Không để 'trên nóng, dưới lạnh'

Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 về tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023. Một trong những yêu cầu cụ thể nêu trong kế hoạch là kiên quyết xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép để làm nơi buôn bán, trông giữ phương tiện, trả lại nguyên trạng hè phố với phương châm 'giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ'. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện phải bảo đảm toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo, 'làm đến đâu dứt điểm đến đó'…

Yêu cầu trên hoàn toàn không mới và là trách nhiệm giải quyết hằng ngày của chính quyền cơ sở, nhất là ở khu vực các quận trung tâm có “kinh tế vỉa hè” sôi động. Ấy thế nhưng việc “giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ” cứ nhùng nhằng từ năm này qua năm khác, cứ ra quân thì gọn ghẽ xong rồi “đâu lại vào đấy”. Bởi không nói đâu xa, ở không ít tuyến phố trung tâm của quận Hoàn Kiếm, bàn ghế còn bày ra lòng đường để kinh doanh, nói gì đến vỉa hè…

Chúng ta đều biết, ẩm thực đường phố, kinh doanh bám hè đường là một nét “văn hóa đường phố”; kéo theo đó là hệ thống hạ tầng “ăn theo” (nhất là trông giữ phương tiện) là vấn đề thủ đô các nước trên thế giới đều có. Hàng chục vạn lao động cũng mưu sinh từ đây. Vấn đề đặt ra là công tác quản lý phải làm sao để vỉa hè không nhếch nhác, không trở thành nỗi ám ảnh với du khách khi đến Hà Nội. Đặc biệt, “lợi ích nhóm” là câu chuyện đáng quan tâm hơn cả khi bàn về vỉa hè.

Vì thế, trước mắt, UBND thành phố, các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành liên quan, đặc biệt là các quận nội đô, cần sớm tháo gỡ vướng mắc, đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết “điểm nghẽn” để tiếp tục thực hiện đề án giãn dân khu vực phố cổ; xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, đỗ xe trên cao... để phục vụ nhu cầu về chỗ để xe, kinh doanh ngày càng lớn của người dân. Với những tuyến đường, khu đô thị mới, cần chấm dứt tình trạng chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh, trông giữ phương tiện không phép, sai quy định; xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu vi phạm.

Ngoài ra, nên nghiên cứu, xem xét việc mở rộng cho thuê kinh doanh, trông giữ xe ở những địa bàn đủ điều kiện để việc quản lý sử dụng lòng đường, vỉa hè được tốt hơn. Bên cạnh việc xác định tuyến đường, khu vực được thu phí - không thu phí, mức phí cụ thể cho từng khu vực thì cần nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ, miễn giảm cho một số đối tượng nhằm giảm thiểu tác động đến người dân cũng như giao thông.

Đặc biệt, các quận nội đô lịch sử và các phường trực thuộc cần rà soát những địa điểm có thể dùng để trông giữ phương tiện nhằm giảm áp lực cho hệ thống vỉa hè hiện nay. Cùng với đó là giao trách nhiệm cụ thể cho từng tập thể, cá nhân, nếu để xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè thì phải chịu trách nhiệm. Với các cơ sở có giấy phép kinh doanh, nếu để tái diễn vi phạm thì cần xem xét rút giấy phép.

Làm sao để vỉa hè phát huy được hết công năng sử dụng, người lao động vẫn có thể kiếm sống trên vỉa hè như bao quốc gia khác nhưng không rơi vào tình trạng nhếch nhác? "Bài toán" sẽ không được giải quyết triệt để nếu công tác quản lý vẫn “trên nóng, dưới lạnh”... Suy cho cùng, vẫn là tăng cường công tác quản lý nhà nước, chỉ khi bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, tuân thủ pháp luật, thì khi đó vỉa hè mới được trả lại đúng chức năng.

Thế Đan

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/1056214/khong-de-tren-nong-duoi-lanh