Không có chuyện gửi gắm, quyền lợi trong công tác nhân sự

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, công tác cán bộ phải làm hết sức chặt chẽ, thận trọng để tránh lọt người hư hỏng, biến chất vào trong bộ máy.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định trong công tác cán bộ, chúng ta phải có những quy định rất chặt chẽ từ tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đến đề bạt, bổ nhiệm. Nhất là quy trình công tác cán bộ phải làm hết sức chặt chẽ, thận trọng.

Đúng quy trình nhưng chọn không đúng người

. Phóng viên: Thời gian qua, hàng loạt cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị truy tố, xét xử. Từ những vụ việc này, là cơ quan thẩm định, tham mưu cho Chính phủ về công tác cán bộ, Bộ Nội vụ có rút ra được những bài học, kinh nghiệm gì để tránh lọt vào bộ máy những cán bộ suy thoái, biến chất?

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân

+ Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Thời gian qua có tình trạng chúng ta làm đúng quy trình, đúng thủ tục nhưng khi đã đề bạt, bổ nhiệm, chỉ sau thời gian rất ngắn thì cán bộ vi phạm. Như vậy, rõ ràng dù làm đúng quy trình, đúng thủ tục nhưng chúng ta chọn không đúng người. Qua đó để thấy việc chọn đúng người, nắm bắt được cán bộ về triển vọng, tương lai phát triển cũng như về đạo đức và năng lực của cán bộ là nội dung hết sức quan trọng.

Vấn đề rút kinh nghiệm, thứ nhất là chúng ta đừng để người sắp được đề bạt, bổ nhiệm tới tìm người làm tổ chức mà ngược lại, người làm tổ chức phải đi tìm người tốt, tìm người tài để giới thiệu cho Đảng, Nhà nước bổ nhiệm vào vị trí xứng đáng, để làm tốt nhiệm vụ lãnh đạo.

Thứ hai, chúng ta phải thực hiện trên tinh thần hết sức công tâm, khách quan, không chịu tác động bất cứ một thế lực, bất cứ một người nào, không vì lợi ích cá nhân, không vì quen biết, không vì việc trao đổi quyền lợi giữa các cá nhân với nhau. Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ chọn được đúng người.

Thứ ba, chúng ta phải đánh giá cán bộ trong cả một quá trình. Đây là công việc khó nhất trong quy trình cán bộ.

Thứ tư, cán bộ đã được đề bạt, bổ nhiệm rồi thì phải tiếp tục theo dõi, đưa đi đào tạo và phân công người giúp đỡ, tạo điều kiện cho cán bộ phát triển, chứ không phải chúng ta chỉ chọn một lần.

. Bộ trưởng vừa nói đánh giá cán bộ là việc khó nhất nhưng nhiều ý kiến khác thì cho đây đang là khâu yếu?

+ Công tác đánh giá cán bộ đang là khâu yếu. Vấn đề này cũng đã được Trung ương chỉ ra rõ tại Nghị quyết số 26 Hội nghị Trung ương 7 khóa XII. Theo đó, đánh giá cán bộ được nhìn nhận “là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến”.

Tại diễn đàn Quốc hội cuối năm 2019 vừa qua, nhiều ý kiến cũng nêu tỉ lệ đánh giá hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt nhiều quá, tỉ lệ không hoàn thành chỉ 0,63%. Hôm đó tôi có đặt vấn đề không biết đánh giá cái kiểu gì mà không tìm được người để tinh giản biên chế.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức, viên chức vừa được thông qua đã quy định nguyên tắc việc thực hiện đánh giá phải theo tiêu chí cụ thể, gắn với kết quả, sản phẩm thực hiện hằng năm trước khi luân chuyển, bổ nhiệm. Đồng thời, giao cho người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quy định tiêu chí đánh giá cụ thể và quyết định thực hiện đánh giá theo quý, tháng, tuần phù hợp với đặc thù công việc cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Tới đây, trong các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ quy định chi tiết nhất có thể được. Tuy nhiên, cũng cần thiết phải có sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là sự chỉ đạo của người đứng đầu với nhận thức rõ về tầm quan trọng của công tác đánh giá.

Ngoài ra, kết hợp với việc đánh giá này, sắp tới chúng ta sẽ đưa ra những tiêu chí để xét thi đua, khen thưởng. Đặc biệt khi thực hiện chế độ tiền lương năm 2021, tiền thưởng 10% tổng quỹ lương dùng để thưởng cho những người có hiệu quả năng suất làm việc cao hơn, vậy thì ai được lương, thưởng nhiều tức là người đó làm việc có hiệu quả.

Đã là cán bộ, công chức, đừng “quyền anh, quyền tôi”

. Bộ Nội vụ là ngành khá nhạy cảm vì động chạm trực tiếp đến con người. Bộ trưởng đã bao giờ gặp phải tình huống khó xử chưa và ông xử lý thế nào?

+ Bộ Nội vụ là cơ quan “gác gôn” cho Chính phủ, Thủ tướng trong công tác phê duyệt nhân sự cấp cao thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng. Do đó, chúng tôi ý thức rằng phải tuyệt đối việc chấp hành các chủ trương, quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tham mưu đầy đủ, đúng quy trình theo quy định của Đảng và quy định của pháp luật. Và như vậy thì không có chuyện “gửi gắm”, không có chuyện “quyền lợi” hay “sợ mất quyền lợi” ở đây. Việc càng khó thì càng phải bảo đảm đúng quy trình. Còn quy trình đó có thể có những thiếu sót, vướng mắc, chưa hoàn chỉnh, cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung. Chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ và bản thân việc sửa đổi, bổ sung các đạo luật vừa qua cũng nhằm mục đích như vậy.

. Một trong những việc đáng ghi nhận trong năm qua là bộ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương. Nhiều ý kiến cho rằng làm vậy là cắt bớt quyền, cũng là cắt đi lợi ích của công chức ở Bộ Nội vụ. Bộ trưởng có bao giờ gặp phải áp lực từ chính nội bộ?

+ Chủ trương phân cấp, phân quyền là chủ trương lớn của Đảng. Phân cấp, phân quyền không chỉ trong lĩnh vực về cán bộ, công chức, viên chức mà còn trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Nội dung phân cấp, phân quyền rất rộng và đang được các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ. Đã là cán bộ, công chức hưởng lương của Nhà nước, từ nguồn thu thuế của nhân dân thì làm việc không được đặt chuyện quyền anh, quyền tôi, không đặt vấn đề là cắt quyền hay cắt lợi ích. Vấn đề là phải thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ của mình.

Khuyết điểm nhỏ không sửa sẽ thành sai lớn

Cần chú ý hơn tới vấn đề đấu tranh xây dựng nội bộ, phải mạnh dạn đấu tranh và chia sẻ những vấn đề đúng/sai để cán bộ, công chức thấy được khuyết điểm của mình. Những khuyết điểm nhỏ nếu không được góp ý, sửa sai thì dần dần khuyết điểm nhỏ sẽ thành sai phạm và thậm chí là vi phạm pháp luật.

Còn việc bảo đảm chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động lại là câu chuyện khác. Quá trình thực hiện có thể có ý kiến về tính hiệu lực, hiệu quả của việc phân cấp, phân quyền. Bộ Nội vụ đang từng bước hoàn thiện, làm sao bảo đảm phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của cấp được phân cấp, phân quyền nhưng đồng thời cũng bảo đảm đẩy mạnh hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra, tăng cường hướng dẫn, trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ.

Phân cấp, phân quyền là để tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của địa phương chứ không có nghĩa là buông lỏng quản lý của các cơ quan trung ương.

. Xin cám ơn Bộ trưởng.

Tôi đã gửi bản tự kiểm cho Thủ tướng

. Là một trong bốn bộ trưởng trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng đã nhiều lần tự nhận khuyết điểm và cho biết sẽ gửi bản tự kiểm lên Thủ tướng. Đến nay, cam kết này đã được Bộ trưởng thực hiện ra sao?

+ Tôi rất quan tâm về Quyết định 402/2016 của Thủ tướng về xây dựng lực lượng cán bộ của người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới. Theo đó, từ tháng 3-2016, Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ tám nhiệm vụ, trong đó chúng tôi chủ trì năm nhiệm vụ, phối hợp ba nhiệm vụ. Đến nay còn bốn nhiệm vụ chúng tôi chưa làm. Tôi có hứa tôi sẽ làm bản tự kiểm gửi Thủ tướng và tôi đã gửi rồi. Tôi nhận khuyết điểm về vấn đề này, trước việc tổ chức triển khai không đồng bộ, chậm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân tộc thiểu số, đặc biệt là công tác vùng sâu, vùng xa. Theo đó, trong thi tuyển công chức thì người dân tộc sẽ thi tuyển với người dân tộc chứ không thi tuyển với người Kinh.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/khong-co-chuyen-gui-gam-quyen-loi-trong-cong-tac-nhan-su-887414.html