Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế bằng bất kỳ giá nào

VH- Sáng 20.9, trong khuôn khổ Đại hội các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (ASOSAI 14), Hội nghị chuyên đề lần thứ 7 với chủ đề 'Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững' đã diễn ra tại Hà Nội.

Phát biểu với vai trò là tân Chủ tịch Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) nhiệm kỳ 2018 - 2021, Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc nhận định: Môi trường đã và đang là một trong những vấn đề cấp bách của toàn cầu và là mối quan tâm hàng đầu đối với từng quốc gia. Trong thời gian tới, những thách thức về môi trường sẽ ngày càng nghiêm trọng, đe dọa sự phát triển của các quốc gia, đặt ra nhiệm vụ kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững ngày càng quan trọng và nặng nề hơn.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc khẳng định, không đánh đổi môi trường bằng bất cứ giá nào

Đối với Việt Nam, nhận thức được tầm quan trọng của Chương trình đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực cần thiết để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ môi trường (BVMT). Chính vì vậy, ngày 10.5.2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó đã đưa ra các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn và giao nhiệm vụ cho từng Bộ, ngành liên quan trong việc phối hợp, cùng thực hiện đồng bộ để đảm bảo sự thành công của Chương trình. Kết quả cho thấy, tốc độ tăng trưởng cao, các cân đối của nền kinh tế được giữ vững, thâm hụt ngân sách và nợ quốc gia được kiểm soát trong giới hạn an toàn, từng bước giải quyết thành công các vấn đề xã hội (xóa đói, giảm nghèo, phát triển giáo dục, chăm sóc sức khỏe,...), phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với BVMT, lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và của các ngành nói riêng.

Thông qua hoạt động kiểm toán môi trường, Kiểm toán nhà nước sẽ thực hiện vai trò đánh giá, giám sát, kịp thời phát hiện ra những bất cập, hạn chế và đưa ra những kiến nghị, biện pháp khắc phục nhằm chấn chỉnh, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, minh bạch hóa, nâng cao tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong công tác quản lý sử dụng tài nguyên môi trường phát triển bền vững, BVMT, đảm bảo phát triển bền vững.

Chia sẻ kinh nghiệm tại Đại hội, Tổng Thư ký Ủy ban Kiểm toán Cộng hòa Indonesia Bahtiar Arif cho biết: Là một trong những quốc gia cam kết đạt được Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) do Liên hợp quốc đề ra, Indonesia có Nghị định của Tổng thống số 59 năm 2017 về thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững trên phạm vi toàn quốc, duy trì và đảm bảo các nguồn lực và năng lực cần thiết. Cơ quan này cũng hợp tác với Cơ quan Kiểm toán tối cao Hà Lan, Tòa án Kiểm toán châu Âu và các đối tác Cơ quan Kiểm toán tối cao khác, để xem xét chuẩn bị mục tiêu phát triển bền vững quốc gia. Bên cạnh đó, Cơ quan Kiểm toán tối cao Indonesia còn thiết lập 12 tiêu chí (4 tiêu chí về chính sách, 4 tiêu chí về cách thức thực hiện và 4 tiêu chí về giám sát đánh giá và báo cáo) để đánh giá nỗ lực của Chính phủ trong giai đoạn xây dựng chính sách, trong việc chuẩn bị thực hiện mục tiêu phát triển bền vững quốc gia ở Indonesia.

Còn đối với Malaysia, ông Khalid Khan Bin Abdullah Khan, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Malaysia (NADM), cho biết: Kiểm toán Nhà nước Malaysia có quyền hợp pháp để thực hiện Kiểm toán hoạt động theo Đạo luật Kiểm toán năm 1957. Kiểm toán hoạt động bao gồm kiểm toán các vấn đề liên quan đến môi trường với mục tiêu đảm bảo trách nhiệm giải trình, hiệu lực, hiệu quả của các chương trình và hoạt động của các bộ, các cơ quan chính phủ trong việc tuân thủ luật môi trường.

Nhận thức rõ những thách thức đối với Việt Nam trong vấn đề kiểm toán môi trường như: Nhận thức và ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân cũng như trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với cộng đồng chưa cao; Hệ thống pháp luật, quy chuẩn về bảo vệ môi trường còn bất cập, thiếu tính khả thi, gây nhiều khó khăn cho các tổ chức và cá nhân trong quá trình tuân thủ, thực thi pháp luật, trong khi kiểm toán môi trường là lĩnh vực mới, cơ quan chức năng thiếu nguồn nhân lực có kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn sâu về môi trường. Tuy nhiên, phía Việt Nam vẫn khẳng định: Việt Nam sẽ không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế bằng bất kỳ giá nào!

Hoàng Hương

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B/khong-danh-doi-moi-truong-de-phat-trien-kinh-te-bang-bat-ky-gia-nao