Không có người lao động nào muốn làm thêm giờ nếu lương đủ sống

Theo đại biểu, không có người lao động nào muốn làm thêm giờ nếu tiền lương từ giờ lao động bình thường đảm bảo được nhu cầu cơ bản của cuộc sống.

Sáng 23/10, thảo luận về nội dung mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) cho biết, ông cảm thấy khó lý giải khi Quốc hội dự kiến thông qua dự luật này trên tinh thần đưa xã hội đến sự tiến bộ trong khi năm nay lại đẩy giờ làm thêm cao hơn Luật năm 2012.

Vì sao người lao động muốn làm thêm?

Không đồng tình với ý kiến cho rằng, nếu không cho tăng giờ làm thêm thì sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh, đại biểu đoàn Ninh Bình cho rằng, cơ chế thị trường đào thải những yếu tố kém hiệu quả. Doanh nghiệp đầu tư mà chỉ tranh thủ công nhân giá rẻ, không đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, chủ doanh nghiệp và người lao động thì cơ chế thị trường sẽ đào thải mà chọn doanh nghiệp khác làm hiệu quả hơn, sử dụng khoa học công nghệ, không tăng trưởng bằng việc sử dụng kiệt sức người lao động.

“Lao động cơ bản đang giữ nguyên 48 giờ, nhưng giờ đẩy thêm 100 giờ làm thêm tối đa thì không phù hợp với tinh thần. Đừng tiếp cận theo cách người lao động muốn làm thêm, chủ cũng muốn thế, họ tự nguyện và nói đó là nhân văn thì không phải” – đại biểu Phương nói.

Đại biểu Bùi Văn Phương.

Đại biểu Bùi Văn Phương.

Theo vị đại biểu, cần phải tiếp cận theo cách vì sao người lao động muốn làm thêm. Vì họ quá khổ, điều kiện thiết yếu nhất của cuộc sống không đảm bảo được mà phải bán kiệt sức lao động của mình để lo cho con cái học hành. Nhiều vợ chồng đi làm, sinh con rồi gửi về quê và nhiều năm không về thăm con được.

“Chúng ta phải tiếp cận hướng đến sự tiến bộ của xã hội. Tăng trưởng kinh tế đi cùng tiến bộ xã hội, phải thay đổi khoa học công nghệ, quản trị. Không thể chiều theo doanh nghiệp. Đất nước phát triển bền vững thì không thể duy trì mãi việc thu hút doanh nghiệp chỉ tận dụng nhân công giá rẻ” – đại biểu đoàn Ninh Bình nhấn mạnh.

Bàn về nội dung này, đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) đề nghị giữ khung giờ làm thêm tối đa như Bộ luật hiện hành và có bổ sung cụ thể các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm.

Theo bà, không có người lao động nào muốn làm thêm giờ nếu tiền lương từ giờ lao động bình thường đảm bảo được nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Người nào tự nguyện làm thêm là do thu nhập thực tế của họ quá thấp, không đảm bảo được nhu cầu cơ bản của cuộc sống, thậm chí có nhiều trường trường hợp không đảm bảo mức sống tối thiểu của bản thân và gia đình.

Việc quy định nâng khung giờ làm thêm để bù đắp sự thiếu hụt lao động đột xuất cho người sử dụng lao động, nhằm tạo sự linh hoạt tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam so với các nước trong khu vực, tăng thêm thu nhập cho người lao động là cần thiết. Tuy nhiên, theo nữ đại biểu, việc xem xét tăng giờ làm thêm phải đặt trong mối quan hệ với các yếu tố khác, như thất nghiệp, sức khỏe của người lao động, an toàn lao động, các vấn đề xã hội và xu hướng của thế giới là giảm giờ làm, tăng thời gian nghỉ ngơi.

Việc tăng giờ làm thêm phải tính toán trong mối tương quan với thời giờ làm việc chính thức, nhằm đảm bảo tái tạo kịp thời sức lao động cho người lao động. Mặt khác, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, tránh việc doanh nghiệp lợi dụng tăng giờ làm thêm mà trả lương thấp, buộc người lao động không có sự lựa chọn nào ngoài việc phải tự nguyện làm thêm giờ mới có thu nhập.

“Đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung quy định cụ thể về việc người sử dụng lao động không được cắt giảm các khoản hỗ trợ khác đối với người lao động, khi người lao động không nhất trí làm thêm giờ” – đại biểu Ma Thị Thúy nói.

Đại biểu Ma Thị Thúy.

Đại biểu lý giải, mặc dù pháp luật quy định là tự nguyện thỏa thuận, nhưng nếu không chấp hành làm thêm giờ theo yêu cầu của doanh nghiệp, người lao động sẽ đối diện với nguy cơ bị giới chủ khấu trừ một phần hoặc cắt bỏ các khoản phụ cấp hỗ trợ khác, thậm chí còn bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Không đặt gánh nặng tăng trưởng lên vai người lao động

Từng có 10 năm làm việc ở doanh nghiệp có gần 5.000 lao động nên đại biểu Phùng Thị Thường (đoàn Vĩnh Phúc) rất hiểu người lao động. Về tăng giờ làm thêm tối đa, đại biểu cho biết, dù nhu cầu hai phía là có thật và quy định pháp luật là "tự nguyện, tự thỏa thuận", nhưng nếu người lao động không chấp hành yêu cầu của doanh nghiệp làm thêm sẽ bị gây khó dễ, cắt thi đua, phụ cấp, thậm chí bị sa thải.

"Xu hướng giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ của xã hội. Do đó đề nghị giảm giờ làm việc bình thường từ 48 giờ/tuần hiện nay xuống 44 giờ/tuần; không tăng giờ làm thêm tối đa” – đại biểu kiến nghị.

Nữ đại biểu kể, bà đã chứng kiến đời sống của công nhân lao động vất vả, khó nhọc với những bữa ăn sáng tồi tàn, phải làm việc mỗi ngày từ 10 - 12 giờ trong nhà máy, không biết gì đến đời sống bên ngoài. Khi họ trở về nhà cũng là lúc con cái đã ngủ.

“Cho nên chúng ta không nên đặt gánh nặng tăng trưởng lên đôi vai người lao động. Họ đã là những người yếu thế trong xã hội, do đó tôi khao khát Quốc hội lưu tâm" – đại biểu Phùng Thị Thường bày tỏ./.

Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành việc đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa dù thực tế người sử dụng lao động và người lao động có nhu cầu. Dù vậy, Chính phủ vẫn mong muốn tiếp tục trình Quốc hội phương án tăng thời giờ làm thêm để Quốc hội tiếp tục thảo luận.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo đề xuất 2 phương án kính trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến:

- Phương án 1: quy định theo hướng giữ khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như Bộ luật hiện hành, nhưng cần ghi rõ nâng thời giờ làm thêm theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm để người lao động biết, làm cơ sở cho việc giám sát tuân thủ, bảo vệ được quyền lợi, sức khỏe của người lao động.

- Phương án 2:nâng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ/năm theo đề xuất của Chính phủ. Quy định theo phương án này không khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng, nhưng Chính phủ phải tiếp tục nghiên cứu các kiến nghị của đại biểu Quốc hội, chuẩn bị danh mục cụ thể các ngành, nghề được mở rộng khung làm thêm từ trên 300 giờ đến 400 giờ, đánh giá tác động và bổ sung quy định trả lương lũy tiến làm thêm giờ kể từ giờ thứ 201 hoặc từ giờ thứ 301 trở đi và trình Quốc hội dự thảo Nghị định chi tiết./.

Kim Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/khong-co-nguoi-lao-dong-nao-muon-lam-them-gio-neu-luong-du-song-970200.vov