Không cổ xúy những sản phẩm âm nhạc tầm thường

Dù không chủ trương bài xích một sản phẩm âm nhạc nào đó thu hút hàng triêụview trong thời gian ngắn, nhưng chúng ta cũng không nên vội vàng cổ vũ, tung hônhững người làm sản phẩm dễ dãi, tầm thường về nội dung, ca từ và không có tácdụng giáo dục, bồi đắp thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc lành mạnh cho giới trẻ.

Ca khúc nhạc Hoa lời Việt “Độ ta không độ nàng” khá hot trên mạng xã hội thời gian qua

Từ câu chuyện về hai nhạc phẩm “đình đám” trên mạng

Một trong những nhạc phẩm “hot” trên Youtube thu hút sự quan tâm của giới trẻ những ngày qua là ca khúc nhạc Hoa lời Việt “Độ ta không độ nàng”. Chỉ trong thời gian ngắn tải lên Youtube, ca khúc này đã cán mốc hàng triệu view (lượt xem).

Điều gì đã khiến ca khúc “Độ ta không độ nàng” trở nên “sốt xình xịch” đối với nhiều người trẻ như vậy? Đơn giản vì lời ca lại đậm chất “ngôn tình” bi ai vốn rất dễ làm “xiêu lòng” đối với lứa tuổi đang yêu, lại được cất lên trên giai điệu khá “da diết” nên dễ “chạm” vào nỗi lòng người nghe.

Nhưng liệu “Độ ta không độ nàng” có thật sự là một ca khúc đáng để được nhiều người tung hô không? Nhìn từ góc độ học thuật, một hòa thượng cho rằng, người viết ca từ “Độ ta không độ nàng” thực ra không hiểu biết gì về văn hóa phật giáo, không biết gì về tâm trạng và tư tưởng của người xuất gia tu hành. Viết theo kiểu cảm tính, ca từ hát lên nghe có vẻ “lạ tai”, có vẻ bóng bẩy, mỹ miều nhưng nội dung rỗng tuếch, không có ý nghĩa giáo dục gì.

Một hòa thượng khác có tên tuổi cũng nhìn nhận, những ca từ trong bài hát đã tạo ra hình ảnh tiêu cực, bi quan và tuyệt vọng của người tu sĩ đã lỡ rơi vào cõi yêu đương không lối thoát, đến độ phải giết một người mà tu sĩ này thù hằn bằng một lưỡi kiếm. Dù chỉ là chuyện ngôn tình, mang nặng tính hư cấu, nhưng hành vi hận tình trả thù của người tu sĩ là vi phạm cả về pháp lý và đạo lý. Việc phổ biến ca khúc này vô hình trung cổ vũ cho một bộ phận giới trẻ sa vào lối sống ủy mị, sướt mướt, thiếu niềm tin vào cuộc sống, thậm chí bắt chước lối ứng xử mang tính bạo lực.

Không ngẫu nhiên mà những người trong cuộc am hiểu giáo lý, truyền thống, đạo đức, văn hóa phật giáo lại lên tiếng không đồng tình với nội dung ca từ “Độ ta không độ nàng” cũng như nội dung, thông điệp mà nó chuyển tải.

Mọt số tờ báo có vẻ đã vô tình cổ xúy cho "Độ ta không độ nàng"

Cũng nhìn từ hiện tượng “đình đám” của ca khúc “Độ ta không độ nàng” trên mạng xã hội mới thấy, một bộ phận không nhỏ người Việt hiện nay, nhất là giới trẻ không chỉ đơn giản, dễ dãi trong việc tiếp cận, thưởng thức sản phẩm âm nhạc trên mạng, mà còn phần nào thể hiện sự nông nổi, bồng bột khi a dua theo các trào lưu “âm nhạc ngôn tình” trên Youtube. Cách đây chưa lâu, hầu như đi đâu, ở chỗ nào cũng thấy rất nhiều người trẻ nghêu ngao hát, nào là hết “Con bướm xinh”, “Vợ người ta”, gần đây là “Anh đếch cần gì nhiều ngoài em”...

Trong đó, đáng nói nhất là MV “Anh đếch cần gì nhiều ngoài em” ngoài giành được một trong những hạng mục trong Giải thưởng “We Choice Awards 2018”, còn được đánh giá là sản phẩm underground “đáng nghe nhất trong năm 2018” trên Youtube.

Nhiều người cho rằng, MV này mới thoạt nghe thì “lạ tai” thật đấy, nhưng xuyên suốt bài hát đã nhắc lại điệp khúc “Anh đếch cần gì nhiều ngoài em” tới 12 lần. Chưa nói một số ca từ suồng sã, tầm thường khác trong tác phẩm này, ngay cái từ “đếch” được nhắc đi nhắc lại cả hơn chục lần như thế đã khiến những người tôn trọng phong cách văn hóa ứng xử tinh tế của người Việt cảm thấy vô cùng “nghịch nhĩ” rồi. Vì từ “đếch” vốn là một từ thông tục, biểu thị ý phủ định dứt khoát một cách nặng lời, thiếu nhã nhặn và nó thường được nói ở những nơi chợ búa.

Những sản phẩm âm nhạc tầm thường đang trở thành phong trào trong xã hội, ảnh hưởng đến suy nghĩ của giới trẻ. Ảnh minh họa

Nghĩ về trách nhiệm của người cầm bút

Kể ra, xét về khía cạnh giải trí thuần túy, thì MV “Anh đếch cần gì nhiều ngoài em” và nhạc phẩm “Độ ta không độ nàng” cũng ít nhiều mang lại niềm vui, “chia sẻ” nỗi niềm cho một bộ phận giới trẻ sính nhạc underground và hay nghe nhạc trên Youtube. Nhưng bảo nó là sản phẩm “có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng trẻ” như từng có tờ báo điện tử “ngợi ca” thì rất cần xem xét, nhìn nhận một cách nghiêm túc, đúng mực hơn.

Trong một lần trò chuyện với người viết bài này, một chuyên gia văn hóa nổi tiếng nói rằng, mạng xã hội thời nay có thể biến một người “vô danh tiểu tốt”, một tác phẩm văn học, nghệ thuật tầm thường, thậm chí một video clip có nội dung lệch lạc trở thành những “tác giả, tác phẩm... nổi tiếng” trong thời gian rất ngắn; nhưng chỉ ít thời gian sau nó lại có thể trở thành “trò lố” cho thiên hạ.

Thời gian gần đây xuất hiện câu “thành ngữ mới”: “Vui thôi, đừng vui quá!”. Hàm ý của câu này muốn nhắc nhở người ta là vui đến đâu, thích cái gì đến mấy, ca ngợi thành tích, tung hô chiến công nào đó cũng phải có “độ dừng” cần thiết, giới hạn cho phép, chứ không nên quá đà, quá đáng. Vì nếu không biết “vui thôi”, mà lại “vui quá” sẽ làm cho những người trong cuộc dễ ảo tưởng về mình, thậm chí “không biết mình là ai” để rồi nảy sinh những biểu hiện tự phụ, tự mãn!

Dù không chủ trương bài xích một sản phẩm âm nhạc nào đó thu hút hàng triệu view trong thời gian ngắn, nhưng chúng ta cũng không nên vội vàng cổ vũ, tung hô những người làm những sản phẩm dễ dãi, tầm thường về nội dung, ca từ và không có tác dụng giáo dục, bồi đắp thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc lành mạnh cho giới trẻ. Trách nhiệm này không riêng của những người làm văn hóa, giới nghệ sĩ, mà còn là trách nhiệm của những người cầm bút và các cơ quan báo chí.

Vì âm nhạc là loại hình nghệ thuật có tác động tức thì và dễ lan tỏa nhanh nhạy, sâu rộng trong công chúng, nhất là giới trẻ. Do đó, trước một sản phẩm âm nhạc mới, nhất là xuất hiện trên Youtube, những người làm báo phải rất thận trọng, khách quan trong việc nhìn nhận, thẩm định, đánh giá tác phẩm để định hướng cho công chúng biết tiếp thu, thưởng thức những sản phẩm âm nhạc bổ ích; đồng thời biết tránh xa những nhạc phẩm có nội dung nghèo nàn, kém giá trị, ca từ hời hợt, thiếu tính văn hóa, thẩm mỹ và không có lợi cho việc bồi đắp, làm giàu đời sống văn hóa tinh thần của con người và xã hội./.

Thiện Văn

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/khong-co-xuy-nhung-san-pham-am-nhac-tam-thuong-n15273.html