Không còn là việc riêng của ngành Đường sắt

Tai nạn giao thông đường sắt bớt “nóng” và kéo giảm được cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và người bị thương trong 6 tháng đầu năm 2017 là thông tin rất đáng mừng.

Rào thu hẹp lối đi dân sinh tuyến đường sắt Bắc - Nam (khu vực Văn Điển, Hà Nội)

Điều đó cho thấy, việc triển khai các giải pháp cấp bách đảm bảo ATGT đường sắt sau công điện của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đầu năm 2017 đã đem lại hiệu quả bước đầu. Nhưng điều đáng mừng hơn chính là sự vào cuộc của các bên liên quan, nhất là chính quyền các địa phương đã thực sự quyết liệt và thực chất hơn.

Còn nhớ, chỉ cách đây vài tháng, trong khi TNGT đường bộ và các lĩnh vực khác tiếp tục có chiều hướng giảm nhiệt, TNGT đường sắt lại tăng chóng mặt. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, xảy ra nhiều vụ TNGT đường sắt đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người. Nguyên nhân trực tiếp là do hành vi vi phạm quy định pháp luật của những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ qua đường ngang, lối đi dân sinh. Nhưng nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ chính sự thờ ơ, đứng ngoài cuộc của không ít các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua.

Nhiều năm qua, việc đảm bảo ATGT, xử lý các vụ việc liên quan đến TNGT đường sắt vẫn luôn được coi là việc riêng của ngành Đường sắt. Nhiều cán bộ đường sắt than thở, mỗi lần cần phối hợp với các địa phương để xử lý vi phạm đường ngang hay hành lang an toàn đường sắt là phải khổ sở đi vận động như kiểu “xin xỏ” từng cán bộ thôn, cán bộ xã, huyện... để họ tích cực tham gia cùng. Không ít lần vừa dỡ bỏ xong công trình vi phạm, khi lực lượng đường sắt rút đi, ngay hôm sau công trình này lại mọc lại nguyên như cũ. “Nếu không có cán bộ địa phương giám sát, nhắc nhở, dù cố mấy ngành Đường sắt cũng không làm nổi”, cán bộ này than.

Trước thực tế đó, Luật Đường sắt (sửa đổi) vừa được thông qua đã quy định khá cụ thể về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc đảm bảo ATGT đường sắt. Trong đó, luật mới quy định rõ trách nhiệm quản lý lối đi dân sinh là của chính quyền địa phương. Việc để phát sinh lối đi dân sinh trên địa bàn cũng thuộc trách nhiệm địa phương. Cùng đó, địa phương phải có trách nhiệm xây dựng lộ trình để triệt tiêu các lối đi dân sinh, có thể bằng cách làm đường gom, cầu vượt qua đường sắt… để giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt.

Chắc chắn, sau khi Luật Đường sắt (sửa đổi) có hiệu lực, trách nhiệm của các địa phương sẽ mạnh mẽ và thực chất hơn. Khi đó, công tác đảm bảo ATGT và xử lý các sự cố, TNGT đường sắt chắc chắn sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn vì các địa phương không còn lý do để đùn đẩy cho ngành Đường sắt.

Hà Thanh Oai

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/khong-con-la-viec-rieng-cua-nganh-duong-sat-d214288.html