Không đơn giản chỉ là thiếu chỗ chơi cho trẻ

Mùa hè đã tới. Như thường thấy, đã bắt đầu rộ lên câu chuyện về chỗ chơi cho trẻ mà điệp khúc không khác mọi năm, bao giờ cũng xoáy vào sự thiếu. Rằng chúng ta không có đủ chỗ chơi cho trẻ, những loại hình giải trí dành cho thiếu nhi vừa thiếu về số lượng, hạn chế về quy mô, vừa yếu về chất lượng.

Kết lại, sự thiếu nói trên kéo dài triền miên, dẫn đến một kết cục mà nhiều người cho là đáng tiếc: Trẻ sa đà vào những trò chơi điện tử, dán mắt vào màn hình điện thoại nhỏ bằng bàn tay mà ở đó hiện lên nội dung không dễ để kiểm soát, hại đủ mọi bề...

Tuy thế, khi trẻ gặp khó khăn trong việc giải trí, liệu nguyên nhân có phải chỉ là chúng ta không có đủ chỗ chơi dành riêng cho chúng?

1. Trong dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 năm nay, nhiều người đã viện dẫn sự quá tải ở các bãi biển dọc đất nước, Sa Pa, Tam Đảo hay một số điểm đến quen thuộc tại Hà Nội như Công viên nước Hồ Tây, Công viên Thủ Lệ… để nói về việc giải trí của trẻ em nói riêng và cộng đồng nói chung. Hầu như không có ý kiến về việc lựa chọn của các gia đình, đặt ra câu hỏi vì sao nhiều người đã không tìm cách đưa con trẻ tới những điểm đến “tiềm tàng khả năng quá tải” mà chọn những điểm giải trí “êm đềm” hơn, như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Công viên Thống Nhất, Công viên Cầu Giấy, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam hay nhà hát, rạp chiếu phim. Sự thiếu là một chuyện, chính tâm lý đổ dồn tới những điểm giải trí quen thuộc đã khiến cho bức tranh về điều kiện giải trí tối tăm hơn nhiều so với thực tế.

Đưa ra lời chê trách và khoanh tay trước thực tại đáng phàn nàn bao giờ cũng đơn giản hơn là tìm ra giải pháp vượt lên trở ngại.

Không dễ phản bác nhận định nói trên - về sự thiếu sân chơi dành cho trẻ em, bởi đơn giản là chúng ta chưa thực hiện hoàn hảo việc đáp ứng nhu cầu được chơi của trẻ, điều đã được nêu trong Luật Trẻ em, và nguyên nhân thường được viện dẫn là quỹ đất đã cạn kiệt, thiếu nguồn lực đầu tư cho nhu cầu giải trí của trẻ...

Tuy nhiên, ngày càng rõ một điều là thay vì khoanh tay bất lực trước khó khăn mang tính khách quan, cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và cộng đồng có thể chủ động tìm ra giải pháp cho vấn đề này, trước tiên là tìm cách sử dụng một cách hiệu quả hơn những gì còn lại, được dành riêng cho sinh hoạt cộng đồng mà không ai có thể tìm cách lợi dụng nó cho mục đích cá nhân.

Khoan hẵng nghĩ đến những dự án quá lớn lao khi điều kiện chưa cho phép, mà hãy dành sự quan tâm trước tiên cho việc xác định hiện có bao nhiêu khu vui chơi đã xuống cấp, những điểm giải trí nào không bảo đảm điều kiện an toàn, những nơi nào cần được nâng cấp và trang bị thêm nhằm bảo đảm cho trẻ em nói riêng và cộng đồng dân cư nói chung có thể sử dụng chúng cho việc giải trí tích cực. Hãy tìm cách xác định những tổ chức, cá nhân lợi dụng danh nghĩa thuê mướn để lấn chiếm không gian chung, những nhà đầu tư không chịu bỏ tiền xây dựng sân chơi theo cam kết trước khi thực hiện xây dựng chung cư hay những khu đô thị mới...

Khảo sát, cải tạo, nâng cấp một cách triệt để đối với những thiết chế văn hóa, thể thao hiện có, những không gian dành cho hoạt động giải trí tại các khu dân cư không chỉ giúp đáp ứng tốt hơn nhu cầu giải trí của người dân, đặc biệt là trẻ em, mà còn giúp thu hồi những gì được sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng. Làm tốt việc này còn giúp ngăn chặn những biểu hiện tương tự trong tương lai, khi các dự án lớn tiếp theo đủ điều kiện thực hiện, bảo đảm rằng những khu vui chơi giải trí quy mô lớn không rơi vào cảnh xuống cấp hoặc có “vỏ” hoành tráng nhưng “rỗng ruột”.

2. Nói về sự hạn chế trong việc đáp ứng nhu cầu giải trí của trẻ em, việc thiếu chỗ chơi là nguyên nhân quan trọng nhưng không phải là tất cả. Chúng ta có xu hướng quy trách nhiệm cho chính quyền và cơ quan quản lý văn hóa về khả năng đáp ứng nhu cầu giải trí chính đáng của trẻ em mà quên mất rằng mình cũng có một phần trách nhiệm trong đó.

Khi tiếp cận vấn đề theo hướng nói trên, một người bạn nói với người viết rằng chưa bao giờ anh nghĩ về sự chơi của trẻ ngoài không gian, thời gian nghỉ lễ. Được nghỉ dài ngày là nghĩ đến việc đưa chúng đi chơi xa, có ở nhà thì đơn giản là đưa các con “đến những nơi mà nhiều người thường đến”. Ngày thường thì giao trẻ cho nhà trường, về nhà đã có giúp việc lo, những iPad, iPhone “giải quyết” nốt khoảng trống thời gian còn lại. Những ngày cuối tuần “bình thường”, với anh, không có khái niệm đưa trẻ đến bảo tàng, đi xem phim, chỉ một bữa ăn ngon và chiếc màn hình ti vi là đủ. Không ít người “lo cho trẻ” theo cách nói trên.

Cuối tuần qua, tại khu vực hồ Hoàn Kiếm diễn ra chương trình “Ngôi làng Châu Âu” với nhiều chương trình giải trí thú vị dành cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Nhiều người đã không biết về chương trình này, chỉ khi ai đó đưa hình ảnh lên mạng xã hội thì số đông mới “à, ồ, mai có còn tổ chức không để đưa con đến”.

Sự thể cho thấy nhiều người không thường xuyên chủ động tìm kiếm cơ hội giải trí tích cực cho trẻ, không nghĩ rằng cơ hội chơi của chúng diễn ra quanh năm chứ không chỉ tập trung vào một số ngày nghỉ lễ hay trong dịp hè. Quan niệm là vậy, nhiều khi việc chọn hình thức giải trí mang tính đại khái, cho xong, thiếu tính khoa học nên không giúp nhiều cho sự phát triển cả về thể chất và trí tuệ của trẻ.

Có phải ai cũng đủ sự quan tâm để tìm hiểu và nhận biết thế nào là một không gian giải trí hữu ích, nơi không chỉ giúp trẻ có cơ hội chơi mà còn thực hành kỹ năng giao tiếp, học cách chia sẻ niềm vui với chúng bạn, kiến tạo những mối quan hệ mới và làm quen với mô hình tổ chức cuộc sống?

Bởi vậy, việc đáp ứng nhu cầu giải trí của trẻ em không chỉ phụ thuộc vào số lượng sân chơi, công viên, rạp chiếu phim, nhà hát. Khác với quan niệm cũ, giờ đây, một sân chơi đúng nghĩa dành cho trẻ phải là nơi đáp ứng đầy đủ nhu cầu giải trí, phát triển thể lực và cả trí lực mà việc lựa chọn điểm đến phù hợp phụ thuộc vào sự quan tâm và nhận thức của cả người lớn.

Chỉ khi không còn duy trì cách hiểu đơn giản, đại khái về sự chơi của trẻ, chúng ta mới có thể nghĩ đến việc kiến tạo cũng như chọn lựa hình thức giải trí, địa điểm vui chơi mang lại lợi ích tối đa cho trẻ em. Khi đó, sân chơi và sự tồn tại của chúng sẽ chỉ là một phần của câu chuyện này; sự thiếu hụt không thể trói tay chúng ta trong việc giúp trẻ có cơ hội giải trí tích cực.

Hoàng Lê

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suy-ngam/901176/khong-don-gian-chi-la-thieu-cho-choi-cho-tre