Không dễ tạo dựng thương hiệu nghệ thuật

Hà Nội là mảnh đất hội tụ nhiều giá trị văn hóa, thế nhưng, trong khi đời sống thay đổi, thì cách thức và địa điểm để tổ chức các chương trình nghệ thuật vẫn ít thay đổi. Một số không gian sáng tạo đã xuất hiện tuy vậy chưa thực sự hấp dẫn. Nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội cần có những chiến lược để phát triển thương hiệu nghệ thuật cho mảnh đất ngàn văn vật này.

Nhiều người thích thú với “không gian mới”: phố bích họa Phùng Hưng.

Nhiều nỗ lực

Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều nỗ lực để gây dựng những địa điểm, chương trình nghệ thuật nhằm đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển, cũng như tạo thêm cho người dân và du khách những điểm đến. Tiêu biểu là khu phố đi bộ Hồ Gươm. Thành công ban đầu đưa đến cho nhiều người cái nhìn lạc quan về không gian nghệ thuật của Hà Nội. Tiếp đó, dự án nghệ thuật phố bích họa Phùng Hưng đưa vào hoạt động cũng bước đầu mở ra thêm cho Hà Nội một “nơi hò hẹn” mới.

Mới đây, tour du lịch khám phá Hà Nội mang tên “Bonbon Hà Nội” (hay còn gọi là Bonbon City Tour) chính thức đi vào hoạt động từ ngày 14/11. Đây là nét mới trong các sản phẩm du lịch Thủ đô, đưa du khách đến những trải nghiệm thật và gần nhất với lịch sử và văn hóa Hà Nội.

Theo đó, hình thức du lịch này hoạt động từ 9h đến 17h mỗi ngày, mỗi chuyến chở 22 người, cách nhau 30 đến 35 phút. Lộ trình của Bonbon City Tour gồm 9 điểm dừng: Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Văn Miếu, cầu Long Biên, chùa Trấn Quốc, chùa Hòe Nhai.

Trên mỗi xe, được gia công và trang trí theo phong cách Hà Nội xưa, du khách được trang bị ứng dụng di động riêng chứa các thông tin du lịch, nội dung đặc sắc của điểm dừng qua hệ thống audio với 5 thứ tiếng (Việt, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc) và các địa điểm du lịch xung quanh…

Tháng 12 tới, quận Hoàn Kiếm cũng tiếp tục thí điểm đục thông 6 vòm cầu đá đoạn từ phố Hàng Cót đến phố Hàng Giấy (thuộc phố Gầm Cầu) làm cơ sở cho việc triển khai xây dựng không gian văn hóa, thương mại, du lịch khu vực 131 vòm cầu dẫn lên cầu Long Biên. Dù chỉ là bước đi đầu tiên, nhiều người vẫn kỳ vọng khu phố cổ Hà Nội có thêm diện mạo mới, xóa đi những khu vực nhếch nhác không đáng có, bảo tồn được đặc trưng văn hóa tại đây.

Trong lĩnh vực biểu diễn, người ta cũng có thể thấy sự xoay chuyển khi Nhà hát Tuổi trẻ chính thức ra mắt bộ nhận diện thương hiệu (logo) mới nhằm đánh dấu giai đoạn trưởng thành sau 40 năm cống hiến của một trong những đơn vị nghệ thuật năng động và giàu sức sáng tạo nhất trên cả nước. Diện mạo mới này được kỳ vọng sẽ tiếp thêm động lực cho các nghệ sĩ Nhà hát trên hành trình mang nghệ thuật đến gần hơn với công chúng cả nước, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay.

Như vậy, song song với chiến lược tìm tòi, ứng dụng công nghệ để tiếp cận khán giả một cách hiệu quả, thân thiện thông qua các kênh thông tin quảng bá như mạng xã hội Facebook, Youtube, Instagram…

Nhà hát Tuổi trẻ đã cho ra mắt hệ thống bán vé trực tuyến của riêng mình tại địa chỉ: www.datve.nhahattuoitre.vn nhằm cung cấp cho khán giả yêu sân khấu một phương thức mua vé thân thiện thuận tiện, hoạt động 24/7 và liên tục cập nhật lịch diễn các chương trình mới đáp ứng nhu cầu của khán giả trên không gian mạng internet.

Cảnh trong chương trình “Hà Nội, ngày... tháng... năm... - Những thanh xuân rực rỡ”.

Cần lựa sức, tránh lãng phí

Có thể nhận thấy rõ sự thay đổi, chuyển mình của nhiều đơn vị nghệ thuật cũng như một số cá nhân trong việc tạo dựng thêm những thương hiệu nghệ thuật cho Thủ đô, nhưng quả thực, đây là việc làm không dễ. Nhạc sĩ Quốc Trung cũng đau đáu với Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa (Monsoon Music Festival) từng gây ấn tượng mấy năm trước.

Còn mới đây, nhạc sĩ trẻ Dương Cầm cùng Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long dành nhiều tâm huyết với vở nhạc kịch “Hà Nội, ngày… tháng… năm - Những thanh xuân rực rỡ”. Đây là vở diễn đoạt giải Vàng tại Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2018. Theo nhạc sĩ Dương Cầm - Giám đốc âm nhạc của vở nhạc kịch, qua việc xây dựng kịch bản chương trình “Hà Nội, ngày… tháng… năm...” như một vở nhạc kịch “broadway” chứ không phải là một show ca nhạc như thường thấy chúng tôi muốn mang đến cho khán giả Thủ đô một cái gì đó khác lạ.

Chương trình giống như thể loại kịch hát, ở đó các nghệ sĩ không chỉ hát mà họ còn biểu diễn kết hợp với múa và diễn xuất. Cũng theo vị nhạc sĩ này, dù gặp nhiều khó khăn nhất là bài toán tự chủ nghệ thuật được đặt ra buộc mỗi người phải tư duy, vận động và không ngừng đổi mới sáng tạo để hấp dẫn khán giả, nhưng mục tiêu của Ban lãnh đạo Nhà hát và các nghệ sĩ trong các đoàn đặt ra là, cố gắng mỗi quý phải ra mắt được một sản phẩm nghệ thuật mới, đáp ứng được chất lượng nghệ thuật, hấp dẫn khán giả.

“Dần dần, chúng tôi sẽ rút ngắn quãng thời gian sản xuất chương trình để tiến tới Nhà hát có riêng 1 địa điểm sáng đèn hàng tuần phục vụ khán giả Thủ đô và khách du lịch đến Hà Nội”- Dương Cầm chia sẻ và cho biết thêm: “Từ lâu, chúng tôi đã nung nấu việc phải thực hiện một thương hiệu nghệ thuật đậm chất Hà Nội, tạo dựng một địa chỉ văn hóa đáng tin cậy, bảo đảm cả yếu tố nghệ thuật lẫn đáp ứng thị hiếu khán giả. Hiện giờ, chúng tôi đang trên con đường thực hiện ước mơ đó với những sản phẩm đã được hình thành và giới thiệu đến công chúng”.

Nuôi dưỡng khát vọng làm nghệ thuật đích thực cần được cổ vũ. Khai thác các tiềm năng du lịch – văn hóa của Hà Nội để tạo thành những thương hiệu mới cũng rất đáng cổ vũ. Nhưng một số chuyên gia văn hóa cũng lưu ý, cần quan tâm đến nhiều yếu tố, và quan trọng là biết lựa sức, lựa lực của mình. Càng không nên “dẫm chân lên nhau” hay cạnh tranh thiếu lành mạnh, thậm chí xảy ra những tranh chấp về bản quyền…

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu kỹ các đối tượng hướng tới, có chiến lược truyền thông bài bản để ngay từ khi ra mắt đã gây được lòng tin. Tour dạo quanh thành phố bằng xe bus 2 tầng được đưa vào sử dụng cách đây ít lâu nhưng có những lúc chỉ chở dăm vị khách là một ví dụ, và cần phải có những lời giải thích đáng, tránh lãng phí.

Huy Trần

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/khong-de-tao-dung-thuong-hieu-nghe-thuat-tintuc423019