Không để nguồn nước bị mất an toàn

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong bảo vệ, giữ gìn, phát triển tài nguyên nước, an ninh nguồn nước của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ liên quan đến nguồn nước và chất lượng nguồn nước. Câu chuyện về sự cố ô nhiễm nước thô sông Đà vừa qua tiếp tục là hồi chuông cảnh báo về vấn đề an ninh nguồn nước, bảo đảm cấp nước an toàn, ổn định cho người dân.

Sự cố nhỏ cảnh báo nguy cơ lớn

Vào khoảng 18h ngày 21/9, tại khu vực suối Cun (xã Quang Tiến, thành phố Hòa Bình), xảy ra vụ tai nạn khiến xe tải mang BKS 29H-588.31 lật xuống lòng suối. Vụ việc không có thương vong về người nhưng khiến một lượng dầu máy của xe rò rỉ ra lòng suối, rồi về hồ Đầm Bài - nơi cung cấp nguồn nước thô cho Nhà máy nước sạch Sông Đà.

Đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước là vấn đề lớn, bởi tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt ngày càng phức tạp, khó kiểm soát.

Đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước là vấn đề lớn, bởi tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt ngày càng phức tạp, khó kiểm soát.

Sau khi phát hiện sự việc, lãnh đạo địa phương đã phối hợp với nhân viên của nhà máy nước dùng phao chặn suối, đồng thời lấy mẫu nước tại 3 vị trí là điểm xe bị lật, điểm giữa và điểm cuối gần khu vực nước chảy vào nhà máy. Sau vụ tai nạn, lực lượng chức năng phát hiện vết dầu loang nổi trên mặt nước, Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) đã kích hoạt phương án phòng ngừa xử lý sự cố, trong đó có việc tạm dừng cấp nước và bổ sung phao thấm dầu.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã mời Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam đến xử lý sự cố. Đồng thời, mời Viện Y học lao động và Công nghệ môi trường và Viện Hóa học công nghệ Việt Nam lấy mẫu, xét nghiệm nước. Đến 13h30 ngày 22/9, Nhà máy nước sạch Sông Đà đã vận hành cấp nước trở lại.

Hiện tại, theo quy hoạch, các nhà máy nước mặt chủ yếu sử dụng nước từ các con sông lớn như sông Đà, sông Hồng, sông Mê Kông, sông Đồng Nai... Đây là các dòng sông có thượng nguồn kéo dài qua nhiều địa phương, do đó, nguồn ô nhiễm, nguồn thải độc có cơ hội xâm nhập là rất lớn. Vì vậy trong quá trình khai thác cần phải đặc biệt lưu ý đến công tác đảm bảo an ninh nguồn nước, có những biện pháp phát hiện nhanh, cảnh báo sớm các nguy cơ gây ô nhiễm để có biện pháp xử lý kịp thời.

Trước đó vào tháng 10/2019, người dân nhiều quận, huyện của Hà Nội phát hiện nước sinh hoạt nhiễm dầu và nồng nặc mùi Clo (hóa chất làm sạch nguồn nước). Thành phố Hà Nội sau đó khuyến cáo người dân không ăn, uống nước này. Qua điều tra, cơ quan chức năng phát hiện có 2,5 tấn dầu thải bị đổ trộm vào đầu nguồn nước của Nhà máy nước sông Đà. Sự cố tạo ra cuộc khủng hoảng nước sạch ở phía tây Hà Nội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt của hơn 250.000 người dân.

Có thể nói, không chỉ thành phố Hà Nội gặp các nguy cơ về mất an ninh nguồn nước, mà hầu hết các đô thị lớn của nước ta như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Vinh đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh nguồn nước, thậm chí còn nghiêm trọng hơn do đa số đều ở cuối nguồn cấp.

Đơn cử như vào tháng 8/2019, nguồn nước thô của Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An bị ảnh hưởng do nước đục, khiến một số phường thuộc thành phố Vinh bị thiếu nước nhiều ngày. Cũng trong tháng 8/2019, nguồn nước thô của Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng bị ảnh hưởng do nước sông Cầu Đỏ nhiễm mặn, khiến hàng trăm hộ dân của quận Sơn Trà thiếu nước sạch. Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, với 95% nguồn nước là nước mặt từ hệ thống sông Sài Gòn và Đồng Nai, không còn cách nào khác các đơn vị cung ứng thường xuyên phải căng mình theo dõi chất lượng nguồn nước để có phương án ứng phó kịp thời.

Bài toán bảo vệ nguồn nước

Trên thực tế, mặc dù có hệ thống sông ngòi dày đặc, có nguồn tài nguyên nước mặt tương đối dồi dào, nhưng vì là quốc gia nằm về phía cuối của các con sông lớn, chảy qua địa phận nhiều nước nên Việt Nam có yếu tố bất lợi là lượng nước mặt phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước ngoại sinh. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam có 3.450 sông, suối, chiều dài từ 10km trở lên nằm trong 108 lưu vực với 331.000km2 lưu vực nằm trong lãnh thổ nước ta (chiếm 28,3% tổng diện tích của 108 lưu vực).

Ảnh minh họa.

Từ thực tế này, nhiều chuyên gia cho rằng, đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước là vấn đề lớn, bởi tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt ngày càng phức tạp, khó kiểm soát. Trao đổi với phóng viên, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho biết, sự cố nước sông Đà ô nhiễm, bộc lộ nhiều bất cập. “Sự cố nguồn nước thô là lời cảnh báo, bởi vì những nguồn nước mặt cung ứng cho đô thị lớn không phải lấy từ trên địa bàn thành phố mà phần lớn lấy từ địa danh khác”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, một số chuyên gia cho rằng, hiện nay chúng ta tập trung cấp nước theo ranh giới hành chính và chịu trách nhiệm theo ranh giới hành chính, trong khi đó chúng ta có hệ thống hạ tầng kỹ thuật mang tính vùng. Ví dụ, cung cấp nước cho người dân Hà Nội lại từ nguồn nước của tỉnh Hòa Bình.

Giải pháp nào để nguồn nước an toàn?

Theo dự báo của các nhà khoa học, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vấn đề khan hiếm nguồn nước ngầm sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn và đi kèm đó sự cạnh tranh nguồn nước cũng sẽ ngày càng khốc liệt hơn. Chính vì thế, bảo vệ an ninh nguồn nước là vấn đề vừa mang tính thời sự, vừa mang tính chiến lược với bất kỳ quốc gia nào.

Bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu; mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý. Chủ động tích trữ, điều hòa nguồn nước, khai thác, sử dụng hiệu quả đi đôi với bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; ứng phó hiệu quả với các thảm họa, thiên tai liên quan đến nước, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước.

Trích Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, hồ chứa

Ở nước ta hiện nay vấn đề an ninh nguồn nước cũng đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Thời gian qua đã có nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến an ninh nguồn nước quốc gia. Đối với các đô thị nói chung, thành phố Hà Nội nói riêng, nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho người dân được cung cấp bởi hai nguồn chính: Hệ thống Hồng, sông Đuống, sông Đà và nguồn nước khoan ngầm. Tuy nhiên, ngoài yếu tố mang tính vô tình hay bất khả kháng như tràn dầu ở nguồn nước sông Đà vừa qua thì hệ thống nguồn nước cung cấp cho người dân đứng trước nguy cơ ô nhiễm chính từ các nguồn: Xả thải nước sinh hoạt, xả thải nước công nghiệp do các nhà máy, xí nghiệp, thậm chí cả nguồn hóa chất ngấm từ hệ thống sân golf ra.

Do đó, để đảm bảo an ninh nguồn nước (sản lượng), bên cạnh việc khai thác hợp lý, khoa học, tránh sử dụng nước bừa bãi thì để nguồn nước không bị ô nhiễm, điều quan trọng phải áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong xử lý nguồn nước thải theo hướng nước xả thải ra môi trường (hệ thống sông, hồ) phải đảm bảo không có chất độc hại. Nghĩa là tất cả các nhà máy, xí nghiệp cơ sở sản xuất - kinh doanh phải có hệ thống xử lý nước thải. Tuyệt đối không được xả thải nước sinh hoạt, nước của các nhà máy, xí nghiệp… chưa qua xử lý ra môi trường. Rà soát quy trình, lượng hóa chất phục vụ cho việc xử lý hệ thống sân golf…

Cạnh đó, các cơ quan chức năng phải tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát cũng như cần có chế tài xử phạt nặng hơn với những cơ sở vi phạm pháp luật về môi trường. Trên bình diện an ninh, nên chăng chính quyền địa phương cần tăng cường lực lượng ứng trực (cả chính quy lẫn lực lượng dân phòng) một cách nghiêm ngặt tại hệ thống dẫn nước vào các nhà máy xử lý để không xảy ra sự cố vô tình hay cố tình làm ô nhiễm nguồn nước./.

Anh Tuấn

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/khong-de-nguon-nuoc-bi-mat-an-toan-146687.html