Không coi nhẹ lễ hội 'nhỏ'

Tính đến nay, tại Hà Nội, 1/3 trong tổng số khoảng 1.200 lễ hội hằng năm đã được tổ chức. Trong số này có những lễ hội quan trọng như Lễ hội kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Lễ hội chùa Hương, Lễ hội Cổ Loa, Lễ hội Mê Linh, Lễ hội đền Gióng (ở huyện Sóc Sơn)… Về cơ bản, thông tin về lễ hội trong dịp đầu Xuân Kỷ Hợi 2019 xoay quanh những lễ hội quan trọng này.

Cho mùa lễ hội văn minh, giàu ý nghĩa

Dù không dễ đưa ra cái nhìn toàn cảnh về lễ hội trong dịp đầu năm Kỷ Hợi 2019 theo đúng nghĩa của từ này, song vẫn cần có đánh giá chung dựa trên những gì đã diễn ra tại những lễ hội quan trọng và báo cáo của các địa phương về công tác tổ chức lễ hội quy mô nhỏ.

Những bài học trong dịp đầu năm mới, cả hay và dở, nếu được nhận diện kịp thời sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, tổ chức những lễ hội còn lại trong năm nay, trong đó có nhiều lễ hội được cộng đồng quan tâm như Lễ hội chùa Thầy, Lễ hội Gióng ở xã Phù Đổng, Lễ hội chùa Tây Phương, Lễ hội làng Đăm, Hội phủ Tây Hồ, Hội làng Lỗ Khê, Hội làng Thổ Khối, Hội Giá…, chưa kể những lễ hội du nhập từ nước ngoài, lễ hội được tổ chức nhân các ngày lễ lớn trong năm của đất nước và Thủ đô.

Nhìn chung, công tác quản lý, tổ chức lễ hội đầu Xuân Kỷ Hợi 2019 có nhiều điểm tích cực, chắc chắn tốt hơn những năm trước. Về điều này, điểm nhấn quan trọng nhất là chính quyền các cấp đã chủ động xây dựng kế hoạch quản lý, tổ chức lễ hội trong dịp đầu năm một cách bài bản, có tính đến bài học kinh nghiệm từ những năm trước. Mục tiêu không chung chung mà đi vào yêu cầu cụ thể, như loại bỏ yếu tố gây phản cảm hay mang tính bạo lực, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, bài trừ mê tín dị đoan… Những điều này có thể nhận ra rõ nhất trong công tác xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ hội chùa Hương, Lễ hội đền Gióng cũng như công tác triển khai kế hoạch, thanh - kiểm tra.

Một điểm quan trọng nữa là cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã dành sự quan tâm ngày càng lớn cho công tác tuyên truyền, vận động du khách thực hiện nếp sống văn minh ở nơi thờ tự, giữ gìn văn hóa lễ hội. Điều này không chỉ giúp khách hành hương tự điều chỉnh hành vi, hạn chế yếu tố gây phản cảm, mà còn giúp họ hiểu thêm về giá trị cốt lõi của lễ hội và nghi thức hành lễ.

Tuy thế, nhìn lại chặng đầu mùa lễ hội Xuân Kỷ Hợi 2019, cần phải nói rằng bên cạnh mặt tích cực vẫn còn những điểm hạn chế, rõ nhất là hành vi chen lấn, xô đẩy ở những nơi đông người và nạn xả rác bừa bãi. Tâm lý và hành vi gần với việc “hối lộ thần thánh” vẫn còn nặng nề, có khi tới mức gây bức xúc trong dư luận xã hội…

Từ nay đến cuối năm vẫn còn 2/3 các lễ hội trên địa bàn. Trong bối cảnh đa số có quy mô làng, xã, nên vấn đề đặt ra là cần tăng cường hiệu quả công tác lập kế hoạch tổ chức cũng như thanh tra, kiểm tra, tránh tình trạng chỉ quan tâm tới những lễ hội quan trọng; sau mùa lễ hội đầu xuân là buông lỏng công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát. Lễ hội “nhỏ” hay “to” đều có giá trị riêng, ở đâu cũng cần được quan tâm tổ chức chu đáo.

Bởi vậy, từ kinh nghiệm tổ chức lễ hội đầu Xuân Kỷ Hợi 2019, việc quan trọng nhất đối với các ban tổ chức lễ hội, chính quyền các địa phương và ngành Văn hóa trong thời gian tới là tiếp tục tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng - chủ thể của lễ hội. Chỉ khi người dân thấu hiểu văn hóa lễ hội; tín ngưỡng và thương mại không lẫn vào nhau thì mới có thể hạn chế hành vi phản cảm, xu hướng thương mại hóa lễ hội.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/928839/khong-coi-nhe-le-hoi-nho