'Không có vùng cấm, không có ngoại lệ' và chuyện dám nghĩ, dám làm

Trong hai nhiệm kỳ vừa qua, với quan điểm 'không có vùng cấm, không có ngoại lệ', công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thoái hóa, biến chất đã được Đảng, Nhà nước ta tiến hành một cách công khai, minh bạch, quyết liệt từ Trung ương đến cơ sở.

Tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 10/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: "rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp".

Tổng Bí thư nói, đây chính là một biểu hiện của tiêu cực, gây nhiều hệ lụy xấu, làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vì vậy cần tập trung chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng này.

Kết quả của cuộc chống tham nhũng là hàng loạt cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý đã bị xử lý khi có sai phạm; rất nhiều lãnh đạo tỉnh khi đã nghỉ nhưng có sai phạm vẫn bị xử lý kỷ luật, có người xử lý hình sự.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã trở thành phong trào, xu thế” được Nhân dân đồng tình, đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận.

Trong 10 năm qua, riêng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở nhiều cấp độ.

Ví dụ về chức vụ trong Đảng, chính quyền có 6 Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng; 2 Bí thư tỉnh ủy, thành ủy; 8 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch tỉnh, thành phố; 11 Thứ trưởng, nguyên Thứ trưởng; 2 Phó Bí thư, nguyên Phó Bí thư tỉnh ủy; 13 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Đó là những thành quả rất to lớn, quan trọng, làm chuyển biến sâu rộng trong nhận thức nhằm cảnh tỉnh, răn đe, tạo nên cơ chế không thể, không dám vi phạm.

Thực tiễn cho thấy, những kết quả không thể phủ nhận trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam thời gian qua đã góp phần làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là những người có chức, có quyền “tự soi”, “tự sửa”, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện cả về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.

Đằng sau câu chuyện không dám nghĩ dám làm

Trong thời gian qua tình trạng không dám nghĩ, không dám làm là có thật. Vậy phải chăng vì chống tham nhũng tác động tới tâm lý của cán bộ?

Có thể khẳng định chống tham nhũng có ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ nhưng chỉ là những cán bộ không trong sạch, chỉ nghĩ đến lợi mình mới làm, không có lợi, không “chấm mút” thì “dại gì” làm rồi sai bị kỷ luật?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày 10/05. Ảnh: TTXVN

Một thực tế vừa qua, câu chuyện sợ sai, không dám nghĩ, dám làm đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển, đến đời sống xã hội. Trong ngành y, tình trạng vật tư, thiết bị y tế đắp chiếu trong kho; sinh phẩm y tế dồi dào trên thị trường trong và ngoài nước, nhưng hàng loạt bệnh viện lại thiếu các thiết bị, hóa chất, vật tư phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Trong lĩnh vực xây dựng, hàng loạt công trình, dự án ì ạch, chậm tiến độ tại các địa phương nhiều năm nay không xử lý được trong khi nguồn lực về vốn, tài nguyên không thiếu. Kiểm tra dự án sân bay Long Thành chậm tiến độ, Thủ tướng đã rất quyết liệt, chỉ ra cần thay thế những cá nhân, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ.

Sợ sai đang là một căn bệnh trầm kha, khó chữa của các cấp, các ngành và các địa phương, cơ quan, đơn vị. Căn bệnh phổ biến này đã trói buộc tư duy đột phá, sáng tạo, trở thành vật cản khiến nhiều cán bộ lãnh đạo không dám đương đầu với khó khăn. Tâm lý đó còn lấn át cả sự tự tin, quyết đoán vốn là những tố chất của người lãnh đạo.

Trước thực trạng đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành công điện số 280/CĐ-TTg về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng và các cấp tương đương “trực tiếp, chủ động, tích cực” giải quyết công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý của bộ, cơ quan, không trình Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng những công việc thuộc thẩm quyền của mình theo đúng quy định.

Không chuyển công việc thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan mình sang bộ, cơ quan khác; không giải quyết các công việc được xác định thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan khác; trả lại văn bản cho cơ quan, đơn vị, địa phương xin ý kiến nếu không đúng thẩm quyền hoặc thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị xin ý kiến.

Công điện đó cho thấy, tình trạng sợ đã trở nên phố biến như thế nào!

Tác động của phòng chống tham nhũng đối với cán bộ không dám nghĩ, không dám làm là những tác động có thật, qua đó giúp nhận diện những cán bộ nào thực tâm, trong sạch.

Nói về tác động tích cực của công cuộc phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đặc biệt là góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân”.

Nguyễn Đăng Tấn

Tấn Đăng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/khong-co-vung-cam-khong-co-ngoai-le-va-chuyen-dam-nghi-dam-lam-2141908.html