Không công khai Hội đồng Giáo sư Nhà nước: Dễ tù mù

Theo nhiều ý kiến, việc đưa danh sách thành viên, lý lịch khoa học thành viên Hội đồng GS Nhà nước vào vòng bí mật là bước thụt lùi.

Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Giáo sư cơ sở.

Trong dự thảo Thông tư này, một điểm đáng chú ý và quan tâm nhất của các nhà khoa học là bãi bỏ điểm e khoản 3 Điều 7: "Danh sách thành viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước và bản tóm tắt lý lịch khoa học của các thành viên được công bố công khai trên Trang thông tin điện tử của Hội đồng Giáo sư Nhà nước".

Trao đổi với Đất Việt, một số nhà khoa học đều đặt câu hỏi, việc đưa danh sách thành viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước và bản tóm tắt lý lịch khoa học của các thành viên vào "vòng bí mật" nhằm mục đích gì và Bộ GD-ĐT có trách nhiệm phải giải thích cho rõ về việc này, đồng thời đề nghị phải công khai như trước đây.

GS.TSKH Trần Duy Quý, nguyên Ủy viên Hội đồng chức danh Giáo sư liên ngành Nông nghiệp-Lâm nghiệp thốt lên: "Không hiểu Bộ GD-ĐT định cải tiến kiểu gì!?" và bày tỏ quan điểm, phải minh bạch danh sách thành viên cũng như bản tóm tắt lý lịch khoa học của các thành viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước.

"Ứng viên GS, PGS cần được biết người chấm điểm, xét chọn mình là ai, trình độ như thế nào, còn cứ tù mù thì không ai biết được và cũng không giám sát được.

Có công khai lý lịch khoa học của thành viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước mới biết thành viên ấy có cập nhật được các bài báo quốc tế hay không. Đưa vào vòng bí mật thì có khi người ta cứ yên vị ngồi xét ứng viên trong khi bản thân không có bài báo quốc tế mới nào", GS.TSKH Trần Duy Quý nói.

Việc bỏ quy định công khai danh sách thành viên và bản tóm tắt lý lịch khoa học của thành viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước đặt ra một câu hỏi lớn mà Bộ GD-ĐT phải trả lời

Việc bỏ quy định công khai danh sách thành viên và bản tóm tắt lý lịch khoa học của thành viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước đặt ra một câu hỏi lớn mà Bộ GD-ĐT phải trả lời

Thay vì không công bố công khai danh sách thành viên và bản tóm tắt lý lịch khoa học của các thành viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước, GS Quý cho rằng nên bỏ những quy định rườm rà khác. Ví dụ, đã là ứng viên GS thì không châm chước ai, ai cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn cứng như nhau, và càng chi tiết hóa càng tốt.

Bên cạnh đó, phải minh bạch những gì có thể linh hoạt, thay đổi được, như: ứng viên có nhiều bài báo quốc tế hoặc có nhiều phát minh thì có thể bù cho việc thiếu số giờ giảng.

Cũng cho ý kiến về điểm này, GS.TSKH Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn thẳng thắn cho rằng, việc dự thảo Thông tư bỏ quy định công khai danh sách thành viên và bản tóm tắt lý lịch khoa học của thành viên Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước là một bước thụt lùi.

"Đã là hội đồng xét công nhận TS, TSKH, GS, PGS thì đều phải công khai để biết được tài năng, kinh nghiệm của các thành viên hội đồng đó đến đâu, có đủ tư cách tham gia hội đồng hay không, đồng thời cũng để giám sát xem hội đồng đó có lợi ích nhóm không, có thiên vị cá nhân không.

Nếu không công khai thì không tránh khỏi nguy cơ thành viên hội đồng làm những chuyện không phù hợp với quy định, vì lợi ích nhóm rồi nghi kỵ lẫn nhau, người nọ đổ thừa cho người kia.

Chẳng hạn, để được công nhận là GS, PGS thì trước hết phải có tài năng, sư phạm, thâm niên, đạo đức..., đó là những yếu tố tổng hợp của ngành giáo dục. Trong khi đó, việc công nhận tài năng, sáng kiến lại khác. Nghiên cứu, tài năng không cần tới yêu cầu sư phạm hay đạo đức.

Thế nhưng, giờ không công khai thì những chuyện như vậy càng dễ tù mù. Bởi vậy, phải công khai thành viên, lý lịch khoa học của thành viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước vì đó là vấn dề dân chủ, thể hiện tài năng, trình độ của hội đồng, đồng thời tránh lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân", GS.TSKH Phạm Phố chỉ rõ.

Nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn cũng cho hay, ở các nước, thông thường các trường đề nghị ứng viên GS, PGS rồi cấp trên duyệt, nhưng không bao giờ có chuyện bí mật, giấu tên người trong hội đồng.

"Giấu lý lịch khoa học là giấu trình độ, năng lực của thành viên hội đồng, làm sao có thể biết người được bổ nhiệm vào hội đồng có xứng đáng không, có đúng quy chế không", GS Phố nhấn mạnh.

Điều đáng lo hơn, theo GS Phố, khi đưa vào vòng bí mật thành viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước, người ta sẽ tìm cách tiếp cận để rồi đến khi bỏ phiếu, đều là phiếu thuận, bản thân các thành viên trong hội đồng cũng nể nang nhau mà không phản đối.

Hệ quả là nó có thể tạo ra sự không công bằng, chất lượng GS, PGS không được đảm bảo, người có chức, có quyền dễ được bỏ phiếu thuận, còn "dân thường" như cán bộ giảng dạy ở các trường, các viện dễ bị gạt ra.

GS.TSKH Phạm Phố cho rằng, nếu có bí mật thì chỉ có thể là hội đồng thẩm định của Nhà nước. Hội đồng này gồm những thành viên rất tài giỏi, uy tín, có kinh nghiệm.

Khi nghiên cứu sinh làm xong luận án, hội đồng chấm luận án thông qua thì vẫn phải trải qua sự thẩm tra của hội đồng nói trên, nếu đạt chất lượng thì mới cấp bằng, còn không, dù nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công ở hội đồng mà hội đồng thẩm định của Nhà nước tuyên bố không đạt thì cũng coi như không thông qua.

"Đức, Nga, Mỹ, Ba Lan... đều có hội đồng thẩm định này, nhưng Việt Nam lại không có.

Theo nguyên tắc, khi bảo vệ luận án, thường sẽ mời một PGS hay GS "bí mật" phản biện nhưng ở Việt Nam, phần đông trong ngành đều quen biết nhau, nếu người hướng dẫn học viên là GS thì cuối cùng họ cũng sẽ biết được người phản biện "bí mật" là ai và người phản biện sẽ nể nang mà cho qua.

Bởi thiếu một hội đồng bí mật đánh giá một cách công bằng nên mới xảy ra chuyện người đã vào học thạc sĩ, tiến sĩ rồi thì lúc bảo vệ ít khi bị rớt", GS.TSKH Phạm Phố cho biết.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/khong-cong-khai-hoi-dong-giao-su-nha-nuoc-de-tu-mu-3395230/