Không để phát sinh điểm nóng trung chuyển hàng nhập lậu, hàng giả

Hiện các lực lượng chức năng An Giang đang tập trung lực lượng triển khai nhiều biện pháp thực hiện cao điểm đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết.

Lực lượng chức năng An Giang kiểm đếm hàng hóa không rõ nguồn gốc. (Ảnh: TTXVN phát)

Lực lượng chức năng An Giang kiểm đếm hàng hóa không rõ nguồn gốc. (Ảnh: TTXVN phát)

Dịp Tết Nguyên đán 2023 đến gần, dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn An Giang sẽ rất phức tạp do nhu cầu tiêu dùng tăng cao.

Hiện các lực lượng chức năng An Giang đang tập trung lực lượng triển khai nhiều biện pháp thực hiện cao điểm đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 cả trên tuyến biên giới và nội địa.

An Giang có chiều dài biên giới giáp Campuchia gần 100km, có 5 địa phương giáp biên giới.

Trong những tháng cuối năm, lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao, sự chênh lệch giá nên các đối tượng luôn tìm cách tuồn hàng hóa nhập lậu từ biên giới vào nội địa để tiêu thụ, thu lợi bất chính.

Thời gian qua, trên tuyến biên giới An Giang, các lực lượng chức năng An Giang như công an, bộ đội biên phòng, hải quan, quản lý thị trường... đã phối hợp tuần tra, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện và hàng hóa qua biên giới.

Các đầu nậu buôn lậu, hàng giả trên địa bàn tỉnh An Giang liên tiếp bị lực lượng chức năng triệt xóa. Từ đó, tình hình vận chuyển, đai vác hàng hóa nhập lậu trên địa bàn giảm đi đáng kể; trong đó, các kho hàng, điểm nóng, nổi cộm về buôn lậu hầu như không còn hoạt động.

Tuy nhiên, do biên giới dài, bằng phẳng và nhiều kênh rạch, đường mòn qua lại... cùng với nhu cầu tiêu thụ cao nên các đối tượng vẫn còn lén lút để vận chuyển hàng lậu nhỏ lẻ qua biên giới.

Trong nội địa, lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, xử lý các trường hợp kinh doanh hàng hóa nhập lậu được bày bán chung với hàng hóa hợp pháp khác.

Đồng thời phối hợp chặt với các ngành chức năng địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, ngăn chặn kịp thời tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Năm 2022, Cục Quản lý thị trường An Giang kiểm tra 1.325 vụ, tăng 15,1% so với năm ngoái; số vụ vi phạm 543 vụ, chiếm tỷ lệ 40,9%.

Trị giá hàng hóa vi phạm trên 8,3 tỷ đồng. Cục Quản lý thị trường đã xử lý 552 vụ, chuyển cơ quan điều tra 7 vụ...

Các hành vi vi phạm trên thị trường An Giang chủ yếu như kinh doanh hàng hóa nhập lậu, bày bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa giả chất lượng, chất lượng không đạt quy chuẩn...

Các đối tượng vi phạm thường là những hộ kinh doanh cá thể, hàng hóa vi phạm số lượng ít, mang tính chất nhỏ lẻ, nhận thức về pháp luật còn hạn chế.

Trong năm 2022, qua kiểm tra đột xuất và kiểm tra theo kế hoạch, Cục Quản lý thị trường An Giang cũng phát hiện và xử lý nhiều vụ việc phân bón không đạt chất lượng, phân bón giả giá trị sử dụng... với các hành vi vi vận chuyển, buôn bán.

Lực lượng Quản lý thị trường đã chuyển 1 vụ sang Cơ quan cảnh sát điều tra để truy tố.

Riêng lĩnh vực xăng dầu, thời điểm khủng hoảng nguồn cung vừa qua, địa bàn tỉnh An Giang hầu như không biến động lớn.

Lực lượng Quản lý thị trường đã lập đoàn kiểm tra theo chuyên đề 7 vụ đều không có vi phạm.

Chỉ khi kiểm tra đột xuất 3 vụ phát hiện và xử lý 2 vụ vi phạm nhưng với hành vi ghi không đúng tên thương nhân đầu mối, sử dụng quản lý người trực tiếp bán hàng không có giấy chứng nhận huấn luyện phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường.

Nhằm đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ông Huỳnh Ngọc Hồ, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường An Giang, cho biết lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với hàng hóa là những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giầy dép, bánh kẹo, đường cát, hoa quả, rượu bia, thuốc lá, xì gà, nước giải khát, động vật và sản phẩm chế biển từ động vật...

Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong vận chuyển, buôn bán pháo nổ, pháo hoa các loại.

Theo ông Hồ, hiện các Đội Quản lý thị trường tăng cường quản lý địa bàn, nắm chắt tình hình, phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu tại các tuyến, địa bàn; phối hợp chặt chẽ cùng lực lượng công an, hải quan, biên phòng... đấu tranh ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các kho bãi, điểm tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, kho chứa hàng đông lạnh; các đơn vị nhập khẩu kinh doanh thực phẩm đông lạnh; các cơ sở sản xuất-kinh doanh thực phẩm, các tuyến đường bộ,... nhất là các địa bàn trọng điểm khu vực biên giới.

Dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán 2023, các đối tượng buôn lậu tiếp tục đẩy mạnh hoạt động trên tuyến biên giới nhằm đưa hàng lậu vào sâu nội địa để tiêu thụ.

Lực lượng quản lý thị trường An Giang sẽ giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm góp phần đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.

Để thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh, chống buôn lậu trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang cho biết đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức, xây dựng các phương án, kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, không để phát sinh điểm nóng, kho, bãi, điểm tập kết, trung chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả... trên địa bàn quản lý.

Ông Bình cũng yêu cầu các lực lượng chức năng xử lý kịp thời, công khai, nghiêm minh những tập thể, cá nhân tiếp tay, bao che, bảo kê hoặc tham gia hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại. Trong đó, Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường nắm tình hình, xây dựng kế hoạch đấu tranh, triệt phá các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là đối với các mặt hàng xăng dầu, vàng, ngoại tệ, thuốc lá, đường cát, phân bón... và các loại hàng cấm, hàng hóa gian lận xuất xứ.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cũng yêu cầu các lực lượng chức năng chủ động nắm tình hình, đẩy mạnh điều tra địa bàn, đối tượng, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu phục vụ cho công tác đấu tranh, phá án; ứng dụng hiệu quả khoa học-công nghệ phục vụ cho công tác nghiệp vụ, cũng như xử lý kịp thời các tin báo của nhân dân...

Qua đó, góp phần đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất-kinh doanh, xuất, nhập khẩu, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp và người tiêu dùng./.

Thanh Sang (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/khong-de-phat-sinh-diem-nong-trung-chuyen-hang-nhap-lau-hang-gia/839410.vnp