Không còn là bộ phim về phân biệt chủng tộc, 'Us - Chúng ta' mang ý nghĩa nhân sinh lớn lao hơn

Đạo diễn Jordan Peele đã xây dựng phong cách làm phim riêng cho bản thân với những tác phẩm kinh dị xen lẫn hài hước, cách kể chuyện thông minh, 'hack não', sử dụng nhiều hình ảnh mang tính biểu tượng và luôn nỗ lực mang đến tính thời sự, chính trị, xã hội vào tác phẩm của mình.

Trở lại với màn ảnh rộng sau thành công của bộ phim Get Out, đạo diễn – biên kịch Jordan Peele tiếp tục cho ra rạp một tác phẩm kinh dị “hack não” khác mang tên Us. Xoay quanh một gia đình bốn thành viên da màu, song câu chuyện không còn mang nặng yếu tố bình đẳng màu da, sắc tộc nữa. Trái lại, dự án phim được cầm trịch bởi Jordan Peele nỗ lực truyền tải thông điệp nhân sinh sâu sắc hơn nhiều.

Bi kịch của nhân bản vô tính và những đặc ân mà loài người không coi trọng

Chuyện phim Us theo chân gia đình bốn người Adelaide Wilson (Lupita Nyong’o), Gabe Wilson (Winston Duke), con trai Jason Wilson (Evan Alex) và con gái Zora Wilson (Shahadi Wright Joseph). Trong chuyến đi chơi biển vào dịp nghỉ hè, cả gia đình chạm mặt nhóm người đáng sợ được gọi là ”The Tethered” – phiên bản kinh dị của chính bản thân mình. Những “Người bị xích” – bản sao của con người trên mặt đất luôn tìm cách đuổi theo và giết chết bản gốc để tự giải thoát.

Tồn tại song song với những con người phiên bản đời thật, có một thế giới khác được tạo nên bằng hình thức nhân bản vô tính. Tạo ra các phiên bản vô tính “chia đôi 1 linh hồn cho 2 cơ thể”, thế giới thứ hai được mô phỏng không khác gì thế giới thật phía trên đến từng hành động, với mục đích sử dụng những người này để thao túng “người phía trên”. Song, kế hoạch thất bại, các phiên bản nhân bản vô tính bị lãng quên, nhốt lại mãi mãi phía dưới tầng hầm rộng lớn. Những “tầng hầm bỏ trống, không được sử dụng với mục đích cụ thể” tại Mỹ cũng được nhắc đến ngay từ đầu phim.

Những phiên bản nhân bản vô tính lặp lại mọi hành động của người thật trong một thế giới thiếu thốn, sơ sài hơn: ăn sống những con thỏ thay đồ ăn, tự chạy toán loạn thay cho việc chơi trò chơi mạo hiểm, tự sinh con một mình (theo lời Adelaide Wilson/Red)… Họ phải kết hôn ngay cả khi không có tình yêu, sinh ra những đứa trẻ dị tật khi bản gốc cho ra đời những hoàng tử, công chúa; những bản sao không khác gì cái bóng của người khác dưới một tầng hầm bị lãng quên, dù cũng có mắt, mũi, cơ thể và máu như bất cứ con người nào.

Cùng chia sẻ 1 linh hồn cho 2 cơ thể, các con người thật được hưởng ưu đãi của cuộc đời, được sống cuộc đời tự do tự tại với không khí trong lành, bầu trời và ánh nắng rực rỡ với những phát triển tân tiến của xã hội, song chính họ lại không biết trân trọng tất cả điều ấy. Trái lại, hạnh phúc của bản gốc cũng chính là bi kịch của bản sao. Những thái cực đối lập liên tục được đưa ra trong lời kể khổ của Red như đồ ăn ngọt – thỏ và thịt sống, đồ chơi đẹp – những món đồ sắc nhọn,… càng làm sâu sắc thêm sự trái ngược ấy, qua đó bóc trần bộ mặt tàn nhẫn của những thí nghiệm nhân bản vô tính lên chính con người, sự vô trách nhiệm, thờ ơ của loài người.

Giống như sự đối xứng của chiếc kéo, bản gốc và bản sao – mặt sáng và mặt tối của xã hội vẫn luôn tồn tại song hành, tuy trái ngược nhưng vẫn có sợi dây kết nối. Đặc biệt, cùng với chiếc kéo, dòng chữ “Jeremiah 11:11” cũng xuất hiện trở đi trở lại trong phim, chỉ đoạn 11, câu 11 ở cuốn Jeremiah trong Kinh Thánh viết về Jeremiah: “Vậy nên, Ðức Giê-hô-va phán như vầy: Nầy, ta sẽ khiến tai nạn đổ trên chúng nó, không thể tránh được; chúng nó sẽ kêu đến ta, những ta chẳng thèm nghe”, như một lời tiên đoán về thảm họa do chính con người gây ra trong phim.

“Us”: Chúng ta hay nước Mỹ?

Bị bắt xuống tầng hầm từ khi còn bé, nhận thức của Adelaide chỉ còn sót lại khả năng nói và kí ức về đoạn video ngắn từng xem trên TV nói về chiến dịch hàng triệu người nắm tay nhau nối liền biên giới nước Mỹ. Hồi ức đó tạo thành ý tưởng khiến cô lãnh đạo “Người bị xích” ra khỏi tầng hầm, giết chết bản thể của mình và nắm tay tạo thành vòng tròn bao quanh nước Mỹ. Khi được hỏi: “Cô là ai?”, “Adelaide thật” cũng trả lời: “Tôi là người Mỹ”.

Đó không phải là chi tiết duy nhất biểu trưng cho nước Mỹ trong bộ phim Us. Bên cạnh đó, loài thỏ xuất hiện từ đầu đến cuối tác phẩm không chỉ tượng trưng cho những thí nghiệm nhân bản vô tính, mà còn đại diện cho nước Mỹ đa chủng tộc, đa màu da với thỏ trắng, thỏ nâu, thỏ đen… Trong khi đó, tựa đề Us được đánh giá là chi tiết nhiều tầng nghĩa bậc nhất trong phim khi vừa có nghĩa là “chúng ta”, vừa có nghĩa là “nước Mỹ”. Lời thoại “They are Us” nghĩa là “Họ là chúng ta” hay “Họ là nước Mỹ”? Một nước Mỹ đang bị xiềng xích, không còn tự do đang nỗ lực giải thoát, và hình ảnh hàng triệu người nắm tay nhau nối liền biên giới nước Mỹ là một minh chứng rõ nét.

Đạo diễn Jordan Peele đã xây dựng phong cách làm phim riêng cho bản thân với những tác phẩm kinh dị xen lẫn hài hước, cách kể chuyện thông minh, “hack não”, sử dụng nhiều hình ảnh mang tính biểu tượng và luôn nỗ lực mang đến tính thời sự, chính trị, xã hội vào tác phẩm của mình.

Grassie

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/khong-con-la-bo-phim-ve-phan-biet-chung-toc-us-chung-ta-mang-y-nghia-nhan-sinh-lon-lao-hon-4813523.html