SXH nếu điều trị theo đúng phác đồ sẽ khỏi, không để lại di chứng. Bất kỳ ai cũng có thể mắc SXH dù trước đó từng mắc, thậm chí lần mắc sau sẽ nặng hơn do có nhiều tuýp khác nhau. Vì vậy, người dân chú ý phòng tránh, không để dịch bệnh có cơ hội lây lan, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.

Thu Thảo

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/147063/khong-chu-quan-voi-sot-xuat-huyet