Không để thất thoát đất công

Đồng Nai có diện tích đất công khá lớn lên đến gần 29,1 ngàn thửa đất công, với diện tích trên 13,1 ngàn ha đang được các địa phương trên địa bàn tỉnh quản lý, sử dụng. Trong đó, gồm có đất nông nghiệp và phi nông nghiệp được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như: sản xuất nông nghiệp, đất ở, trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp, sản xuất kinh doanh, sông, ngòi, kênh, rạch… Có diện tích đất do các địa phương trực tiếp quản lý sử dụng, song cũng có nhiều thửa đất cho thuê, cho mượn hoặc bị tranh chấp, lấn chiếm.

Những năm gần đây, tỉnh đã cho rà soát và yêu cầu cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để quản lý chặt hơn, tránh thất thoát đất công và tài sản trên đất; đồng thời, ngăn chặn được việc sử dụng đất công sai mục đích.

Tuy nhiên, do những năm trước đây, việc quản lý đất công còn lỏng lẻo đã dẫn đến hệ lụy là có gần 1,3 ngàn thửa đất công với diện tích gần 826ha bị lấn, chiếm và gần 100 thửa đất với hơn 46ha bị tranh chấp. Tình trạng này kéo dài nhiều năm nhưng các địa phương chưa có giải pháp xử lý dứt điểm nên nguy cơ bị thất thoát đất công khá cao.

Do đó, các địa phương cần làm rõ nguồn gốc của những thửa đất công đang bị tranh chấp, lấn chiếm để từ đó, căn cứ vào Luật Đất đai và những nghị định, thông tư liên quan đến đất công để xử lý cho phù hợp.

Ngoài đất công do các địa phương quản lý thì toàn tỉnh hiện có hơn 48 ngàn thửa đất có diện tích gần 242 ngàn ha thuộc 28 nông, lâm trường quản lý, sử dụng. Những diện tích đất trên cũng là đất công cần các đơn vị phối hợp với các địa phương, sở, ngành thực hiện việc đo đạc, cắm mốc và kê khai, đăng ký đất đai theo quy định. Từ đó, triển khai đồng bộ các giải pháp để quản lý, khai thác hiệu quả đất công. Nếu thực hiện nhanh những khâu trên sẽ giảm bớt được việc tranh chấp hoặc lấn chiếm đất đai.

Vừa qua, khi làm việc với các sở ngành, địa phương về quản lý, sử dụng đất công, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi yêu cầu, các sở, ngành phối hợp cùng địa phương rà soát kỹ từng thửa đất công và thực hiện đúng theo quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Những thửa đất công đã hết thời hạn cho thuê nếu không phù hợp quy hoạch thì thu hồi để xây dựng các công trình công cộng hoặc tiến hành đấu giá, lấy tiền đầu tư các công trình hạ tầng giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Một vấn đề được dư luận quan tâm là quá trình cổ phần, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước có sử dụng đất công cần rõ ràng, tránh nhập nhằng trong định giá đất công gây thất thoát, thiệt hại cho Nhà nước. Bên cạnh đó, theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, quá trình Nhà nước giao, cho thuê đất công với doanh nghiệp vẫn còn tồn tại một số hạn chế và chứa đựng nhiều rủi ro tham nhũng. Cụ thể là tiền cho thuê đất và tiền sử dụng đất thường thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Do đó, quá trình giao, cho thuê, đấu giá đất công cần công khai, minh bạch và có đơn vị giám sát.

U.N

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chuyenmuc/thoidam/202208/khong-de-that-thoat-dat-cong-3132280/