Không có người sống sót được tìm thấy trong vụ chìm tàu ngầm Indonesia

Chiều 25-4, Tư lệnh quân đội Indonesia, Đại tướng Hadi Tjahjanto và Tư lệnh hải quân Indonesia, Đô đốc Yudo Margono thông báo đã xác định được vị trí các mảnh vỡ của tàu ngầm KRI Nanggala-402 ở đáy biển ngoài khơi đảo Bali. Toàn bộ 53 thành viên thủy thủ đoàn đã thiệt mạng. Theo ông Yudo, con tàu này đã vỡ thành 3 phần.

Cùng ngày, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các thủy thủ sau khi nhận được thông báo của hải quân rằng đã xác nhận tàu ngầm KRI Nanggala 402 bị chìm ở biển Bali làm toàn bộ 53 thủy thủ thiệt mạng.

Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Widodo cho biết: “Lục quân và hải quân đã thay đổi tình trạng của tàu ngầm Nanggala 402 từ mất liên lạc sang bị chìm. Tất cả người dân Indonesia bày tỏ chia buồn sâu sắc về thảm kịch này, đặc biệt là đối với các gia đình của thủy thủ đoàn”.

 Tàu hải quân Indonesia tham gia tìm kiếm tàu ngầm Nanggala. Ảnh: Channel News Asia

Tàu hải quân Indonesia tham gia tìm kiếm tàu ngầm Nanggala. Ảnh: Channel News Asia

Tàu KRI Nanggala 402 cùng 53 thủy thủ mất liên lạc từ ngày 21-4 khi đang diễn tập phóng ngư lôi ở ngoài khơi bờ biển Bali. Tàu ngầm này được đóng tại Đức năm 1978 và năm 2012 hoàn thành việc duy tu, bảo dưỡng trong hai năm tại Hàn Quốc. Đại tướng Hadi Tjahjanto ngày 24-4 tuyên bố rằng tàu ngầm KRI Nanggala-402 đã bị chìm và không có người sống sót nào được tìm thấy. Chiến dịch cứu hộ đã chuyển sang hoạt động trục vớt.

Trước đó, hải quân Indonesia cho biết đã tìm thấy các mảnh vỡ của tàu ngầm KRI Nanggala 402 và con tàu gặp nạn có thể đã bị vỡ nát sau khi chìm xuống độ sâu 800m dưới mực nước biển. Diễn biến này đã làm tiêu tan hy vọng cứu sống các thủy thủ sau khi lượng oxy dự trữ của họ đã cạn kiệt.

Theo Tư lệnh hải quân Indonesia, Đô đốc Yudo Margono, máy quét đã phát hiện tàu ngầm mất tích ở độ sâu 850m, trong khi con tàu chỉ có thể hoạt động tối đa ở độ sâu 500m. Lực lượng cứu hộ cũng tìm thấy các mảnh vỡ từ tàu ngầm và các vật dụng bên trong con tàu gồm các mảnh của thảm cầu nguyện và một lọ dầu dùng để bôi trơn kính tiềm vọng của tàu ngầm. Đô đốc Yudo khẳng định rằng, các vật phẩm này sẽ không thể ra ngoài tàu ngầm nếu không có áp lực từ bên ngoài hoặc không xảy ra hư hỏng đối với bệ phóng ngư lôi. Tuy nhiên, ông Yudo loại trừ khả năng xảy ra một vụ nổ bởi nếu điều này xảy ra sẽ khiến con tàu bị phá thành nhiều mảnh và có thể nghe thấy sóng siêu âm. Theo ông, nhiều khả năng chiếc tàu ngầm đã bị bung ra dưới áp lực nước ở độ sâu lên tới 850m.

Đến nay, nguyên nhân của vụ việc đang được nhanh chóng làm rõ. Tuy nhiên, giới chức hải quân Indonesia cho rằng sự cố về điện đã khiến tàu ngầm này không thể thực hiện các thao tác khẩn cấp để nổi lên mặt nước.

Hiện các đội tìm kiếm của Indonesia và một số nước gồm Mỹ, Australia, Singapore, Malaysia, Ấn Độ vẫn chưa tìm thấy thi thể thủy thủ của tàu Nanggala. Theo Đô đốc Yudo, độ sâu hơn 800m khiến công tác cứu hộ và trục vớt rất khó thực hiện, cũng như tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của Cảnh sát quốc gia, Cơ quan tìm kiếm cứu nạn Indonesia (Basarnas) và các nước khác, quân đội Indonesia sẽ tiếp tục tìm cách trục vớt con tàu.

NGỌC HÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/khong-co-nguoi-song-sot-duoc-tim-thay-trong-vu-chim-tau-ngam-indonesia-657824