Không dễ quan sát được khu vực kinh tế chưa được quan sát

Ngày 7-9-2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1121/QQĐ-TTg ban hành Kế hoạch xây dựng đề án thống kê khu vực kinh tế chưa quan sát được.

Trong thuật ngữ của hệ thống các tài khoản quốc gia (SNA), khu vực kinh tế này của nền kinh tế được gọi là “Khu vực kinh tế chưa được quan sát (Non Observed Economy - viết tắt là NOE). Thống kê tài khoản quốc gia của Việt Nam đã có những nghiên cứu đầu tiên về khu vực kinh tế chưa được quan sát vào những năm 2000, sau đó Viện Khoa học thống kê đề cập đến nó trong hội thảo “Thị trường lao động và kinh tế phi chính thức ở Việt Nam trong cuộc khủng hoảng và phục hồi: minh chứng và thách thức mới” tổ chức năm 2010. Cho tới bây giờ, đã có nhiều hội thảo quốc tế do UN, UNESCAP, OECD, ADB tổ chức hoặc đồng tổ chức với các nước trên thế giới về vấn đề này nhằm “đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát”. Các nước tham dự đã thảo luận và đi đến thống nhất một cách tương đối về định nghĩa, phạm vi và nội dung tính toán các hoạt động thuộc “khu vực kinh tế chưa được quan sát”.

Nhìn chung, các khái niệm cơ bản và phương pháp tính dựa vào tài liệu do OECD xuất bản năm 2002 và Hệ thống tài khoản quốc gia phiên bản 2008 (SNA, 2008) đã dành riêng chương 25 để nói về khu vực kinh tế chưa được quan sát.

Theo đó, khu vực kinh tế chưa được quan sát bao gồm:

1. Hoạt động sản xuất ngầm (Underground production)

Là hoạt động sản xuất hợp pháp nhưng có chủ ý giấu giếm các cơ quan chức năng để giảm thuế phải nộp hoặc giảm đóng góp cho bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật, hoặc trốn tránh việc đăng ký, ghi chép vào các điều tra hành chính hoặc các bảng hỏi thống kê. Ngoài thuật ngữ “sản xuất ngầm”, một số nước sử dụng các thuật ngữ khác để chỉ hoạt động loại này như “hoạt động bị giấu giếm”, “nền kinh tế bị che đậy”, “nền kinh tế đen”...

2. Sản xuất bất hợp pháp (Illegal production)

Là các hoạt động sản xuất tạo ra các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ bị luật pháp cấm hoặc sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trở thành bất hợp pháp do các nhà sản xuất không hợp pháp sản xuất ra. Nhóm này bao gồm các đơn vị sản xuất không đăng ký kinh doanh và cả những đơn vị có đăng ký kinh doanh các ngành nghề hợp pháp nhưng không kinh doanh đúng với hoạt động đã đăng ký.

3. Khu vực sản xuất không định hình (Informal sector)

Là các hoạt động sản xuất hợp pháp nhưng với trình độ tổ chức sản xuất ở mức thấp, không có tư cách pháp nhân, không có đăng ký kinh doanh, sản phẩm sản xuất ra có thể đem bán trên thị trường. Đó là đặc điểm của các đơn vị sản xuất hàng hóa và dịch vụ nhỏ trong khu vực hộ gia đình.

4. Sản xuất của hộ gia đình mang tính chất tự sản tự tiêu:

Là các hoạt động sản xuất của hộ gia đình tạo ra sản phẩm để tự tiêu dùng.

5. Các hoạt động chưa được quan sát khác (Other Non Observed Economy activities)

Bao gồm các hoạt động khác chưa được quan sát vì nhiều lý do khác nhau và thường phổ biến ở các nước có nền kinh tế chuyển đổi.

Từ khái niệm cơ bản về khu vực kinh tế chưa được quan sát nói trên, có thể thấy việc phán đoán quy mô của khu vực kinh tế này, như phán đoán nó chiếm khoảng 40% GDP, là... không có bằng chứng. Nó có thể cao hơn, có thể thấp hơn nhưng khi đưa ra con số kiểu này cần phải có bằng chứng, phải có điều tra và nghiên cứu nghiêm túc.

Năm 2012, cơ quan thống kê Úc đã điều tra, đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát và điều chỉnh quy mô GDP tăng khoảng 3% so với số đã công bố; Mexico đã điều tra, đo lường khu vực này và điều chỉnh quy mô GDP tăng khoảng 11% so với số đã công bố. Một số quốc gia phát triển cũng tiến hành đo lường khu vực kinh tế này nhưng không tính vào GDP.

Việc đo lường khu vực kinh tế này là không hề dễ dàng. Hiện nay, hầu như tất cả các nước trên thế giới đều tồn tại nền kinh tế chưa quan sát được. Song, ngay cả ở những nước có nền quản trị tốt, tính minh bạch cao cũng rất khó khăn và không thể định lượng chính xác được khu vực kinh tế này.

Theo sự hiểu biết của người viết thì đề án thống kê khu vực kinh tế chưa quan sát được nói trên cơ bản rà soát lại khái niệm 3, 4, 5 dựa trên cơ sở của cuộc điều tra nông nghiệp nông thôn và điều tra về cơ sở kinh tế.

Đến nay khu vực kinh tế ngầm (1) và khu vực kinh tế phi pháp (2) là không thể tính toán thống kê, vì không một cơ quan, tổ chức nào thừa nhận sự tồn tại của nó, khi những hoạt động đó thuộc về một bộ, ngành, địa phương cụ thể nào đó. Nói kinh tế ngầm, kinh tế phi pháp chung chung thì không sao vì không ảnh hưởng đến ai, nhưng nói nó là cái gì, ở đâu thì lại là một điều gì đó “nhạy cảm” và các tổ chức, cá nhân liên quan sẽ mạnh mẽ phủ nhận sự tồn tại của kinh tế ngầm, kinh tế phi pháp. Đến nay Tổng cục Thống kê (TCTK) cũng không coi các hoạt động phi pháp như mại dâm, cờ bạc... thuộc phạm trù sản xuất. TCTK chỉ có thể thực hiện khi cơ quan có thẩm quyền cao hơn thừa nhận.

Giả thiết rằng Việt Nam có hai nền kinh tế: nền kinh tế quan sát được và nền kinh tế chưa quan sát được. Theo thông tin trên phương tiện truyền thông, như vụ phát hiện đường dây mại dâm mới đây, tâm điểm của sự chú ý nằm ở mức giá khủng khiếp “được khai báo”: 7.000-25.000 đô la Mỹ/lượt/giờ bán dâm; hay trước đó, là số tiền ngàn tỉ đồng mà tổ chức đánh bạc, rửa tiền do Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam cầm đầu thu lợi bất chính.

Trong khi đó, theo số liệu của TCTK, thu nhập từ sản xuất bình quân toàn nền kinh tế chỉ bằng hơn 90% tiêu dùng cuối cùng. Điều này cho thấy dường như khu vực kinh tế chưa được quan sát đang phát triển mạnh hơn khu vực kinh tế có thể quan sát được.

Bùi Trinh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279605/khong-de-quan-sat-duoc-khu-vuc-kinh-te-chua-duoc-quan-sat-.html