Không để dịch bệnh diễn biến phức tạp trên đàn vật nuôi

Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi có nhiều diễn biến phức tạp. Dù không xảy ra dịch bệnh ở quy mô lớn, diện rộng xong nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm đã xuất hiện, trong khi đó, kể từ khi tiến hành xã hội hóa tiêm phòng vắc xin trong chăn nuôi, tỉ lệ tiêm phòng chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Ngành Nông nghiệp và các địa phương đang tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Người chăn nuôi ở xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn chủ động tích trữ rơm rạ, phòng chống đói, rét cho trâu, bò.

Diễn biến phức tạp

Tại Hội nghị về chăn nuôi mới đây do Bộ Nông nghiệp & PTNT tổ chức, các chuyên gia thuộc Cục Thú y nhận định: Nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi vào những tháng cuối năm rất cao. Nguyên nhân được xác định do tổng đàn gia súc, gia cầm trên cả nước rất lớn và có thể tiếp tục gia tăng mạnh vào các tháng cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỉ trọng lớn; tỉ lệ gia súc, gia cầm được tiêm phòng còn thấp. Các loại mầm bệnh lưu hành với tỉ lệ cao ở phạm vi rộng, trong đó có các mầm bệnh tồn tại lâu ngoài môi trường, chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh (Dịch tả lợn châu Phi), lây lan nhanh, rộng do các véc tơ truyền bệnh (như vi rút gây bệnh viêm da nổi cục). Nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật các tháng cuối năm tăng mạnh, trong khi giết mổ nhỏ lẻ chiếm tỉ lệ cao. Thời tiết có nhiều biến động bất lợi là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một ổ dịch tả lợn châu Phi, buộc phải tiêu hủy 10 con lợn, một ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 khiến một người bị lây nhiễm, 45 ổ bệnh dại tại 10 huyện, thành, thị khiến một người tử vong. Nguy cơ các loại dịch bệnh truyền nhiễm khác gây thiệt hại nặng cho đàn vật nuôi như tụ huyết trùng, lở mồm long móng, tai xanh, tả, viêm da nổi cục rất cao do vi rút mang các mầm bệnh này tồn tại lâu trong không khí, nhất là tại các ổ dịch cũ. Phú Thọ là tỉnh thuộc vùng Trung du miền núi, ảnh hưởng của không khí lạnh cũng khiến cho đàn gia súc ở vùng cao dễ xảy ra tình trạng chết đói, rét nếu người chăn nuôi không chủ động thực hiện dự trữ thức ăn, tăng sức đề kháng và thực hiện tốt việc chống rét cho đàn vật nuôi.

Số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho thấy, toàn tỉnh hiện có trên 1.300 trang trại chăn nuôi, hàng trăm ngàn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với tổng đàn trâu, bò khoảng 154.000 con, trong đó đàn trâu hơn 54.000 con, đàn bò trên 100.000 con, tổng đàn lợn khoảng 730.000 con, tổng đàn gia cầm 15,8 triệu con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng chín tháng năm 2022 ước đạt 148,8 nghìn tấn, sản lượng trứng gia cầm 378,9 triệu quả. Chăn nuôi phát triển mạnh, đóng góp không nhỏ trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh.

Để bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi phát triển ổn định và bền vững, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các huyện, thành, thị và cơ quan chuyên môn tổ chức các đợt tiêm phòng định kỳ hàng năm; tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung cho đàn vật nuôi xong trên thực tế, tỉ lệ tiêm phòng vẫn đạt khá thấp, có những nơi chỉ đạt khoảng 50% tổng đàn.

Ông Nguyễn Tất Thành - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y chia sẻ: Tỉ lệ tiêm phòng thấp hiện nay chủ yếu tập trung ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng tổng đàn gộp lại khá lớn. Nguyên nhân là do trước đây các hộ này được Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí tiêm phòng, còn hiện nay, thực hiện chủ trương xã hội hóa tiêm phòng, người dân phải thanh toán mọi chi phí nên ít người thực hiện. Một nguyên nhân khác là do lâu nay trên địa bàn tỉnh không phát sinh các ổ dịch lớn, lây lan rộng nên người chăn nuôi đã bắt đầu xuất hiện tâm lý chủ quan.

Nhân viên Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Sơn tiêm phòng cúm gia cầm cho vật nuôi tại xã Thạch Kiệt.

Thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng dịch bệnh

Những năm gần đây, Sở Nông nghiệp & PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động các hộ, doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác chăn nuôi xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, tiến tới xây dựng vùng an toàn chăn nuôi dịch bệnh, nhất là tại các địa phương có quy mô chăn nuôi lớn, tập trung. Đây được coi là “chìa khóa an toàn” cho phòng, chống dịch bệnh và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Tuy nhiên, số lượng cơ sở, doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi tham gia vào chương trình xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh hiện còn khá ít, đến nay mới chỉ có trên 30 cơ sở được cấp chứng nhận, chiếm khoảng 6% cơ sở chăn nuôi trên toàn tỉnh.

Để bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi những tháng cuối năm, nhất là bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho dịp Tết Nguyên đán, Sở Nông nghiệp & PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh; giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán các sản phẩm từ gia súc, gia cầm. Tăng cường hướng dẫn chủ vật nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan ra diện rộng. Tạo thuận lợi cho việc sản xuất, xuất, nhập khẩu, vận chuyển các loại thuốc, vắc xin thú y, hóa chất cần thiết cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.

Ngành Nông nghiệp cũng đã phối hợp với các địa phương, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người chăn nuôi, đặc biệt là ở các huyện vùng cao chú ý bổ sung lượng thức ăn tinh, vitamin và chất điện giải để tăng cường sức đề kháng nhằm chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi, phun khử trùng tiêu độc chuồng trại, theo dõi gia súc, gia cầm ốm để xử lý kịp thời. Khuyến cáo các hộ chăn nuôi cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh, tái đàn hợp lý để đảm bảo nguồn cung và hiệu quả kinh tế cao.

Ông Từ Anh Sơn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Sở đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo chính quyền cơ sở tiếp tục triển khai các biện pháp chống dịch theo quy định; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, xử lý kịp thời khi phát hiện gia súc, gia cầm mắc bệnh; tuyên truyền, phổ biến cho người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y nhằm bảo đảm nguồn thực phẩm ổn định, an toàn cho dịp Tết sắp tới. Về lâu dài, Sở tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh vận động, tuyên truyền đến các cơ sở chăn nuôi xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, vùng an toàn dịch bệnh, người chăn nuôi nhỏ lẻ chủ động tiêm phòng đạt tỉ lệ miễn dịch cộng đồng, giảm tỉ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ, tập trung xây dựng vùng chăn nuôi tập trung để thuận lợi trong công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh.

Quân Lâm

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//nong-lam-nghiep/khong-de-dich-benh-dien-bien-phuc-tap-tren-dan-vat-nuoi/188693.htm