Không để nông dân thiệt hại vì phân bón kém chất lượng

Thời gian gần đây, không chỉ giá tăng cao mà chất lượng các loại phân bón cũng có nhiều vấn đề gây lo lắng cho người nông dân. Để tránh ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp và thiệt hại cho nông dân, ngành Nông nghiệp tỉnh đang phối hợp với lực lượng có liên quan và các địa phương siết chặt công tác quản lý, tăng cường kiểm soát các loại phân bón trên thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.

Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra, lấy mẫu phân bón tại một cửa hàng để gửi đi kiểm định chất lượng.

Phát hiện nhiều mẫu phân bón không đảm bảo chất lượng

Liên tục từ năm 2020 - 2022, giá phân bón trong nước tăng mạnh, có sản phẩm khi tới tay nông dân vượt mức 1,2 triệu đồng/bao 50 kg. So với năm 2019, giá phân bón tăng từ 50 - 70%. Bước sang năm 2023, giá có phần hạ nhiệt, nhưng chủ yếu là mặt hàng phân đạm, còn ở các nhóm khác như lân, kali… vẫn giữ mức khá cao. Việc giá phân bón tăng cao đã khiến nhiều đối tượng lợi dụng sản xuất, đưa vào thị trường các loại phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Hậu quả là người nông dân rơi vào tình cảnh thiệt hại "kép", vừa phải chịu tác động từ việc giá phân bón tăng cao, vừa phải đối mặt với nạn phân bón giả làm cây trồng bị sụt giảm năng suất, đất đai bị thoái hóa.

Ông Dương Văn Mừng (xã Quang Sơn, thành phố Tam Điệp) bộc bạch: Nông dân chúng tôi rất khó phân biệt được đâu là phân bón thật, đâu là phân bón giả. Chỉ đến khi sử dụng một thời gian, thấy không hiệu quả thì mới biết hàng giả, hàng thật. Tuy nhiên, khi ấy cũng không có chứng cớ gì để yêu cầu bồi thường...

Trên địa bàn tỉnh hiện có 10 công ty, nhà máy sản xuất phân bón và 466 cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phân bón (trong đó có 463/466 cơ sở hoạt động). Mặc dù hàng năm, các cơ quan chuyên ngành, lực lượng chức năng đều triển khai các đợt thanh tra, kiểm tra đối với mặt hàng phân bón, tuy nhiên, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, hết hạn sử dụng vẫn tồn tại trên thị trường.

Điển hình như những tháng đầu năm 2023, Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đã thanh tra, kiểm tra 58 cơ sở kinh doanh phân bón. Ngoài việc kiểm tra hồ sơ, giấy phép kinh doanh, hợp đồng, hóa đơn mua bán hàng hóa..., các đơn vị còn lấy 17 mẫu phân bón đang kinh doanh tại cơ sở để kiểm tra chất lượng. Kết quả đã phát hiện 10/17 mẫu không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón (QCVN 01-189: 2019/BNNPTNT). Các đoàn thanh tra đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 2 tổ chức, 3 cá nhân với số tiền gần 70 triệu đồng.

Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm

Ông Nguyễn Văn Tuyên, Chánh Thanh tra (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Để nông dân không bị thiệt hại kép, 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực phân bón được tập trung, quyết liệt hơn. Kết quả đã phát hiện nhiều sai phạm, trong đó có 2 tổ chức, 3 cá nhân đã bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là gần 70 triệu đồng.

Qua đó, đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón. Đồng thời, bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính, tạo sự cạnh tranh công bằng, lành mạnh.

Tuy nhiên, khó khăn, bất cập trong công tác thanh, kiểm tra chất lượng phân bón hiện nay là số lượng cơ sở kinh doanh phân bón lớn và chủ yếu dưới dạng nhỏ lẻ trong khi lực lượng thanh tra mỏng, kinh phí thực hiện lấy mẫu kiểm định để phục vụ xử lý vi phạm còn hạn chế. Hơn nữa, khâu kiểm nghiệm mất rất nhiều thời gian. Do vậy, việc xử phạt đối với những trường hợp vi phạm bị chậm, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng nếu trong khi chờ xử lý, những mặt hàng không bảo đảm chất lượng vẫn lưu thông trên thị trường.

Để tiếp tục chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực này, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường tuyên truyền, tập huấn kiến thức về phân bón nhằm nâng cao nhận thức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người sử dụng phân bón trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Thanh tra Sở phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan tiếp tục thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là tăng cường các cuộc tranh tra đột xuất. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác kiểm tra chất lượng thông qua việc lấy mẫu để giám định, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bên cạnh nỗ lực của ngành Nông nghiệp, các địa phương cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức trong việc chọn lựa phân bón phù hợp, đúng loại cây trồng, đúng liều lượng, đúng cách, đúng thời điểm, tuân thủ hướng dẫn sử dụng. Tích cực đấu tranh phòng, chống, tố giác tội phạm, lên án các hành vi buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, nếu có nghi vấn về các trường hợp sản xuất, buôn bán phân bón giả, kém chất lượng cần liên hệ với cơ quan chuyên môn gần nhất để kịp thời điều tra, xác minh.

Bài, ảnh: Nguyễn Lựu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/khong-de-nong-dan-thiet-hai-vi-phan-bon-kem-chat-luong/d20230605074421111.htm