Không có sự chồng chéo về quyền hạn của lực lượng BĐBP với lực lượng Hải quan

Tại phiên thảo luận trực tuyến về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN), ngày 21-10, nhiều đại biểu Quốc hội đã tập trung cho ý kiến, phân tích làm rõ quy định về quyền hạn của BĐBP tại khoản 3, Điều 14 'kiểm tra, kiểm soát, xử lý các phương tiện có dấu hiệu vi phạm ở khu vực biên giới (KVBG), cửa khẩu theo quy định của pháp luật'.

Cán bộ BĐBP phối hợp với lực lượng Hải quan kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế Tà Lùng (Cao Bằng). Ảnh: Viết Hà

Cán bộ BĐBP phối hợp với lực lượng Hải quan kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế Tà Lùng (Cao Bằng). Ảnh: Viết Hà

Hiện nay, lực lượng BĐBP đang trực tiếp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh đối với người, phương tiện tại các cửa khẩu, cảng biển do Bộ Quốc phòng quản lý (117 cửa khẩu biên giới đất liền, 37 cửa khẩu cảng biển). Vì vậy, nhiều đại biểu khẳng định, quy định tại khoản 3, Điều 14 trong dự thảo Luật BPVN là không mới, mà đã được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật hiện hành như: Luật Công an nhân dân; Luật Quốc phòng; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam... Việc luật hóa thẩm quyền kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở KVBG, cửa khẩu của lực lượng BĐBP hoàn toàn có căn cứ, dựa trên quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước và vì lợi ích quốc gia, dân tộc, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với lực lượng khác.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Khoa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, trong thời gian gần đây, xuất hiện nhiều đường dây, đối tượng lợi dụng cơ chế kiểm soát hàng hóa thông thoáng ở cửa khẩu để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép chất ma túy, lâm, thổ sản, đặc biệt là vận chuyển vũ khí, chất nổ, pháo nổ trái phép... Trước tình hình đó, lực lượng BĐBP đã thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý nhiều vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu. Việc quy định quyền hạn của BĐBP như dự thảo Luật BPVN là phù hợp với thực tiễn và các quy định của pháp luật hiện hành, không có sự chồng chéo, trùng dẫm về quyền hạn và địa bàn hoạt động của lực lượng khác, nhất là lực lượng Hải quan.

Để làm rõ thêm, đại biểu Nguyễn Ngọc Hải, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang phân tích, quyền hạn của BĐBP quy định tại khoản 3, Điều 14 của dự thảo Luật BPVN đã đảm bảo tính thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan và không có sự trùng lặp với các văn bản pháp luật khác. Ví dụ, Luật Hải quan năm 2014 quy định, lực lượng Hải quan có quyền kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải; phòng, chống buôn lậu các loại hàng hóa qua biên giới; tổ chức thực hiện pháp luật về thuế trong xuất, nhập khẩu. Trong khi đó, dự thảo Luật BPVN quy định quyền hạn của BĐBP là kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở KVBG, cửa khẩu theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, các đại biểu nhấn mạnh, hoạt động kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, phương tiện ở KVBG, cửa khẩu đang được 2 lực lượng Hải quan và BĐBP phối hợp thực hiện chặt chẽ, hiệu quả. Thực hiện Quy chế phối hợp số 3929/QC-BĐBP-TCHQ ngày 4-9-2019 của Bộ Tư lệnh BĐBP và Tổng cục Hải quan, đến nay, 2 lực lượng đã kiểm tra, kiểm soát 264.089.321 tấn hàng hóa nhập khẩu và 527.948.033 tấn hàng hóa xuất khẩu tại cửa khẩu đường bộ. Cùng với đó, BĐBP phối hợp với lực lượng Hải quan, Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ đường thủy nội địa kiểm tra 1.811.459.169 tấn hàng hóa xuất khẩu và 908.876.300 tấn hàng hóa nhập khẩu; đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm vận chuyển ma túy, pháo nổ, vũ khí quân dụng, động vật quý hiếm...

Theo đại biểu Nguyễn Văn Sơn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, thực tiễn ở biên giới tỉnh Hà Tĩnh, lực lượng BĐBP tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đã phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với lực lượng Hải quan phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng vi phạm pháp luật, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm ở KVBG, cửa khẩu, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Nhấn mạnh về kết quả của hoạt động này, nhiều đại biểu đã đưa ra các số liệu nhằm làm rõ vấn đề. Qua tổng kết Pháp lệnh BĐBP, trong giai đoạn từ năm 1997 đến tháng 12-2018, qua việc kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu, BĐBP đã phát hiện, xử lý 13.078 vụ/16.192 đối tượng người Việt Nam và 4.917 vụ/5.215 đối tượng người nước ngoài vi phạm pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, bên cạnh việc BĐBP hoàn thành nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp, đối tượng vi phạm pháp luật tại KVBG, cửa khẩu, trong thời gian qua, BĐBP duy trì 1.608 tổ, chốt với hơn 7.000 cán bộ, chiến sĩ ngày đêm bám trụ, vượt qua khó khăn, gian khổ bảo vệ vững chắc hơn 5.000km đường biên giới đất liền, hoàn thành tốt nhiệm vụ theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. BĐBP đã tổ chức đăng ký, xét duyệt, điều phối, phân luồng, tiếp nhận công dân Việt Nam xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 100.000 phương tiện với hàng trăm triệu tấn hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu; đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng đưa công dân nhập cảnh về nước đi cách ly an toàn, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu kép là đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội.

Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khong-co-su-chong-cheo-ve-quyen-han-cua-luc-luong-bdbp-voi-luc-luong-hai-quan-post434610.html