Không còn Raptor và B-2: Mỹ để lại những máy bay nào

Nhân đọc bài 'Phía sau tuyên bố bỏ F-22 của tướng Mỹ?' (DVO, 20/9/2021), xin giới thiệu bài viết cung cấp thêm thông tin kế hoạch phát triển Không quân Mỹ.

Nội dung được nói đến qua bài báo với tiêu đề trên của chuyên gia quân sự Nga Ilia Legat. Bài đăng trên “Bình luận quân sự” (Nga) ngày 19/5/2021.

Nước Mỹ bước vào thế kỷ mới với một lực lượng Không quân khổng lồ có chức năng giải quyết những nhiệm vụ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, thời đại mới đặt ra những yêu cầu mới.

Cùng với đó là sự xuất hiện các máy bay chiến đấu tàng hình, vai trò của máy bay không người lái (UAV) và các vũ khí mới trang bị cho máy bay, ví dụ như bom GBU-39 tăng mạnh.

Những chiến thuật cũ như không chiến tầm gần "cổ điển", đột phá tầm thấp, cũng như một số máy bay chuyên ngành hẹp đã không còn nhiều tác dụng.

Tất cả những thay đổi đó đòi hỏi phải có các giải pháp mới, và những giải pháp đó buộc phải chi tiêu nhiều tiền hơn cho một số lĩnh vực trong khi phải tiết kiệm hơn khi chi tiền cho một số lĩnh vực khác.

Không quân chiến thuật

Người Mỹ không có thói quen thích làm cả thế giới phải ngạc nhiên với những thông tin mới trong lĩnh vực quân sự. Tuy nhiên, những tin tức gần đây đã khiến các nhà quan sát dù bàng quang nhất cũng không thể thờ ơ.

Vào ngày 12 tháng 5, tờ báo Defense One đã cho đăng tải một bài báo về các kế hoạch mới cải tổ Không quân Mỹ. Theo Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, Tướng Charles Brown, thì Không quân Mỹ muốn giảm số lượng các kiểu máy bay tiêm kích của mình xuống chỉ còn bốn (4) kiểu.

Tướng Charles Brown nói rõ: “Tôi có ý định giảm số lượng các kiểu máy bay (tiêm kích) xuống chỉ còn bốn (kiểu). Điều quan trọng là phải tìm ra phương án kết hợp tối ưu giữa các kiểu máy bay với nhau.

F-22 sẽ được thay thế bằng máy bay tiêm kích thế hệ mới (Next Generation Air Dominance – NGAD), và NGAD sẽ bay cùng với F-35. Còn F-15EX và F-16- vẫn sẽ tiếp tục được sử dụng".

Tổng cộng, đến năm tài chính 2026, Không quân Mỹ muốn loại biên 421 máy bay tiêm kích cũ, sau khi đã mua 304 chiếc mới.

Cần lưu ý rằng hiện Không quân Mỹ đang khai thác 6 kiểu máy bay tiêm kích khác nhau: (1) F-22 Raptor, (2) F-15C / D Eagle, (3) F-15E Strike Eagle, (4) F-15EX (Eagle II), (5) F-35 và (6) F-16 Fighting Falcon.

Máy bay tiêm kích F-22 dự kiến sẽ được đưa ra khỏi trang bị muộn hơn (năm tài chính 2026) một chút, bắt đầu từ năm 2030. Còn số lượng F-16, theo kế hoạch sẽ giảm 120 chiếc, còn 800 chiếc. Với các máy bay F-15C / D (với số lượng khoảng 230 chiếc), chúng sẽ được loại biên hoàn toàn vào cuối năm tài chính 2026.

Nói chung, cần nói rõ hơn một chút về việc tại sao lại có nhiều F-15 như vậy trong danh sách trên để tránh nhầm lẫn: trên thực tế chúng là những kiểu máy bay khác nhau. F-15C / D là máy bay “thuần” tiêm kích kiểu cũ.

Ngược lại, F-15E Strike Eagle – đó đã là máy bay tấn công (cường kích), có nhiều điểm tương tự với máy bay ném bom tiền tuyến (chiến thuật) Su-34 của Nga hơn là một kiểu máy bay tiêm kích "thông thường".

Còn F-15EX – đó là kiểu máy bay được chế tạo mới với radar ăng-ten mảng pha chủ động tiên tiến và có khả năng mang theo một cơ số vũ khí tên lửa “không đối không” kỷ lục: lên đến 22 quả - (rất có thể, máy bay này còn được trang bị những vũ khí tấn côngcác mục tiêu trên mặt đất rất đáng nể, kể cả hệ thống vũ khí siêu thanh (M>5).

Chiếc Eagle II đầu tiên được Không quân Mỹ nhận bàn giao vào tháng 3 năm nay. Tổng cộng, Bộ Quốc phòng Mỹ có thể được trang bị khoảng 200 máy bay mới, và như vậy F-15EX sẽ trở thành một trong những máy bay tiêm kích chủ lực trong kho vũ khí của Mỹ.

Vậy thì những máy bay nào còn lại trong trang bị?

Theo các dữ liệu mới nhất, 4 kiểu máy bay (tiêm kích) còn lại trong trang bị sẽ là F-15EX, F-35, F-16 và Next Generation Air Dominance (NGAD) “bí ẩn”, - tức kiểu máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6 triển vọng.

Hiện vẫn chưa biết kiểu máy bay mới này sẽ như thế nào, nhưng các nhà phân tích cho rằng đó có thể là một máy bay tàng hình có người lái có nhiều nét chung với F-22 Raptor.

Bản thân ý tưởng loại biên F-22, ngay cả trong tương lai xa, đã vấp phải hàng loạt chỉ trích.

Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì chiếc máy bay này còn tương đối “trẻ” và chi phí cho dự án thiết kế nó lên tới 60 tỷ USD, tương đương với chi phi thiết kế chiếc F-35 siêu đắt tiền (tất nhiên đấy là chưa tính đến chi phí sản xuất hàng loạt và chi phí khai thác bảo dưỡng kỹ thuật).

Vậy vấn đề là gì?

Phải nói rằng “Raptor” luôn bị những khó khăn bám đuổi. Theo số liệu do tờ báo Air Force Times của Mỹ công bố năm 2018, thì tỷ lệ máy bay F-22 luôn có tình trạng kỹ thuật tốt sẵn sàng cất cánh đạt xấp xỉ 51% (tổng số F-22).

Để so sánh: tỷ lệ này của F-15E là 71%, F-16 là khoảng 66-70%. Máy bay CV-22B tuy có “có vấn đề” nhưng tỷ lệ sẵn sàng cất cánh là 59%, trong khi chiếc máy bay ném bom chiến lược B-1B, vốn không được các phi công ưa chuộng lắm, có tỷ lệ gần 52%.

Như có thể thấy, theo tiêu chí này "Raptor" trông giống như một kẻ ngoại đạo, ngay cả khi so sánh với những máy bay không phải là hiệu quả nhất.

Trong khi đó, chi phí bảo dưỡng khai thác F-22 đắt gần gấp đôi so với chi phí tương tự của F-35, nhưng khả năng tấn công lại khá khiêm tốn nếu tính theo các tiêu chuẩn Mỹ, và vì thế không thể gọi nó là một máy bay tiêm kích "đa năng "theo nghĩa đầy đủ của từ này.

Điểm nhấn trong các kế hoạch của Không quân Mỹ bao giờ cũng là A-10 - một kiểu máy bay mà Không quân Mỹ đã muốn loại biên từ lâu để nhường chỗ cho F-35, nhưng nhiều khả năng là A-10 có thể “sống lâu” hơn cả F-35, nếu không thế thì chí ít cũng qua mặt F-22 Raptor.

Hiện đang không có gì để thay thế cho "Lợn rừng” (biệt danh của A-10), và lợi ích mà chiếc máy bay này mang lại là không thể tranh cãi, điều này được khẳng định qua những cuộc xung đột gần đây có sự tham gia của A-10. Tuy nhiên, số lượng máy bay cường kích A-10 cũng sẽ giảm: từ 281 chiếc hiện nay xuống còn 218 chiếc.

Lực lượng chiến lược

Về Không quân chiến lược Mỹ, có không ít những điểm thú vị trong các kế hoạch của người Mỹ. Trên thực tế, Mỹ gần như đã nói thẳng ra rằng những “chiến lược gia” (máy bay ném bom chiến lược) mới nhất trong số các "chiến lược gia" hiện có – là B-1B và B-2 – lại có thể trở nên “vô dụng” ngay trong tương lai gần.

Ngay từ năm 2018, tạp chí Aviation Week đã công bố thông tin, theo đó thì Không quân Mỹ đang chuẩn bị niêm cất máy bay B-2 để dành kinh phí hỗ trợ chương trình B-21- một kiểu máy bay ném bom chiến lược “tàng hình”mới.

Thoạt nhìn, khả năng loại biên B-2 cũng không kém phần nghịch lý so với so với việc loại biên F-22.

Nhưng trên thực tế, hai kiểu máy bay này có rất nhiều điểm chung: cả hai đều bắt đầu được thiết kế trong thời kỳ đối đầu với Liên Xô, cả hai đều cực kỳ đắt và có nhiều tính năng không cần thiết khi giải quyết những nhiệm vụ hiện tại và cả hai đều được sản xuất với số lượng tương đối ít.

Người Mỹ sẽ loại biên dần máy bay ném bom B-1B, theo từng giai đoạn. Trước đây đã từng có thông tin rằng Không quân Mỹ đang chuẩn bị cắt giảm phi đội B-1B xuống còn 45 chiếc: Quốc hội Mỹ đã cho phép thanh lý 17 chiếc.

Về chuyện này, Tướng Tim Ray, Tư lệnh Bộ Tư lệnh các đòn tấn công toàn cầu của Không quân Mỹ cho biết cụ thể hơn như sau: “Chúng tôi trong một khoảng thời gian khá dài đã dần đưa ra khỏi trang bị các máy bay ném bom cũ để nhường chỗ cho B-21 Raider mới”.

Có ít nhất hai lý do để đưa B-1B ra khỏi trang bị. Thứ nhất, chi phí bảo dưỡng máy bay quá cao. Thứ hai, khả năng sẵn sàng chiến đấu tương đối thấp.

Trong khi đó, chiếc Boeing B-52 Stratofortress khét tiếng với lần cất cánh đầu tiên được thực hiện từ năm 1952 giờ vẫn luôn có đầy đủ cơ hội để chào mừng ngày lễ kỷ niệm tròn một trăm năm “phục vụ” của mình.

Theo dữ liệu từ các nguồn tin công khai, hiện người Mỹ đang có 70 chiếc B-52. Ngay trong tương lai gần, chúng sẽ được tiếp tục hiện đại hóa.

Nói một cách đơn giản hơn, số lượng các kiểu “chiến lược gia” trong trang bị của Không quân Mỹ trong tương lai sẽ giảm xuống chỉ còn 2 kiểu:

Không quân Mỹ sẽ khai thác B-52 và máy bay ném bom chiến lược mới Northrop Grumman B-21 Raider (B-21 sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên của mình trong những năm sắp tới) .

Như vậy, về cơ bản, thành phần tác chiến của lực lượng máy bay có người lái trong trang bị của Không quân Mỹ trong các năm 2030 và 2040 sẽ như sau:

- Máy bay tiêm kích F-35;

- Máy bay tiêm kích F-15EX;

- Máy bay tiêm kích F-16;

- Máy bay tiêm kích Next Generation Air Dominance (NGAD);

- Máy bay cường kích A-10 (?);

- Máy bay ném bom chiến lược B-52;

- Máy bay ném bom chiến lược B-21.

Trong những năm 2030, có thể xuất hiện một kiểu máy bay tiêm kích mới- nhiều khả năng là một biến thể phát triển từ F-16. Tuy nhiên, hiện chưa có một quyết định dứt khoát nào về vấn đề này.

Còn các máy bay không người lái (UAV) Mỹ- chúng rất đáng được xem xét trong một bài báo riêng.

Cũng như các máy bay thuộc lực lượng hỗ trợ như máy bay tác chiến điện tử, máy bay huấn luyện và máy bay tiếp dầu. Có lẽ chúng ta sẽ nói về chúng trong các bài báo sau.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/luc-luong-vu-trang/khong-con-raptor-va-b-2-my-de-lai-nhung-may-bay-nao-3439247/