Không để nhân dân đứt bữa, đói cơm, không để xảy ra dịch bệnh

Chính phủ cấp 3.000 tấn gạo hỗ trợ người dân Quảng Bình Bộ Y tế đã chuẩn bị nhân lực, nguồn lực, ​cơ số thuốc, trang thiết bị y tế để hỗ trợ các tỉnh chịu thiệt hại do cơn bão số 10 gây ra

Trong các ngày15 - 16/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới Hà Tĩnh, Quảng Bình chỉ đạo công tác ứng phó hoàn lưu bão và khắc phục hậu quả cơn bão số 10. Đối phó với bão, ngành y tế các địa phương đã chủ động phòng chống bão, nỗ lực chăm sóc sức khỏe người bệnh và phòng chống dịch bệnh sau bão,...

Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các lực lượng nhanh chóng khắc phục hậu quả bão số 10. Ảnh: PV

Ngành y tế bảo đảm cơ số thuốc cần thiết, không để xảy ra dịch bệnh sau bão

Làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tại trụ sở UBND thị xã Kỳ Anh, Thủ tướng cho rằng bão số 10 đã gây thiệt hại lớn cho địa phương. Trong ứng phó bão số 10, hệ thống phòng chống thiên tai đã được phát huy, đặc biệt tinh thần “4 tại chỗ” đã thấm đến người dân và hệ thống chính trị. Công tác dự báo bão tương đối chính xác. Vai trò của truyền thông được phát huy, do đó, người dân đã tự giác nhận thức và hành động.

Thủ tướng thăm hỏi, động viên người dân bị thiệt hại do bão tại Hà Tĩnh.

Về một số công việc thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu: “Tinh thần là không được để nhân dân sống màn trời chiếu đất, đứt bữa, đói cơm lạt muối”. Thủ tướng nêu rõ: Không để xảy ra dịch bệnh. Chậm nhất trong 5 ngày nữa phải khôi phục, cấp lại điện hoàn toàn cho người dân, dọn dẹp xong môi trường. Phải nhanh chóng sửa chữa nhà cửa của người dân bị đổ, tốc mái. Khẩn trương khôi phục sản xuất. Bảo đảm an toàn các công trình hồ đập, vận hành hồ thủy điện cắt lũ cho hạ du; bảo đảm giao thông thông suốt.

Các lối đi hành lang của BVĐK thị xã Kỳ Anh bị hư hỏng nặng. Ảnh: CTV

Ngay sau bão, Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm tra, vận hành an toàn các hồ chứa thủy điện, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du. Bộ GTVT chỉ đạo khắc phục nhanh sự cố trên tuyến giao thông, bảo đảm thông suốt. Các ngành GTVT, điện lực có phương án hỗ trợ cho các địa phương thiệt hại nặng khôi phục hệ thống điện, giao thông. Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo bảo đảm an ninh trật tự cho người dân, không để tình hình phức tạp xảy ra. Ngành y tế bảo đảm cơ số thuốc cần thiết, tăng cường công tác phòng chống, không để xảy ra dịch bệnh sau bão...

Trước đó, Thủ tướng đã hủy hàng loạt cuộc làm việc tại các địa phương phía Nam để ra miền Trung thị sát hiện trường và làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình vào chiều tối 15/9 để chỉ đạo các biện pháp khắc phục hậu quả mưa bão, ứng phó với hoàn lưu bão.

Chuyển cơ số thuốc của Bộ Y tế hỗ trợ cho y tế huyện Kỳ Anh.

Đối với Quảng Bình, Thủ tướng đồng ý cấp 3.000 tấn gạo hỗ trợ người dân; đồng ý giao Bộ NN&PTNT kịp thời giải quyết giống lúa, rau màu cho Quảng Bình để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất. Giao Bộ NN&PTNT trình phương án xây dựng các công trình mà tỉnh Quảng Bình đề nghị như khu neo đậu tàu thuyền và nghiên cứu trung tâm cứu hộ, cứu nạn.

Nhanh chóng khắc phục hậu quả bão số 10 phục vụ bệnh nhân

Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế Hà Tĩnh, bão số 10 đã làm 10 bệnh viện bị thiệt hại nặng, trên 11.000m2 mái tôn, mái ngói bị bốc hoàn toàn; 180 cửa chính/cửa sổ bị hỏng, vỡ; hơn 300 cây xanh đường kính trên 20cm bị gãy đổ.

Dọn dẹp vệ sinh môi trường sau bão ở BV Phục hồi chức năng Nghệ An. Ảnh: CTV

Tháp tùng đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 10, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn đã báo cáo với đồng chí Thủ tướng và đoàn công tác: Bộ Y tế đã khẩn trương chuẩn bị nhân lực, nguồn lực: cơ số thuốc, trang thiết bị y tế để hỗ trợ các tỉnh chịu thiệt hại do cơn bão số 10 gây ra. Đặc biệt, hậu quả sau bão chính là ô nhiễm nguồn nước, môi trường, tránh để các dịch bệnh xảy ra. Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn đề nghị ngành y tế tỉnh Hà Tĩnh cần tập trung: Tổ chức quán triệt, chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai phòng chống bão theo kế hoạch, 4 tại chỗ; có phương án đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và nhân viên y tế; tổ chức trực cấp cứu, các đội lưu động sẵn sàng cấp cứu ngoại viện khi có yêu cầu. Chuẩn bị tốt phương tiện, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế đáp ứng đủ yêu cầu khám chữa bệnh và cấp cứu; các đơn vị y tế dự phòng chuẩn bị đáp ứng tốt công tác phòng chống dịch sau bão, có kế hoạch thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường sau bão; tổ chức lực lượng đoàn viên thanh niên giúp đỡ các bệnh viện làm vệ sinh, khắc phục hậu quả sau bão.

Ngay sau khi bão vừa tan, trong cơn gió mạnh gào thét, chiều tối 15/9, ông Lê Ngọc Châu - Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh kiêm Trưởng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn ngành y tế đã vào Kỳ Anh và đến kiểm tra công tác khám, điều trị cho bệnh nhân và tình hình thiệt hại do cơn bão số 10 gây ra tại Bệnh viện đa khoa Thị xã Kỳ Anh, đây là nơi chịu ảnh trực tiếp của cơn bão số 10.

Các lực lượng đang giúp người dân khắc phục hậu quả bão số 10.

Ghi nhận của CTV báo Sức khỏe&Đời sống, sau khi cơn bão đi qua, tất cả các mái nhà của các khoa phòng, nhà xe nhân viên, nhà đại thể, khu xử lý rác thải đều tốc hoàn toàn mái, hư hỏng nặng; cửa kính phía sau các nhà tầng 3, tầng 2 khu vực điều trị nội trú bị vỡ nên nước tạt vào hết các khu nhà; một số cửa chính, cửa sổ hư hỏng nặng; các khu vực điều trị cho bệnh nhân như khoa nội, sản, ngoại, nhi… đều bị ngập nước do gió giật mạnh làm vỡ cửa kính và hư hỏng một số cửa đi nên bệnh viện đã khẩn trương di dời bệnh nhân đến nơi khô ráo, an toàn. Nhiều cây cối trong khuôn viên bệnh viện bật gốc, gãy đổ, hệ thống dây điện, dây mạng internet bị đứt, gãy, biển bảng chỉ dẫn đã được gắn chặt vào các vị trí nhưng vẫn bị gió làm rơi, vỡ nhiều. Hệ thống cổng bảo vệ tự động bị hư hỏng hoàn toàn.

BS. Phan Thị Xuân Liễu - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thị xã Kỳ Anh cho biết: Trước khi bão vào, bệnh viện đã xây dựng kế hoạch ứng phó và triển khai tích cực các biện pháp phòng chống bão nhưng do cơn bão quá mạnh, thời gian cơn bão đi qua kéo dài nên thiệt hại hết sức nặng nề… Đến thời điểm 16h ngày 15/9, số bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện còn 290 bệnh nhân; đặc biệt, bệnh viện đã huy động xe cứu thương đi trong bão hỗ trợ cấp cứu cho 6 bệnh nhân từ nhà đến bệnh viện; mổ cấp cứu 3 sản phụ có vết mổ đẻ cũ dọa vỡ tử cung do đến muộn.

Trong bão có 196 giường bệnh tại các khoa bị ảnh hưởng do nước tạt không nằm được. Bệnh viện đã sơ tán bệnh nhân vào nơi khô ráo bằng cách kê giường nằm ghép. Khi bão vào và sau bão tiếp nhận gần 30 bệnh nhân đến điều trị, có 13 bệnh nhân bị thương do bão, mổ đẻ cấp cứu 3 ca. Không có ca tử vong do bão.

Phun rửa buồng bệnh sau bão tại BVĐK thị xã Kỳ Anh. Ảnh : Tuấn Dũng

Hệ thống y tế dự phòng và trạm y tế xã có 2 trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện và 65 trạm y tế xã bị tốc và sập mái; 2 trạm y tế bị hư hỏng trên 70%; 107 cánh cửa chính, cửa sổ bị hỏng, vỡ; trên 300 cây xanh lớn bị gãy đổ. Tổng trị giá thiệt hại trên 55 tỉ đồng.

Có mặt kiểm tra khắc phục thiệt hại sau bão tại Bệnh viện đa khoa Thị xã Kỳ Anh, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn động viên bệnh nhân yên tâm điều trị, đề nghị cán bộ y tế khắc phục khó khăn nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa bão, dọn dẹp các khoa phòng để điều trị cho bệnh nhân. Kiểm tra các công trình, hạng mục của bệnh viện bị hư hỏng sau bão số 10, đồng chí Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn chia sẻ với những thiệt hại của bệnh viện, cấn bộ y tế cố gắng nỗ lực vượt qua khó khăn để nhanh chóng tổ chức tốt công tác chăm sóc, điều trị cho người bệnh. Thứ trưởng cũng sẽ báo cáo lại với Bộ để có phương án hỗ trợ cho bệnh viện trong thời gian tới.

Sở Y tế Hà Tĩnh đã điều động lực lượng gần 50 cán bộ từ các đơn vị trong ngành như: Trung tâm YTDP tỉnh, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đông y… vào hỗ trợ Bệnh viện đa khoa Thị xã Kỳ Anh vệ sinh các phòng bệnh, thu gom rác thải, trồng lại cây xanh… với mục tiêu tập trung giúp đỡ, hỗ trợ bệnh viện nhanh chóng khắc phục hậu quả bão số 10.

Tại Quảng Bình, theo tin từ CTV báo Sức khỏe&Đời sống, trong hai ngày 15 và 16/9/2017, BVĐK khu vực Bắc Quảng Bình đã tiếp nhận và điều trị cho 19 bệnh nhân là nạn nhân của cơn bão số 10. Đa số các bệnh nhân đều bị các chấn thương ở tay, chân, một số bị đa chấn thương do ngã trong quá trình chặt cây, chằng chống nhà cửa để chống bão.

BS. Nguyễn Viết Thái - Phó Giám đốc BVĐK khu vực Bắc Quảng Bình cho biết: Đơn vị tích cực triển khai công tác cấp cứu điều trị, tập trung mọi nguồn lực để chăm sóc, điều trị tốt nhất cho các nạn nhân. Qua theo dõi, các nạn nhân đều có tiến triển tốt, sức khỏe dần ổn định, một số người đã có thể xuất viện. Cùng với việc cấp cứu người bị tai nạn do bão, Bệnh viện còn thực hiện tốt các hoạt động chăm sóc, điều trị cho 350 bệnh nhân, trong đó có nhiều trường hợp phải phẫu thuật.

Bệnh viện còn hỗ trợ bữa ăn miễn phí cho nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, đồng thời xây dựng các phương án cụ thể, tăng cường cán bộ trực để triển khai có hiệu quả các hoạt động thu dung, cấp cứu người bệnh và sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu.

Ông Nguyễn Xuân Đạt - Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, Quảng Bình cho biết, trước mắt, huyện tập trung chỉ đạo các địa phương cho người dân dọn dẹp vệ sinh, tập trung xử lý môi trường, phun thuốc khử trùng tránh để xảy ra dịch bệnh. Huyện cũng chỉ đạo các địa phương nhanh chóng thống kê các địa bàn bị thiệt hại để có hướng hỗ trợ, kiên quyết không để dân bị thiếu đói.

Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng, chống dịch bệnh sau bão số 10

Về phía Bộ Y tế, cùng với liên tiếp có 3 công điện khẩn gửi ngành y tế các tỉnh trong vùng bị ảnh hưởng bão số 10 chủ động chuẩn bị mọi điều kiện đảm bảo công tác y tế trong điều kiện bão lũ, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Cục Y tế dự phòng cũng có các văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc hệ khám chữa bệnh và dự phòng ở các tỉnh trong khu vực. Theo đó, tại công văn gửi ngành y tế các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão số 10, Cục Y tế dự phòng đã đề nghị chủ động triển khai các phương án ứng phó về y tế và công tác phòng chống dịch bệnh, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường trong và sau bão, lụt. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng bị ngập lụt triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác súc vật chết và các biện pháp vệ sinh khác theo các khuyến cáo về các biện pháp phòng chống dịch bệnh sau bão lụt của ngành y tế…

Trung Dũng - Ngọc Nguyễn

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/khong-de-nhan-dan-dut-bua-doi-com-khong-de-xay-ra-dich-benh-n136340.html