Không đi làm, có thể nhờ công ty đóng BHXH?

​Tuần qua, Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động đã nhận được một số câu hỏi chính liên quan đến quyền lợi của NLĐ về BHXH. Báo Lao Động trích đăng câu hỏi và trả lời.

NLĐ đóng BHXH bắt buộc căn cứ vào tiền lương hàng tháng. Ảnh: NAM DƯƠNG

Có thể truy đóng BHXH cho thời gian thử việc không?

Bạn đọc có email trungkiengxxx@gmail.com gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Tôi đã làm ở công ty cũ 4 năm và đã dừng đóng BHXH từ 15.5.2018 để chuyển sang công ty mới. Tại công ty mới tôi phải thử việc 2 tháng, trong 2 tháng thử việc tôi không đóng BHXH. Nay tôi muốn đóng BHXH ngược trở lại 2 tháng thử việc có được không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 26 BLLĐ quy định về thử việc như sau: NSĐLĐ và NLĐ có thể thỏa thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu có thỏa thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc. Nội dung của hợp đồng thử việc gồm các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g và h khoản 1 điều 23 của bộ luật này (nội dung về BHXH và BHYT được quy định tại i, khoản 1, điều 23 BLLĐ). Do đó trong thời gian thử việc thì NSDLĐ và NLĐ không phải đóng BHXH. Và vì thế, bạn không thể truy đóng BHXH trong 2 tháng thử việc được.

Làm chưa đến 10 ngày/tháng, có được đóng BHXH?

Bạn đọc có email thanhnguyenxxx@gmail.comgửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Công ty chúng tôi có trường hợp người lao động mang thai 2 tháng không muốn làm việc, cũng không muốn nghỉ, vì nếu nghỉ thì không hưởng được chế độ thai sản. Mỗi tháng người này chỉ làm việc chưa đến 10 ngày. Trường hợp này xử lý thế nào cho đúng luật? Nếu không đủ ngày công trong tháng vậy động BHXH làm sao?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời:

Theo quy định tại khoản 1, điều 22 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của BLLĐ và điểm a, khoản 4, điều 14 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều về HĐLĐ, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP, thì tiền lương theo thời gian được trả cho NLĐ căn cứ vào thời gian làm việc thực tế theo tháng, tuần, ngày, giờ. Tiền lương tháng được trả cho một tháng làm việc xác định trên cơ sở HĐLĐ. Tiền lương ngày được trả cho một ngày làm việc xác định trên cơ sở tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn, nhưng tối đa không quá 26 ngày.

Khoản 3, điều 85 Luật BHXH 2014 quy định: NLĐ không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Như vậy, nếu NLĐ đó không làm việc và không hưởng lương 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định về số ngày công của công ty lựa chọn, thì cả NSDLĐ và NLĐ đều không đóng BHXH. Điều 31 Luật BHXH quy định, để đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản là phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh. Do đó, nếu NLĐ đó có đi làm, nhưng không đóng BHXH đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh thì cũng không được hưởng chế độ thai sản.

Không đi làm thì không đóng BHXH

Bạn đọc có email nguyenhoa@xxx.co.jp gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Công ty tôi có bạn làm hết ngày 12.8.2018 thì nghỉ việc, nhưng bạn ấy vẫn muốn nhờ công ty đóng BHXH bằng cách sẽ trả 100% tiền BHXH. Như vậy có được không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Khoản 2, Điều 89 Luật BHXH 2014 quy định: Đối với NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quyết định thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động. Từ ngày 1.1.2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động. Cũng theo quy định của pháp luật hiện hành, NSDLĐ phải đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ hiện nay tổng cộng là 21% và NLĐ đóng tổng cộng là 10,5% dựa trên tiền lương trả cho NLĐ hàng tháng. Từ đó, có thể thấy, căn cứ để đóng BHXH cho NLĐ là tiền lương của NLĐ.

Điều 90 BLLĐ 2012 quy định: 1. Tiền lương là khoản tiền mà NSDLĐ trả cho NLĐ để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Mức lương của NLĐ không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định. 2. Tiền lương trả cho NLĐ căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc. 3. NSDLĐ phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau. Do đó, nếu NLĐ nghỉ việc không đi làm thì công ty không phải trả lương. Mà công ty không trả lương thì không có căn cứ để đóng BHXH. Nên việc NLĐ đã nghỉ việc mà nhờ công ty tiếp tục đóng BHXH (dù họ trả 100% tiền đóng BHXH) là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Đóng thêm BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu

Bạn đọc có email hanghiepxxx@gmail.com gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Tôi đóng BHXH được 11năm, nay do điều kiện gia đình nên phải nghỉ ở nhà. Tôi muốn đóng BHXH tự nguyện tiếp thì phải đóng ít nhất bao nhiêu năm nữa mới đủ điều kiện hưởng lương hưu và mức đóng tối thiểu là bao nhiêu/tháng?.

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 87 Luật BHXH 2014 quy định về mức đóng và phương thức đóng của NLĐ tham gia BHXH tự nguyện như sau: 1. NLĐ quy định tại khoản 4, điều 2 của luật này, hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do NLĐ lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở. Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ tham gia BHXH tự nguyện. 2. NLĐ được chọn một trong các phương thức đóng sau đây: a) Hằng tháng; b) 3 tháng một lần; c) 6 tháng một lần; d) 12 tháng một lần; đ) Một lần cho nhiều năm về sau với mức thấp hơn mức đóng hằng tháng hoặc một lần cho những năm còn thiếu với mức cao hơn mức đóng hằng tháng so với quy định tại điều này.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, để được hưởng lương hưu hàng tháng, thì phải có ít nhất 20 năm đóng BHXH. Như vậy, để được hưởng lương hưu hàng tháng sau này, bạn phải đóng ít nhất 9 năm BHXH nữa. Xin lưu ý bạn, để được hưởng lương hưu hàng tháng thì ngoài số năm đóng BHXH, còn phải đủ điều kiện về độ tuổi, theo quy định hiện hành là 60 tuổi với nam và 55 tuổi với nữ.

Nguồn Lao Động: https://laodongtre.laodong.vn/tu-van-phap-luat/khong-di-lam-co-the-nho-cong-ty-dong-bhxh-622612.ldo