Không để doanh nghiệp cứ thấy công nghệ 4.0 là sợ như 'ngáo ộp'

Phát biểu tại 'Diễn đàn doanh nghiệp trong nền kinh tế số và Lễ công bố Báo cáo thường niên Doanh nghiệp Việt Nam 2017/2018', ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khuyến nghị: Doanh nghiệp không nên thấy công nghệ 4.0 là sợ như 'ngáo ộp' mà cần linh hoạt thay đổi chiến lược phù hợp trong nền kinh tế số.

Sáng 17/5, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức "Diễn đàn doanh nghiệp trong nền kinh tế số và Lễ công bố Báo cáo thường niên Doanh nghiệp Việt Nam 2017/2018", với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương và đông đảo doanh nghiệp, cơ quan truyền thông báo chí.

Cơ hội để "thế giới nhỏ lại và các doanh nghiệp lớn lên"…

TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh:DNVN/Minh Hoa).

Công bố Báo cáo thường niên Doanh nghiệp Việt Nam 2017/2018 với chủ đề "Doanh nghiệp trong nền kinh tế số", TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đã đưa ra các đánh giá về thực trạng, phân tích xu hướng phát triển của khu vực doanh nghiệp Việt Nam trong nền kinh tế số; nhấn mạnh những khuyến nghị nhằm hoàn thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số vào kinh doanh.

Theo đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế số. Nền kinh tế đem lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp - cơ hội để "thế giới nhỏ lại và các doanh nghiệp lớn lên". Cụ thể, doanh nghiệp có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thuận tiện với chi phí thấp; có thể nâng cao hiệu quả kinh doanh, mở rộng thị trường và thị phần, thậm chí lấn sân vào những thị trường mới; là nền tảng cốt yếu cơ bản để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, cũng như hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, thương mại điện tử, mô hình kinh doanh phi truyền thống tại Việt Nam đã có những bước phát triển tích cực.

Tuy nhiên, nền kinh tế số cũng tạo ra thách thức về chiếm lĩnh thị trường, về đảm bảo an ninh, bảo mật trong triển khai thương mại điện tử, về khả năng thích ứng với nền kinh tế số (từ vấn đề khách hàng, môi trường pháp lý và thiếu hụt nhân sự). Trong đó, môi trường thể chế chính là thách thức lớn nhất của nền kinh tế số hiện nay.

Qua đó, VCCI khuyến nghị các cơ quan chức năng cần có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tận dụng được những cơ hội do nền kinh tế số mang lại, như: Xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật liên quan đến việc áp dụng công nghệ số, đảm bảo an toàn thông tin, chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao, phát triển các dịch vụ công phục vụ cho thương mại điện tử.

Doanh nghiệp cũng cần điều chỉnh chiến lược kinh doanh một cách linh hoạt, nhanh chóng nắm bắt được những xu thế mới của công nghệ số để tạo lợi thế cạnh tranh thông qua việc chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh theo khả năng và lĩnh vực hoạt động.

Tăng cường năng lực quản trị công nghệ, tạo dựng nền tảng phát triển mạnh các sản phẩm, dịch vụ hiện đại.

Sớm tiếp cận và nắm bắt những xu thế sử dụng blockchain, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp, phát triển chuỗi cung ứng thông minh.

Đây cũng chính là những cơ sở để doanh nghiệp tăng năng suất lao động, củng cố lợi thế cạnh tranh của mình trong nền kinh tế đang biến đổi nhanh chóng hiện nay.

Điều quan trọng vẫn là thể chế

Tham gia Diễn đàn, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ: Doanh nghiệp trong nền kinh tế số là chủ đề "nóng", không chỉ một năm nay mà là 20 năm qua. Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi rất lớn về khoa học công nghệ. Ví dụ đơn cử, một doanh nghiệp nhỏ chuyên về đóng gói chỉ trong vòng 1 năm đã rút từ 20 công nhân xuống còn 2 công nhân, thay vào đó là ứng dụng dây chuyền công nghệ hiện đại. Điều đó cho thấy, công nghệ số đã đến cửa từng doanh nghiệp.

Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: DNVN/Minh Hoa).

Tuy nhiên, theo ông Duy, vấn đề thích ứng với nền kinh tế số cần được nhìn nhận một cách gần gũi với doanh nghiệp. Có tới 80-90% doanh nghiệp Việt có trình độ khác nhau. Nhiều doanh nghiệp đang tận dụng rất tốt công nghệ 2.0, 3.0. Không phải tất cả các doanh nghiệp Việt đều ồ ạt chuyển sang sử dụng công nghệ 4.0, thậm chí ở Nhật Bản cũng vậy.

Điều đó cho thấy, chúng ta không phải cứ nghe công nghệ 4.0 là sợ như "ngáo ộp". Doanh nghiệp cần tìm cách thay đổi, với chiến lược phù hợp và các cơ quan chức năng cũng cần có chiến lược chuyển đổi số cho doanh nghiệp bằng việc khảo sát, đánh giá trình độ sử dụng công nghệ của doanh nghiệp, từ đó, đưa ra những định hướng cho doanh nghiệp thích ứng, góp phần tạo làn sóng thực cho cho nền công nghiệp của Việt Nam, ông Duy nhấn mạnh.

Đồng tình với ý khuyến nghị trên, ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng: Điều quan trọng vẫn là vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng thể chế, chính sách, tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp có khả năng thích ứng với nền kinh tế số.

"Nhiều khi chúng ta nói những cái to tát trong khi cái nhỏ chưa sửa được là mấy. Chừng nào thể chế chưa nhất quán tư duy và chừng nào doanh nghiệp chưa được làm hết những gì Nhà nước không cấm thì những vấn đề mong muốn đối với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vẫn còn xa vời", ông Hưng chia sẻ.

Minh Hoa

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/doanh-nhan-doanh-nghiep/khong-de-doanh-nghiep-cu-thay-cong-nghe-40-la-so-nhu-ngao-op-1706.html