Không để xảy ra các vụ án oan, sai đáng tiếc

Theo báo cáo thẩm tra mới nhất của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, thời gian gần đây, việc giải quyết đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại do bị oan trong tố tụng hình sự theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường đã được thực hiện tích cực.

Theo báo cáo thẩm tra mới nhất của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, thời gian gần đây, việc giải quyết đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại do bị oan trong tố tụng hình sự theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường đã được thực hiện tích cực.

Các bộ, ngành, địa phương đã thụ lý, giải quyết sáu vụ việc (có ba vụ việc thụ lý mới). Chính phủ đang chỉ đạo tiến hành thương lượng, giải quyết bồi thường sáu vụ việc nêu trên. Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) đã giải quyết 11 trong số 26 đơn thuộc trách nhiệm, đạt tỷ lệ 42,3% (giảm 9,3%). Đồng thời, Viện KSND tham gia giải quyết 20 vụ kiện đòi bồi thường do tòa án thụ lý; số vụ được đương sự đồng thuận đạt tỷ lệ cao (87,5%).

Các tòa án đã thụ lý 10 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của tòa án; đã giải quyết dứt điểm hai vụ với số tiền bồi thường hơn 10 tỷ đồng. Theo thống kê, các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) giải quyết được sáu trong số 32 vụ việc bồi thường thuộc trách nhiệm với số tiền chi trả 1,28 tỷ đồng. Các cơ quan tư pháp đã khẩn trương kiểm tra các vụ khiếu nại, kêu oan và giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại, trong đó có những vụ đã xảy ra từ nhiều năm trước, được dư luận nhân dân đánh giá cao.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, vẫn còn tình trạng chậm trễ trong tổ chức bồi thường. Cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường chưa bảo đảm thời hạn theo quy định của pháp luật, nhất là ở giai đoạn xác minh, thương lượng. Gần đây, vụ ông Nguyễn Văn Túy, là lái chính tàu SE2 trong vụ tai nạn đường sắt ở cầu Ghềnh, TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) vào năm 2011, được minh oan từ ngày 11-3-2016 nhưng đến ngày 30-8-2017 mới được Viện KSND thành phố Biên Hòa tổ chức xin lỗi công khai…

Tại diễn đàn kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân (TAND) tối cao, Viện KSND tối cao có giải pháp khắc phục, bảo đảm quyền và lợi ích cho người bị thiệt hại. Từ các vụ án oan thời gian qua, Ủy ban Tư pháp và nhiều đại biểu Quốc hội tại diễn đàn kỳ họp lần này đề nghị Bộ Công an, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao rà soát, đánh giá cụ thể vấn đề bức cung, nhục hình trong giai đoạn điều tra và có giải pháp để khắc phục triệt để vấn đề này.

Trên diễn đàn thảo luận tại Quốc hội, nhiều đại biểu nhấn mạnh, TAND phải thật sự trở thành biểu tượng công lý trong mắt người dân. Theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, TAND phải là trung tâm, xét xử là trọng tâm và tranh tụng là khâu đột phá của các hoạt động tư pháp.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) và một số đại biểu phản ánh, trên thực tế, trong một số vụ án cụ thể vẫn để xảy ra sai sót vi phạm tố tụng làm phát sinh khó khăn vướng mắc kéo dài, nhất là công tác điều tra, truy tố. Thậm chí, còn để xảy ra vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, điều tra thu thập thông tin không đầy đủ chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội, điều tra bỏ lọt tội phạm hay truy tố oan sai, dẫn đến trả hồ sơ điều tra bổ sung kéo dài vụ án.

Đưa ra dẫn chứng cụ thể vụ án buôn lậu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng vừa qua được công luận, cử tri đặc biệt quan tâm, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng: Đây là vụ án phức tạp, kéo dài, khá điển hình về thời gian, kéo dài đến nay đã sáu năm, gây biết bao hệ lụy, người dân liên tục kêu oan. Vụ án có dấu hiệu oan sai, hình sự hóa quan hệ hành chính, vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, nhất là việc cơ quan điều tra cho bán lô gỗ trắc hơn 500 m3, là vật chứng của vụ án đang trong quá trình điều tra, cùng nhiều khuất tất khác đã đẩy vụ án vào bế tắc… Vì vậy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhiều lần kiến nghị với các cơ quan có trách nhiệm thẩm quyền ở trung ương chỉ đạo giải quyết. Ban Nội chính T.Ư vừa thông báo đây là vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng giao cho Ban Nội chính theo dõi, đôn đốc các cơ quan tố tụng giải quyết theo đúng trình tự pháp luật.

Chung quanh những vấn đề “nóng” tại nghị trường, nhiều kiến nghị, giải pháp đã được nêu ra nhằm giúp các cơ quan tư pháp tránh bỏ lọt tội phạm, không để xảy ra các vụ án oan, sai đáng tiếc. Nhiều đại biểu đề nghị TAND tối cao có biện pháp quyết liệt chấn hưng công tác tư pháp với tư cách là cơ quan đại diện cho một nhánh quyền lực Nhà nước. Trong đó, quan trọng nhất là chất lượng thẩm phán.

VĂN CHÚC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/item/34803602-khong-de-xay-ra-cac-vu-an-oan-sai-dang-tiec.html