Không còn lo văn hóa xứ Đoài bị 'bức tử'!

Văn hóa xứ Đoài từng bị lo lắng sẽ biến mất và là nguyên nhân của nhiều cuộc tranh cãi khi Hà Tây sát nhập về Hà Nội năm 2008. Tuy nhiên, thực tế, sau 20 năm sát nhập, những hồ nghi, lo lắng này đã phần nào được giải tỏa, dù rằng, để bảo tồn và phát huy giá trị của chúng thì còn nhiều vấn đề phải bàn.

Đó là khẳng định chung của hầu hết các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa trong hội thảo “Văn hóa Thăng Long – Hà Nội sau 10 năm hợp nhất” do Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức ngày 25-9.

Văn hóa đặc biệt của xứ Đoài từng bị lo lắng sẽ bị lụi tàn khi Hà Tây sát nhập vào Hà Nội

Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ: Với văn hóa, một ngàn năm còn là ngắn, không nói gì đến 10 năm. Khi Hà Tây sát nhập vào Thủ đô, không ít người nghĩ rằng đây là cuộc “hôn nhân” cưỡng bức, sau này sẽ lại tách ra vì văn hóa Thăng Long khác, văn hóa xứ Đoài khác. Nếu cứ cố hòa nhập thì văn hóa Thăng Long sẽ nhạt còn văn hóa xứ Đoài sẽ lụi tàn. Trên mạng xã hội đã từng lan truyền bài văn tế Hà Tây khá lâm ly, da diết. Nhưng thực tế, Hà Tây đã không chết mà còn sống rất mãnh liệt với một diện mạo khác, của Thủ đô, của văn hóa Thăng Long có văn hóa xứ Đoài.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng không nên lo lắng văn hóa xứ Đoài bị "bức tử"

Nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội khẳng định: Khi các nền văn hóa lớn, do các điều kiện lịch sử khác nhau, dù do cưỡng bức hay tự nguyện mà xảy ra quá trình giao lưu – tương tác – hấp thụ - thẩm thấu vào nhau thì cuối cùng đều dẫn tới hai hệ quả đó là tiếp cận văn hóa và tiếp biến văn hóa. Tuy nhiên, đó là các nền văn hóa của các dân tộc khác nhau và có mức độ giao lưu, tương tác rồi hấp thụ, thẩm thấu văn hóa khác nhau và có mức độ giao lưu, tương tác hàng trăm năm.

Nhà thơ Bằng Việt bày tở thái độ khá lạc quan về văn hóa xứ Đoài sau sự kiện Hà Tây sát nhập vào Hà Nội

Trường hợp Hà Tây sát nhập về Hà Nội thì khác vì trước đó đều có chung một nền văn minh Đại Việt, cùng một gốc gác vua Hùng và đều là các nhánh văn hóa lớn, không gây nên bất cứ một “cú sốc văn hóa” nào. Trái lại, nó vẫn là một dòng chảy hiền hòa, thanh bình, lặng lẽ, từng bước có sự hòa nhập vào nhau, tạo nên văn hóa Thăng Long – Hà Nội mở rộng ở tầm vị thế một Thủ đô của toàn dân tộc. Đấy là điều mà ta có thể khẳng định sau 10 năm văn hóa xứ Đoài sát cánh cùng văn hóa Thăng Long. Nhưng, nhà thơ Bằng Việt cũng lưu ý, khi tổ chức sát nhập, đặc biệt là các đơn vị văn hóa nghệ thuật, cơ quan quản lý cần chú ý để không bị mất đi những phong cách đặc sắc riêng…

GS.TS Lê Hồng Lý trao đổi tại hội thảo

GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng cho rằng, về địa lý, trong suốt quá trình lịch sử của Thăng Long – Hà Nội thì xứ Đoài là phần quan trọng, gần với Thủ đô nhất trong tứ trấn của Hà Nội. Đây cũng là vùng di sản văn hóa vô cùng phong phú, kể cả về di sản phi vật thể cho đến di sản vật thể mang tính tâm linh đặc sắc của văn hóa Việt.

Khi nhập vào Hà Nội thì xứ Đoài nằm gọn trong Thủ đô. Đây cũng là lý do đưa Hà Nội trở thành địa phương có nhiều lễ hội dân gian, nhiều nghệ nhân dân gian nhất và làng nghề ẩm thực phong phú nhất. Đa dạng và nhiều như thế nên quản lý, bảo tồn và phát huy trong thực tiễn sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng đến nay, với văn hóa dân gian, nghệ nhân dân gian – những báu vật nhân văn sống thì chưa bị câu chuyện sát nhập tác động nhiều.

Ngược lại, nhà văn Nguyễn Sĩ Đại, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội lại bày tỏ thái độ không mấy lạc quan. Ông cho rằng, các thành tựu về kinh tế - xã hội sau 10 năm sát nhập có thể nhìn ra dễ hơn nhưng với văn hóa thì nên cẩn trọng. Bởi lẽ, văn hóa Thăng Long – Hà Nội là văn hóa kinh kỳ. Văn hóa Hà Tây là văn hóa của người lao động chất phác. Mỗi nền tảng văn hóa đều có sự khác biệt, đặc sắc riêng, không thể trộn lẫn. Thủ đô càng lớn mạnh về kinh tế, càng hiện đại thì càng cần đầu tư, giữ lấy văn hóa cơ bản, nét đặc sắc riêng.

Nhà thơ Vũ Quần Phương thì cảnh báo, hiện nay, các nước phát triển đang hạn chế mở rộng đô thị mà có xu hướng cắt nhỏ ra để dễ quản lý. Với Hà Nội, sau sát nhập, thành tựu kinh tế có thể đo được.

Chưa bao giờ nông dân có làng sạch đẹp như hiện nay nhưng phát triển mang tính tự phát, nhỏ lẻ. Nếu không cẩn thận, các ngôi làng sẽ như các…cục bê tông. Câu chuyện nhiều đình chùa có tuổi đời vài trăm năm bị dỡ ra, đổ bê tông thời gian qua là ví dụ điển hình.

Nếu để nông dân tự phát làm phố phường sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Như lễ hội truyền thống thì nhiều nhưng hội làng nào cũng giống nhau vì bây giờ có kinh tế nên các làng thuê đội tế tế thuê, không tế theo cái tích của làng. “Sát nhập có những thuận lợi lớn nhưng “không thể nói sát nhập là ù té sát nhập mà cần có sự chủ động, tính toán, nếu không mình sẽ mất làng, mất văn hóa làng” – nhà thơ Vũ Quần Phương nhấn mạnh.

Đồng ý kiến với nhà thơ Vũ Quần Phương có rất nhiều các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu. Các đại biểu cũng thống nhất, để văn hóa Thăng Long – Hà Nội và văn hóa xứ Đoài cùng thực sự được bảo tồn, phát huy một cách hiệu quả, trong thời gian tới, ngoài sự chủ động từ các nhà quản lý thì các văn nghệ sĩ cũng cần có những dự án nghiên cứu mang tính chuyên sâu để góp phần bảo tồn, giữ gìn những nét đặc sắc của văn hóa, vừa tư vấn, đóng góp ý kiến kịp thời trong hoạt động phát huy giá trị văn hóa của Thủ đô trong thời gian tới.

Hoa Nguyễn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/khong-con-lo-van-hoa-xu-doai-bi-buc-tu-512121/