Không đầu hàng số phận

Không có đôi mắt lành lặn như những người bình thường, nhưng nhiều người mù đã vươn lên, không chỉ nuôi sống bản thân mà còn ổn định cuộc sống, chăm lo gia đình, nuôi dạy con cái học hành thành đạt. Bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, họ còn được sự giúp sức của Hội Người mù (HNM) các cấp và cộng đồng xã hội.

VƯỢT LÊN NGHỊCH CẢNH

Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Hiếu đúng lúc ông đang cho đàn dê ăn. Dù đôi mắt không nhìn thấy được, nhưng mọi động tác của ông thuần thục như không. Vợ ông, bà Phan Thị Sinh thì đang chăm sóc đàn heo thịt.

Trong căn nhà khang trang, ông Nguyễn Văn Hiếu (SN 1964, ở tổ 42, thôn Sơn Lập, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức) kể, ông bị mù hai mắt từ nhỏ. Không đầu hàng số phận, ông luôn cố gắng tự chăm sóc bản thân và quyết tâm vươn lên trong cuộc sống để không phụ thuộc người thân. Cảm mến trước nghị lực của ông, bà Phan Thị Sinh - một người con gái lành lặn bình thường đã đồng ý về làm vợ ông với quyết tâm cùng nhau vun đắp hạnh phúc. Bà không quản ngại khó khăn, cùng ông bươn chải vừa chăm sóc 5 sào tiêu, chăn nuôi, vừa làm đủ thứ nghề để kiếm tiền nuôi 3 con ăn học. Hiểu được hoàn cảnh gia đình, các con ông bà đều cố gắng học tập. Đến nay, cô con gái đầu và con gái thứ 2 đều tốt nghiệp ĐH, cùng làm việc tại TP. Hồ Chí Minh với mức thu nhập ổn định hơn 10 triệu đồng/tháng. Người con trai út đã đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản với mức lương 30 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Văn Hiếu chăm sóc đàn dê của gia đình.

Ông Nguyễn Văn Hiếu chăm sóc đàn dê của gia đình.

Theo thời gian, cuộc sống gia đình dần ổn định, con cái đã có việc làm nhưng ông bà không chịu ngồi yên mà vẫn chăm chỉ với mô hình chăn nuôi để phát triển kinh tế. Từ một hộ nghèo của địa phương đến năm 2018, gia đình ông đã thoát nghèo. Đầu năm 2019, qua sự giới thiệu của HNM huyện Châu Đức, ông đã được Ngân hàng CSXH huyện xét cho vay 18 triệu đồng lãi suất thấp để làm vốn mua con giống, tăng đàn heo, gà, dê. Nhờ áp dụng hiệu quả kỹ thuật chăn nuôi, trong năm 2019, gia đình ông có thu nhập 200 triệu đồng. Hiện tại, gia đình ông có 53 con heo thịt, 70 con gà ta thả vườn chuẩn bị xuất bán và 30 con dê. “Tôi nghĩ, nếu mình có nghị lực phấn đấu, biết nỗ lực vươn lên thì dù khó khăn mấy cũng sẽ vượt qua”, ông Hiếu chia sẻ.

ĐIỂM TỰA CỦA NGƯỜI MÙ

Bên cạnh việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho hội viên vay vốn vay lãi suất thấp, các cấp HNM còn hỗ trợ dạy nghề để người mù có điều kiện tìm kiếm việc làm, tạo thu nhập ổn định. Anh Hồ Hữu Minh (SN 1973, ở tổ 6, thôn Tân Giao, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) bị viêm võng mạc năm 31 tuổi. Do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, không có điều kiện chữa trị kịp thời nên anh bị mù cả 2 mắt. Mọi chi tiêu trong gia đình đều dựa vào khoản tiền làm thuê làm mướn ít ỏi của vợ anh nên cuộc sống rất khó khăn. Cơ may đến với gia đình anh khi HNM huyện Châu Đức hướng dẫn và tạo điều kiện cho anh đi học nghề xoa bóp, bấm huyệt do HNM tỉnh tổ chức, dưới sự giảng dạy của bác sĩ Nguyễn Hồng Minh (Bệnh viện Hoàn Mỹ TP. Hồ Chí Minh) vào tháng 7/2019. Sau khi học nghề thành thạo, anh mạnh dạn thuê nhà mở cơ sở xoa bóp, bấm huyệt người khiếm thị Bình Minh tại số 342, Lê Hồng Phong, TT.Ngãi Giao, huyện Châu Đức. Hiện nay, cơ sở đã hoạt động ổn định, tạo việc làm cho 2 vợ chồng anh và 1 hội viên với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ chi phí, thu nhập của 2 vợ chồng anh bình quân đạt 10 triệu đồng/tháng, giúp vợ chồng anh trang trải cuộc sống và lo cho 2 con ăn học.

Anh Hồ Hữu Minh, chủ cơ sở xoa bóp bấm huyệt Bình Minh với công việc thường ngày.

Bên cạnh đó, HNM các cấp cũng thực hiện nhiều hoạt động chăm lo đời sống cho hội viên. Trong năm 2019, HNM tỉnh và các cấp hội cơ sở đã vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp hơn 10,2 tỷ đồng. Từ nguồn tiền này, HNM đã xây tặng 1 căn nhà “đại đoàn kết”, sửa chữa 5 căn nhà cho hội viên; phối hợp tổ chức khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho người mù; tổ chức lớp dạy nghề xoa bóp cho 30 hội viên, dạy chữ nổi cho cán bộ, hội viên. Bên cạnh đó, HNM tỉnh cũng vận động chi phí trợ cấp thường xuyên cho 14 hội viên nữ cao tuổi, neo đơn với số tiền 300 ngàn đồng/người/tháng. Ngoài ra, Hội còn vận động 10 triệu đồng, 1.000 quyển vở cho 89 HS mù và con người mù có hoàn cảnh khó khăn; trao tặng 14 chiếc xe đạp cho con người mù...

Bà Trần Thị Đoan Trang, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết, những năm qua, Hội thường xuyên đẩy mạnh công tác dạy nghề và tạo việc làm cho hội viên với các nghề xoa bóp, kết hạt cườm, làm nhang... Bên cạnh đó, Hội còn tổ chức các hoạt động giúp hội viên gặp gỡ, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, những cách làm hay, qua đó động viên, giúp nhau vượt lên số phận. “Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động dạy nghề, xây nhà, sửa nhà, tặng quà, mở các lớp dạy nghề xoa bóp cho hội viên, tạo điều kiện và cơ hội cho hội viên vươn lên ổn định cuộc sống”, bà Đoan Trang khẳng định.

Bài, ảnh: PHI DŨNG

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/202002/khong-dau-hang-so-phan-892673/