Không để mất thị trường xuất khẩu lao động lớn Hàn Quốc

Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lao động lớn thứ hai của Hải Dương sau Nhật Bản, nhưng tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại đây lại đứng đầu.

Trung tâm Dịch vụ việc làm-Giáo dục nghề nghiệp tuyên truyền quy định của pháp luật cho người đăng ký sang Hàn Quốc làm việc

Để không mất thị trường lao động này cần những giải pháp đồng bộ và quyết liệt.

"Cố thủ"

“Cháu đi Hàn Quốc được 5 năm đến giờ vẫn chưa về cũng chỉ vì gánh nặng nợ nần chưa hết. Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh cũng đang thiếu việc làm, nhưng về không xin được việc lại lêu lổng thì khổ vợ chồng già chúng tôi”, ông N.H.T. ở phường Hoàng Tiến (Chí Linh) phân trần khi con trai là anh N.T.H. vẫn "cố thủ" ở lại Hàn Quốc làm việc, dù đã hết hạn hợp đồng lao động từ lâu.

Không ít lao động bỏ trốn ở lại Hàn Quốc làm việc khi đã hết hợp đồng xuất phát từ nguyên nhân làm ở đó cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần về Việt Nam. Nếu chấp nhận trở về sẽ khó sang làm việc tiếp vì vượt qua kỳ thi tiếng Hàn không dễ. Hơn nữa, không ít gia đình có nhiều thành viên cùng sang Hàn Quốc làm việc, lập gia đình rồi sinh con bên đó nên không muốn trở về…

Những nguyên nhân trên khiến Hải Dương vẫn còn nhiều lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đến hết năm 2021, Hải Dương vẫn còn khoảng 700 lao động Hàn Quốc hết hạn hợp đồng chưa về nước. Năm 2022, số lượng này đã giảm nhưng chưa nhiều. Lao động cư trú bất hợp pháp Hàn Quốc về nước vẫn nhỏ giọt. Đầu năm 2023, TP Chí Linh lại là địa phương duy nhất của tỉnh phải tạm dừng đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc theo diện EPS trong năm 2023 do có đến hơn 70 lao động cư trú bất hợp pháp tại đây.

Mặc dù các địa phương còn lại của tỉnh không bị dừng đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc theo diện EPS đợt đầu năm 2023, nhưng số lượng lao động cư trú bất hợp pháp vẫn còn. Theo ông Trần Văn Hữu, Phó Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Tứ Kỳ, một trong những nguyên nhân khiến việc quản lý lao động đi nước ngoài làm việc nói chung và Hàn Quốc nói riêng khó khăn do địa phương không nắm rõ số người đi và về nước hằng năm nên việc tuyên truyền hay giám sát không dễ.

Giải pháp căn cơ để lao động không cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc là phải tạo việc làm tốt cho họ khi về nước (ảnh minh họa)

Cần giải pháp mạnh hơn

Năm 2022, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã trang bị kỹ năng và kiến thức pháp luật về đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài cho hơn 300 cán bộ phụ trách lao động, thương binh, xã hội cấp xã. Một số địa bàn có nhiều lao động bỏ trốn thì lãnh đạo sở phân công cán bộ phụ trách sát sao, theo dõi và nghiêm túc thực hiện tuyên truyền theo phương châm rà từng xã, sát từng thôn, đến từng nhà vận động.

Theo ông Bùi Thanh Tùng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, những lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng uy tín và giữ vững thị trường lao động lớn. Đơn vị đã sớm thành lập đoàn liên ngành làm việc với 24 doanh nghiệp, cơ sở có hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có thị trường Hàn Quốc. Qua những buổi làm việc này giúp sở nắm bắt và giám sát tốt hơn việc chấp hành quy định pháp luật của lao động ngoài nước.

Theo kinh nghiệm của đồng chí Nguyễn Hữu Biên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quang Minh (Gia Lộc), gần đây địa phương giảm đáng kể số lao động cư trú bất hợp pháp vì cán bộ cơ sở biết cách vận động “mưa dầm thấm lâu”, đánh vào tâm lý về quê lập nghiệp gần gia đình. Cư trú bất hợp pháp sẽ phải chịu những hậu quả đáng tiếc nếu không may bị trục xuất hoặc tai nạn lao động. Khi đó người thân của họ sẽ nhận ra và tự nguyện vận động con em mình về nước. Việc tuyên truyền cũng chỉ là giải pháp mềm, còn để ngăn chặn hiệu quả hơn phải có giải pháp mạnh như xử phạt hành chính, đặt cọc tiền bảo lãnh…

Cuối năm 2022, Hàn Quốc đã đề xuất biện pháp mạnh hơn nhằm chấn chỉnh tình trạng lao động cư trú bất hợp pháp. Những trường hợp này có thể bị phạt tù tới 3 năm, phạt tiền lên tới 30 triệu won (hơn 500 triệu đồng) và bị hạn chế nhập cảnh vào Hàn Quốc.

Sự rốt ráo vào cuộc của chính quyền cấp xã cũng là một trong những giải pháp hiệu quả để địa phương đó không bị liệt vào danh sách dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, không vì tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp thấp mà các địa phương còn lại chủ quan. Bởi thực tế số lao động bỏ trốn khi hết hạn hợp đồng vẫn còn và lao động đi Hàn Quốc làm việc ngày càng đông. Nếu không làm kỹ khâu tuyển chọn và có biện pháp mạnh tay hơn thì nguy cơ bị cấm xuất khẩu lao động rất dễ xảy ra.

Hơn nữa, để các địa phương quản lý tốt hơn lao động đi làm việc ở nước ngoài, không riêng ở Hàn Quốc thì Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần thường xuyên gửi danh sách lao động không về nước đúng hạn cho địa phương rà soát. “Bởi thực tế, có nhiều lao động đã về nước nhưng vẫn trong danh sách do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lập, như vậy không công bằng”, chị Nguyễn Thị Dung, cán bộ lao động, thương binh, xã hội phường Tân Dân (Chí Linh) nói.

Cùng với đó, tỉnh có thể xem xét ban hành quy định lao động đi làm việc ở nước ngoài hay trở về địa phương buộc phải báo cáo với chính quyền sở tại. Có như vậy mới có thể quản lý nhân khẩu cũng như giám sát lao động làm việc ở nước ngoài tốt hơn.

THÀNH ANH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/lao-dong---viec-lam/khong-de-mat-thi-truong-xuat-khau-lao-dong-lon-han-quoc-231090