Không dễ bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược

Dù nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhưng việc thu hút họ mua cổ phần tại doanh nghiệp nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước vẫn rất khó.

Trầy trật đi tìm nhà đầu tư

Trong quá trình thực hiện cổ phần hóa thoái vốn nhà nước, nhiều doanh nghiệp nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, kết quả thu hút các nhà đầu tư nước ngoài rất khác nhau.

Một câu chuyện liên quan đến việc thu hút vốn nhà đầu tư ngoại tại doanh nghiệp lớn Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) được ông Phạm Quyên, Phó Trưởng ban Kinh tế Kế hoạch Công ty kể, theo phương án cổ phần hóa được Chính phủ phê duyệt, sau khi IPO đầu năm 2018, bán ra gần 8% vốn nhà nước, BSR tiếp tục chào bán 49% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược để sau cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ khoảng 43% cổ phần.

Tuy nhiên, do quá thời hạn bán cổ phần cho cổ đông chiến lược (theo quy định là sau 3 tháng IPO phải tiến hành) cộng thêm nguyên nhân diễn biến thị trường từ sau khi IPO có nhiều thay đổi nên việc tìm kiếm đối tác chiến lược trở nên khó khăn, dù trước đó BSR được một số nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm hiểu.

Đại diện BSR cho rằng, quy định về thời hạn bán cổ phần cho cổ đông chiến lược chưa hợp lý, chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực lọc hóa dầu hiện không còn hấp dẫn khiến cho việc thu hút đầu tư nước ngoài của BRS gặp khó khăn.

Tương tự, ông Nguyễn Duy Giang, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower) chia sẻ, PVPower là một trong số ít những doanh nghiệp năng lượng tại Việt Nam thực hiện thành công công tác cổ phần hóa vào năm 2018 khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ở thời điểm diễn ra cổ phần hóa, doanh nghiệp đã tích cực tổ chức những buổi roadshow trong và ngoài nước, cung cấp thông tin cũng như mời gọi những nhà đầu tư chiến lược.

Tuy nhiên, những giao dịch có giá trị rất lớn với thời hạn 3 tháng bán cổ phần cho cổ đông chiến lược là tương đối ngắn. Vì vậy, PVPower không kiếm được nhà đầu tư nước ngoài.

Hay như tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), đơn vị này đã phải mất gần 5 năm để tìm được nhà đầu tư ngoại. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex cho biết, công ty chuyển đổi mô hình hoạt động sang doanh nghiệp cổ phần từ năm 2011 và sau đó bắt đầu quá trình tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược để thay đổi cách thức quản trị theo chủ trương chỉ đạo của Chính phủ. Nhưng phải đến năm 2016, Petrolimex mới tìm được đối tác chiến lược là Tập đoàn JXTG (Nhật Bản).

Thời gian không đủ

Thời gian qua chính sự chậm trễ, trì hoãn, liên tục lùi tiến độ CPH khiến không ít nhà đầu tư nước ngoài bỏ cuộc trong việc góp vốn với 1 số DNNN lớn. Theo nhìn nhận từ giới chuyên gia một khi các nhà đầu tư bỏ ra hàng triệu USD để thuê tư vấn, điều họ cần là những lộ trình rõ ràng, mốc thời gian cụ thể hoàn tất giao dịch. Thế nhưng nhiều DNNN thay đổi mốc thời gian là 3 tháng thực hiện quá trình CPH dẫn đến tác động rất lớn đến tinh thần của họ.

TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế chia sẻ rằng thời gian đàm phán, quá trình thẩm tra thường mất rất nhiều thời gian, đặc biệt là với các DNNN lớn có cơ cấu tài sản, tài chính phức tạp. Thời gian tính theo tháng là gấp, ông Hiếu cho rằng quá trình tìm NĐT chiến lược cần phải dài hơn

Ông Lê Song Lai, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nói, phương thức thoái vốn theo trình tự ba bước đấu giá, chào giá cạnh tranh và thỏa thuận chỉ còn phù hợp với thông lệ tại Việt Nam, không theo quy trình quốc tế gồm có bước rà soát đặc biệt. Quá trình thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp ngoài vấn đề tối ưu hóa nguồn vốn nhà nước cần cân đối với việc đảm bảo tìm kiếm đối tác chiến lược cho doanh nghiệp.

Giới chuyên gia cũng cho rằng ngoài ra, việc công khai và minh bạch số liệu của DNNN cũng có sự hạn chế. Nhiều công ty chỉ công bố báo cáo tóm tắt và số liệu chưa cập nhập khiến việc tìm hiểu và định giá của các đối tác cũng gặp nhiều khó khăn.

H.Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/khong-de-ban-von-cho-nha-dau-tu-chien-luoc-561959.html