Không để 'con sâu làm rầu nồi canh'

Có lẽ, không chỉ vì sự lây lan của dịch Covid-19 gây ra mà điệp khúc 'được mùa mất giá, được giá mất mùa' và câu chuyện giải cứu nông sản cứ lặp đi lặp lại với người nông dân trong những năm gần đây. Bỏ qua khía cạnh vĩ mô của nền kinh tế thị trường, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, điều tôi muốn đề cập là việc giải cứu nông sản hay giải cứu tôm hùm ở nhiều địa phương đã và đang diễn ra như là động thái chia sẻ của xã hội trong hoàn cảnh người nông dân lâm vào khủng hoảng thừa.

Ý kiến bạn đọc

Chẳng hạn như tại Hà Nội những ngày qua, trên nhiều tuyến đường, khu phố, chợ dân sinh, thậm chí ở cả một số trường học, các mặt hàng trái cây, nông sản được bày bán với giá rất rẻ. Đơn cử như dưa hấu chỉ có 8.000 đồng/kg, khoai lang giống Nhật Bản chỉ 13.000 đồng/kg, sầu riêng từ 50 đến 80 nghìn đồng/kg, thanh long chỉ 15 nghìn đồng/kg... Điểm chung dễ nhận thấy là tại các điểm bán, tiểu thương thường treo biển như “điểm bán dưa hấu hỗ trợ nông dân miền trung”, “điểm bán khoai lang giống Nhật Bản, hỗ trợ nông dân Gia Lai”... Trong thời điểm dịch Covid-19 ảnh hưởng các hoạt động giao thương, buôn bán và khiến nông sản không thể xuất khẩu được qua biên giới, những nỗ lực giải cứu nêu trên là rất kịp thời, thể hiện tinh thần nhân văn của cộng đồng. Chúng ta đều hiểu rõ và thông cảm cho nỗi vất vả của người nông dân khi làm ra sản phẩm, nhưng lại phải bán tống, bán tháo; xót xa trước tình trạng nông sản bị đổ bỏ, “trả lại cho đất” làm phân bón. Chẳng ai mong muốn những cuộc giải cứu như vậy, nhưng cũng từ những cuộc giải cứu đó, mọi người đều thấy nhiều hành động đẹp, tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam nói chung. Ngược lại, chúng ta cũng cần lên án một số “con sâu làm rầu nồi canh” khi lợi dụng tấm lòng nhân đạo của xã hội để vun vén cho mình. Hành động đáng chê trách của những tiểu thương này là tranh thủ dịch Covid-19 để bán ra những trái sầu riêng bị hỏng hay bị nhúng thuốc ép chín. Chị Nguyễn Như Quỳnh trú ở đường Nguyễn Tuân (Hà Nội) cho biết, ban đầu cứ nghĩ mua sầu riêng để ủng hộ người nông dân, chị lại nhận về những trái sầu riêng bị hỏng. Vì thế, chị Quỳnh tuy bực bội nhưng cũng hy vọng các siêu thị, nhiều tổ chức có thể hỗ trợ người nông dân tiêu thụ sản phẩm, qua đó một mặt đẩy nhanh lượng hàng tồn, mặt khác giúp người tiêu dùng yên tâm về chất lượng, tránh để xảy ra những điều không hay gây mất lòng tin của người tiêu dùng.

GIA HƯNG (Hà Nội)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/ban-doc-viet/item/43605302-khong-de-%E2%80%9Ccon-sau-lam-rau-noi-canh%E2%80%9D.html