Không để học sinh chưa đạt chuẩn lên lớp

Sau 1 học kỳ triển khai CT- SGK mới lớp 1 ghi nhận kết quả khả quan. Tuy nhiên, còn một số ít học sinh (HS) chưa đạt yêu cầu chung, đòi hỏi các trường, giáo viên (GV) có giải pháp tháo gỡ.

Giờ học của cô và trò lớp 1 Trường Tiểu học Nhân Thịnh (Lý Nhân - Hà Nam). Ảnh: Đức Trí

Giờ học của cô và trò lớp 1 Trường Tiểu học Nhân Thịnh (Lý Nhân - Hà Nam). Ảnh: Đức Trí

Chủ động từ nhà trường

Bà Nguyễn Thị Thúy – Phó phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Lào Cai cho biết: Kết thúc học kỳ 1, tỉ lệ HS lớp 1 toàn tỉnh Lào Cai đạt yêu cầu ở tất cả môn trên 92%, (trong đó môn Toán trên 96%; Tiếng Việt trên 94%). Bước vào học kỳ II, các nhà trường không hề bị nặng nề, thúc ép trong việc vừa triển khai kiến thức mới vừa bù lấp kiến thức cũ cho HS chưa đạt ở học kỳ I. Nguyên do bởi triển khai CT, SGK mới theo cách nào thì kết thúc năm học, HS đáp ứng được yêu cầu chung là đạt yêu cầu.

Bà Nguyễn Thị Thúy bày tỏ: Tốc độ, nhịp độ học giữa các trường, HS các lớp khác nhau nên sở không chỉ đạo chi tiết việc bồi lấp kiến thức cho HS chưa đạt. Từ yêu cầu của CT, SGK lớp 1 mới, nhà trường sẽ dựa trên thực tế học tập của HS mà chủ động, linh hoạt điều chỉnh kế hoạch dạy học. Miễn sao cuối năm HS đạt được yêu cầu cần đạt trước khi lên lớp 2…

Bà Phạm Thị Tuất –Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Ninh Bình cũng chia sẻ: Tỉ lệ HS lớp 1 Ninh Bình đạt yêu cầu các môn sau khi kết thúc học kỳ 1 trên 90%; Một số HS chưa đạt yêu cầu, chủ yếu ở môn Tiếng Việt.

Tuy nhiên theo bà Tuất, điều này không quá lo ngại bởi tỉ lệ HS chưa đạt yêu cầu chung không nhiều. Mặt khác, cha mẹ thầy cô rất quan tâm tới việc học của trẻ. Học tập không chỉ diễn ra ở trường mà còn được hỗ trợ hướng dẫn thêm sau giờ học.

Hơn thế, dạy học lớp 1 tại Ninh Bình chưa chịu ảnh hưởng nhiều từ dịch Covid-19. HS mới nghỉ sớm trước Tết Nguyên đán 3 ngày, sau Tết trở lại học trực tiếp đúng ngày. Do đó sự hỗ trợ HS kiến thức cũ, triển khai kiến thức mới thuận lợi và hiệu quả.

Tăng cường khả năng đọc thông viết thạo cho HS tại Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố (Bắc Hà- Lào Cai). Ảnh: Đức Trí

Nỗ lực giúp HS về đích

Cô Đỗ Thị Hoàng Mai – GV Trường Tiểu học Nông nghiệp (Gia Lâm – Hà Nội) cho biết: Phần lớn HS đều đạt ở mức hoàn thành. Chỉ có một số em (chậm phát triển, có bệnh lý) mới có môn học chưa đạt ở mức hoàn thành.

Bước vào học kỳ II với HS chưa hoàn thành, GV sẽ quan tâm đặc biệt và tăng cường những phút học riêng giúp HS đạt yêu cầu và lên lớp. Đặc biệt trong các tiết học sẽ tạo điều kiện để HS chậm phát triển bất kỳ khi nào dơ tay phát biểu cũng được gọi, được hòa mình với bạn cùng lớp. Ngoài ra, GV có thể tăng cường quan sát ánh mắt, cử chỉ để nắm bắt các em có hiểu bài không, nguyện vọng gì, từ đó hướng dẫn hỗ trợ thêm.

Với kinh nghiệm của mình, cô Đỗ Thị Hoàng Mai cũng cho rằng giải pháp bạn giúp bạn đem lại hiệu quả cao bởi HS có thể tự học và học theo nhau rất nhanh. Muốn vậy, GV xây dựng đôi bạn cùng tiến (bạn học tốt với bạn học chưa tốt), cùng hỗ trợ nhau trong học tập.

Đặc biệt, GV cần tăng cường trao đổi với phụ huynh, đưa ra biện pháp kết hợp giữa gia đình và nhà trường; Hướng dẫn phụ huynh biện pháp GV đang triển khai trên lớp để thống nhất trong quá trình hỗ trợ HS. Tránh tình trạng GV hướng dẫn một đằng, phụ huynh hướng dẫn một kiểu khiến HS tiếp thu chậm càng rối.

Đọc sách truyện giúp HS dân tộc thành thạo hơn với Tiếng Việt. Ảnh: Đức Trí

Bà Phạm Thị Tuất cho biết thêm: Với HS chưa đạt yêu cầu chung ở cuối học kỳ I, sở yêu cầu các trường, GV dựa theo thực tế, tăng cường các hình thức bồi dưỡng trên. Thậm chí, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cũng phải tìm giải pháp, hỗ trợ GV giúp HS đọc thông viết thạo.

Môn Tiếng Việt được đặc biệt quan tâm, chú trọng bởi HS đọc thông viết thạo mới có thể làm toán và học tốt môn học khác. Ngoài ra yêu cầu các trường, GV chủ nhiệm, cán bộ thư viện quan tâm, giúp HS đọc viết kém được đọc nhiều hơn trong các tiết đọc trên thư viện…

Theo cô Nguyễn Thị Kim Tiến – GV Trường PTDTBT Tiểu học Bản Phố (Bắc Hà – Lào Cai), kết thúc học kỳ I hơn 70% HS của lớp có thể đọc rõ âm, vần khó, tốc độ đọc trơn nhanh. Tuy nhiên, với HS dân tộc, khả năng đọc viết Tiếng Việt bị ảnh hưởng nhiều bởi đây là ngôn ngữ thứ 2. Do đó, muốn học tập hiệu quả nhất thiết phải giúp đỡ HS đọc thông viết thạo Tiếng Việt.

Thời gian tới, GV sẽ tăng cường hỗ trợ HS đọc viết Tiếng Việt sau giờ học và vào các buổi tự học buổi tối tại trường. Đặc biệt, GV đẩy mạnh phong trào bạn giúp bạn từ giờ học trên lớp tới giờ tự học; cùng đọc sách truyện cho nhau nghe vào giờ ra chơi hoặc tại phòng bán trú…

Chúng tôi dạy học theo đúng tinh thần phát triển năng lực của trẻ. Năm đầu tiên triển khai CT, SGK mới sẽ “mạnh dạn” trao đổi, cùng phụ huynh nhìn thẳng vào vấn đề, hãy để những HS chưa bảo đảm năng lực lên lớp 2 được học lại một năm. Không để xảy ra tình trạng HS ngồi nhầm lớp vào cuối năm học…

Cô Đỗ Thị Hoàng Mai

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/khong-de-hoc-sinh-chua-dat-chuan-len-lop-ISTTiBsMR.html