Không có khán giả làm sao có nghệ sĩ

Ở tuổi ngoài 70, ca sĩ Tuấn Ngọc vẫn miệt mài với niềm đam mê ca hát của mình. Trước khi tham gia chương trình Đêm Việt Nam 7 (diễn ra ngày 22/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội với chủ đề 'Chuyện của mùa đông') Tuấn Ngọc đã chia sẻ những tâm sự về nghề, về cuộc sống.

Ca sĩ Tuấn Ngọc về nước cùng một số nghệ sĩ sẽ tham gia tham gia chương trình Đêm Việt Nam 7.

PV: Hơn 70 tuổi, điều mà nhiều người đàn ông khác luôn chọn gia đình làm chốn bình yên để an phận tuổi già. Phải chăng ông vẫn chưa muốn nghỉ ngơi?

Ca sĩ Tuấn Ngọc: Tôi sẽ chỉ dừng hát khi nào có người nói “Tôi thích nghe anh hát, nhưng anh không hát nữa thì tôi thích hơn”. Bên Mỹ có người còn đi hát tới tận năm 91 tuổi. Nên là tôi nghĩ chắc tôi cũng phải hát được tới 20 năm nữa. Cái gì đã là của mình thì nó vẫn là của mình thôi. Nếu như mình biết giữ nó. Điều gì quý thì phải biết giữ. Tất nhiên là càng lớn tuổi thì sẽ càng nhiều mối lo hơn, có khi đang làm chuyện này lại nhớ chuyện kia, không tự nhiên và hồn nhiên được như lúc trước.

Dường như showbiz đồng nghĩa với việc không tránh khỏi thị phi. Là một nghệ sĩ gạo cội, ông nói gì về những sảy miệng của đồng nghiệp dẫn đến việc bị “ném đá” ở trên mạng xã hội hiện nay?

- Điều sợ nhất ở tuổi này với tôi là... nói hớ. Giờ tôi còn chịu nói, chứ hồi trước lên sân khấu tôi toàn đứng hát không à, tôi nghĩ bổn phận của ca sĩ là hát, tôi và anh không liên quan. Cái đó rất là sai, sai ghê, không có khán giả làm sao có nghệ sĩ. Sống, là phải biết ơn cuộc đời. Nghệ sĩ, là phải biết ơn khán giả, phải đến thật gần với họ. Nhưng mà nói thì cũng chỉ nên nói ít. Thà bảo không biết, còn hơn vỗ ngực bảo mình biết tuốt. Có ca sĩ vào sau cánh gà than là khán giả không vỗ tay, khán giả “lỗ tai trâu”. Tôi không thích ca sĩ cư xử như vậy. Nếu điều đó có là thật đi chăng nữa cũng phải hiểu là mình đã mang đến âm nhạc ra sao thì khán giả mới phản hồi như vậy.

Phải chăng đó là một sự chiêm nghiệm, cẩn trọng của một người đàn ông ở tuổi ngoài thất thập?

- Giọng hát hay sức khỏe cũng như đồ vật vậy, cần phải bảo quản. Nếu cứ uống rượu, cờ bạc, hút xách mà bỏ qua sức khỏe thì rất không ổn. Tôi nhớ có một họa sĩ nổi tiếng, khi còn sống, tranh không có ai mua vì họ cho là không đẹp, nhưng khi ông ấy qua đời, tranh lại rất đắt giá, rất được yêu thương. Tôi may mắn vì đã không rơi vào tình cảnh như thế, giọng hát của tôi được mến mộ ngay ở hiện tại. Dù có thể tương lai, chẳng ai coi tôi là người hát tốt, nhưng hiện tại, tôi may mắn vì đã phần nào được công nhận. Tuy nhiên, không phải là nhịn, mà là mình thấy đủ. Nếu nghĩ thiếu thì cứ thiếu hoài. Tôi quen nhiều người ăn chơi lắm, chỉ vì họ không biết đủ. Đàn ông còn bao thứ khác quan trọng trên đời. Được làm cái nghề mình yêu thích, tận tới giờ vẫn còn được khán giả thương, được nhiều người thích hát cùng và giữ được gia đình yên ấm.

Thời gian gần đây, cái tên Tuấn Ngọc thường xuất hiện trên sân khấu với nhiều ca sĩ trẻ. Phải chăng ông muốn “trẻ hóa” chính mình?

- Nếu nói về gu âm nhạc tôi là người khá khó tính. Khán giả ít khi để ý, thấy hai nghệ sĩ song ca cứ nghĩ là chuyện đơn giản. Đối với tôi, song ca khó hơn là đơn ca, là mình phải làm việc, tập luyện cho hòa quyện. Khi song ca cần tập luyện cẩn thận, đừng nghĩ song ca chỉ đến hát với nhau một bài cho vui. Nhưng tôi nghĩ có người mời hát chung tại sao mình lại từ chối? Tôi luôn đặt câu hỏi như vậy. Thế nên, chỉ trừ những trường hợp kỳ quá, tôi mới khước từ. Vừa qua, khi hát với Sơn Tùng, tôi đồng ý ngay vì tôi có nói chuyện với Tùng, tôi thấy cậu ấy là người thông minh. Tôi thấy xã hội giờ nhiều người không còn coi trọng luân thường đạo lý. Buồn là buồn cái đó. Nên là mình hát để cho cuộc đời nó bớt buồn đi thôi. Mình cũng nên sống sao cho cuộc đời bớt buồn. Dòng nhạc tôi hát là dòng nhạc xưa, là thứ nhạc mà người ta hay viết bằng cả trái tim mình. Nên khi hát, điều tôi quan trọng nhất là làm sao diễn tả được cảm xúc. Còn đôi ba cái trò biểu diễn hoa hòe hoa sói, tôi không để ý. Nghề này, có người hát bằng giọng mũi, giọng cổ nhưng tôi chỉ chuyên hát bằng giọng ngực, cũng chính là để hát sao cho thật nhất, gần với xúc cảm nhất. Nhưng không có nghĩa, mải đuổi theo cảm xúc mà bỏ quên kỹ thuật.

Một trong những nguyên tắc “bền” làm nghề “ca sĩ” là phải có hậu phương vững chắc?

- Tôi nghĩ, nếu mình còn độc thân, mình muốn làm gì thì làm, nhưng khi có gia đình, có con thì đừng làm gì khiến con mình xấu hổ. Cuộc đời đâu chỉ có đi ăn, đi chơi hay tình ái. Đối với tôi, người đàn ông còn nhiều việc khác, điều quan trọng là mình xác định được cái gì quan trọng trong cuộc đời mình. Tôi thấy đủ rồi, không cần tình ái bên ngoài. Chẳng lẽ lại yêu... vợ người ta? Với vợ con, nếu tôi làm được gì cho họ vui thì tôi sẽ làm. Tôi sẽ làm điều họ thích, chứ không phải tôi thích; họ cần, chứ không phải tôi cần. Nhưng không phải cái gì cũng làm được. Phía tôi thấy đủ, thì chắc vợ tôi cũng sẽ thấy đủ. Cuộc đời không nên ép. Tôi thấy mình quả là một người đàn ông may mắn, bởi vì khi tôi sống, mọi người thường khen tôi hát hay.

Xin cảm ơn ông!

Minh Sơn (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/am-nhac/khong-co-khan-gia-lam-sao-co-nghe-si-tintuc420781