Không có chuyện 'tàn sát' phượng ở thành phố hoa phượng đỏ Hải Phòng sau vụ cây đổ làm chết học sinh tại TP.HCM

Trước thực trạng hàng loạt cây phượng bị đốn hạ trên địa bàn thành phố gần đây, nhiều người lo ngại cho số phận cây phượng có thể bị 'tàn sát' trong nay mai!

Mới đây, UBND TP Hải Phòng chỉ đạo các đơn vị thực hiện kiểm tra, rà soát, cắt tỉa, xử lý cây nguy hiểm trên địa bàn thành phố, tại các khu vực gần nhà trường, cơ sở giáo dục nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân, học sinh và giáo viên.

Theo đó, hàng loạt các đơn vị, trường học, cơ sở giáo dục đã cho tiến hành kiểm tra các cây trong khuôn viên, tiến hành cắt tỉa, gia cố, thậm chí đốn hạ những cây hư hại nặng hoặc không đảm bảo an toàn.

Cây phượng thân bị nghiêng trong khuôn viên trường THPT Lê Quý Đôn đã được chặt

Cây phượng thân bị nghiêng trong khuôn viên trường THPT Lê Quý Đôn đã được chặt

Tại trường THPT Lê Quý Đôn có 5 cây phượng vỹ và nhiều cây xà cừ cổ thụ. Hàng năm nhà trường đều cho tiến hành kiểm tra định kỳ sức khỏe các cây để đưa ra phương án xử lý đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, phụ huynh… đến trường.

Ngày 29/5, sau khi khảo sát, thấy 1 cây phượng thân bị nghiêng nên nhà trường đề nghị công ty cây xanh đốn hạ.

Tương tự, tại trường Tiểu học Đông Hải 2 (quận Hải An, Hải Phòng) có 1 cây phượng thân mục ruỗng nặng cũng vừa được công ty Công viên Cây xanh tiến hành đốn hạ.

Cây phượng trên đường Hồ Xuân Hương sau khi bị hạ gục

Tại tuyến phố Hồ Xuân Hương, Đinh Tiên Hoàng nơi tập trung nhiều cây phượng và xã cừ cổ thụ, việc chặt bỏ những cây phượng "bệnh nặng" không khả năng cứu chữa cũng đã được thực hiện.

Trước những hình ảnh phượng bị đốn hạ, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin cho rằng Hải Phòng đang "tàn sát" phượng trong các khuôn viên trường học, cơ sở giáo dục, khu vực công cộng để phòng ngừa vụ việc mới đây ở TP.HCM khiến một học sinh tử vong.

Công ty công viên cây xanh đang kiểm tra cây tại trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh

Trao đổi xung quanh thông tin trên, ông Phạm Quang Sỹ - Phó Tổng Giám đốc công ty CP Công viên Cây xanh Hải Phòng cho biết: "Hải Phòng hiện có vài chục nghìn cây phượng, riêng trong nội thành hiện có trên 10.000 cây phượng lớn, bé. Những cây lâu năm, trên 70 tuổi tập trung chủ yếu tại một số tuyến phố như dải vườn hoa trung tâm, phố Hồ Xuân Hương (quận Hồng Bàng), đường Trần Bình Trọng (quận Ngô Quyền)… Vì cây phượng là loại thân gỗ không được cứng, hay bị mối mọt, dễ mục ruỗng thân và gốc, tuổi thọ thấp nhất trong các loại cây đường phố (dưới 100 năm) nên việc chăm sóc, kiểm tra loài cây này diễn ra thường xuyên".

Những cây đốn hạ đều là cây bị "bệnh nặng" không khả năng cứu chữa. Ảnh: CTV

Theo lời ông Sỹ, vào dịp cuối năm, công ty lại khảo sát định kỳ các cây đã trồng và báo cáo lên Sở Xây dựng để Sở lập kế hoạch trình thành phố cho phép cắt tỉa, chặt hạ và trồng mới cây phượng thay thế. Rồi vào tháng 2 và tháng 3 hàng năm, Công ty lại kiểm tra "sức khỏe" thể trạng các loại cây lần nữa để triển khai cắt tỉa trước khi bước vào mùa mưa bão.

Phía công ty công viên khẳng định không có chuyện dễ dàng chặt hạ hết phượng

Riêng đầu năm 2020, lúc phượng chưa ra hoa, công ty này đã đốn hạ hơn 100 cây phượng. Đối với những cây bị mục ruỗng, tùy theo mức độ, phía công ty sẽ cân nhắc để đề xuất phương án xử lý lên các cấp có thẩm quyền.

"Thông thường, chúng tôi sẽ cắt tỉa bớt cành cho nhẹ cây, thân ngắn lại sẽ không thể đổ được, sau 5-7 năm cũng không lo đổ. Chỉ những cây thực sự bị mục ruỗng nặng, chúng tôi mới chặt bỏ và trồng mới thay thế. Ngoài ra, nếu có cây bị nghiêng và nếu còn cứu được, đơn vị sẽ làm cột chống để bảo vệ cây, không có chuyện dễ dàng chặt hạ", ông Sỹ khẳng định.

Hàng loạt cây phượng bên hồ An Biên, quận Ngô Quyền đã được gia cố, bảo vệ

Về vụ tai nạn làm nhiều học sinh bị thương vong vừa xảy ra tại TP Hồ Chí Minh do phượng bật gốc, đè vào, ông Sỹ cho rằng đây là sự cố hy hữu.

Ngay tại Hải Phòng, thành phố của phượng, cũng đã có hiện tượng đổ cây, gãy cành nói chung trong mùa mưa bão. Trong điều kiện thời tiết mưa bão, nhất là bão lớn, thì không riêng gì cây phượng, tất cả các cây xanh đều có nguy cơ bị bão quật.

Tại khuôn viên bãi đỗ xe công cộng trên đường Trần Phú, công ty công viên đã gia cố cây

Hoa phượng là loài hoa biểu trưng cho thành phố Cảng. Hơn trăm năm nay, người Pháp khi sang Việt Nam đã mang giống cây này trồng trên đất Hải Phòng do thổ nhưỡng, khí hậu miền biển thích hợp với nó.

Người Hải Phòng còn gọi cây Phượng vỹ theo tiếng pháp là cây ba-giăng

Cây phượng – tên tiếng Pháp là Flamboyant, người Hải Phòng gọi tắt là cây ba-giăng có màu đỏ rực rỡ, xòe 5 cánh giống như đuôi chim phượng nên người Hải Phòng đặt tên là Hoa Phượng vĩ. Sau cơn bão 1971 làm "bay" đi 70% cây phượng, Hải Phòng thay thế bằng gạo gai nhưng giống cây này thân giòn dễ gẫy nên từ 2012-2018, thành phố cho trồng thay thế bằng phượng vĩ.

Con đường trên phố Nguyễn Đức Cảnh rất nhiều phượng vĩ, tô đẹp thêm cảnh quan thành phố

Và cũng từ sau Lễ hội Hoa phượng đỏ đầu tiên 2012, trên các tuyến phố trung tâm, các cửa ô ra vào thành phố và khu vực ven đô, phượng được trồng đại trà.

Vào dịp hè về, khi phượng bung nở, con đường trồng nhiều phượng nhất Việt Nam - Phạm Văn Đồng dài 20km lại nhộn nhịp bước chân du khách đến check-in, chụp hình.

Minh Lý - Đinh Huyền

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/khong-co-chuyen-tan-sat-phuong-o-thanh-pho-hoa-phuong-do-hai-phong-sau-vu-cay-do-lam-chet-hoc-sinh-tai-tphcm-20200604163341649.htm