Không đơn thuần chỉ áp dụng công nghệ

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là khái niệm được nhắc đến nhiều nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng làm được.

Không đánh giá được nhu cầu của chính doanh nghiệp, không biết bắt đầu chuyển đổi số từ đâu hoặc vấp phải những rào cản từ các khoản đầu tư lớn trong áp dụng công nghệ... là những khó khăn chung mà doanh nghiệp phải đối mặt trong hành trình chuyển đổi số. Để không bị "hụt hơi" trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, doanh nghiệp cần xây dựng lộ trình, chiến lược chuyển đổi số phù hợp và rõ ràng.

Chỉ số ít doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi số

Năm 2013, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan tiến hành chuyển đổi số. Tuy nhiên lần chuyển đổi số thứ nhất của doanh nghiệp này mất 3 năm để xây dựng kế hoạch và 1,5 năm để triển khai. Bước sang lần chuyển đổi số thứ hai, tập đoàn này chỉ có thời gian trong vòng 6 tuần và triển khai trong vòng 124 ngày. Phó tổng giám đốc phụ trách công nghệ thông tin Nguyễn Anh Nguyên của Masan cho biết, nếu không có chuyển đổi số, trong 3 năm tới, Masan vẫn có thể duy trì khả năng sản xuất hàng hóa của mình. Tuy nhiên, Masan sẽ không thể cạnh tranh về dịch vụ với sự phát triển không ngừng của các công ty công nghệ đa quốc gia, như: Amazon, Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba... Các “ông lớn” này không những có thể lấn át về khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng mà thậm chí có thể đánh bại các công ty khác trong quá trình cạnh tranh.

Hệ thống máy móc công nghệ cao tại Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử thông minh VinSmart, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, TP Hà Nội. Ảnh: LA DUY

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới, như: Dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud)... và thay đổi phương thức điều hành, văn hóa doanh nghiệp. Những lợi ích mà chuyển đổi số đem lại là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, chỉ có số ít doanh nghiệp sớm làm được điều đó, còn lại đa phần doanh nghiệp trong nước không biết bắt đầu chuyển đổi số từ đâu. Theo khảo sát của Tập đoàn công nghệ FPT, tỷ lệ doanh nghiệp Việt chưa bắt đầu chuyển đổi số lớn gấp 1,5 lần so với thế giới.

Từ thực tế triển khai hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp chuyển đối số trong thời gian qua, Phó tổng giám đốc phụ trách chuyển đổi số của FPT Hoàng Việt Anh cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất FPT gặp phải khi làm việc với nội bộ công ty và đối tác bên ngoài là làm thế nào để xác định rõ hiệu quả của một chương trình chuyển đổi số. Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Kiên, Quản đốc Xưởng Led điện tử và thiết bị chiếu sáng, Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông nhận định, rào cản lớn nhất-đó là xác định phương pháp chuyển đổi số và lộ trình chuyển đổi số. Khi đã xác định được hai yếu tố này thì cần có các giải pháp để thực hiện chuyển đổi số thành công.

Ngoài ra, một trong những điều kiện để chuyển đổi số hiệu quả đó là phải áp dụng công nghệ mới, do đó, chi phí đầu tư cũng khiến doanh nghiệp e ngại. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp vấp phải định kiến nhất định đối với những cái mới, ngại thay đổi khi hệ thống vận hành quá lớn.

Cần sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa con người và công nghệ

Chia sẻ về kinh nghiệm chuyển đổi số thành công của FPT, ông Hoàng Việt Anh cho biết, phương pháp luận về chuyển đổi số của FPT rất đơn giản, dựa trên 3 điểm chính: Trước tiên là cần “nghĩ lớn”. Chuyển đổi số phải đồng hành cùng doanh nghiệp bất kể mục tiêu của một doanh nghiệp là gì, chuyển đổi số vẫn phải hướng đến cùng mục tiêu đó. Điểm quan trọng thứ hai là “bắt đầu thông minh”. Để doanh nghiệp thực hiện được mục tiêu của mình, có rất nhiều việc nhỏ doanh nghiệp buộc phải hoàn thành. Vì thế, doanh nghiệp cần biết đâu là công việc có sức ảnh hưởng lớn nhất, cấp thiết nhất, phù hợp nhất và bắt đầu với công việc đó. Điểm cuối cùng là “khả năng nhân rộng”. Ngay khi dự án thử nghiệm thành công, doanh nghiệp cần tìm cách để nhân rộng nó nhanh nhất, ở cả cấp lãnh đạo và trong toàn công ty.

Phó tổng giám đốc phụ trách chuyển đổi số của FPT cũng lưu ý, chuyển đổi số không chỉ đơn giản là câu chuyện công nghệ mà là sự kết hợp của các yếu tố doanh nghiệp, công nghệ và con người. Con người ở đây bao gồm sự kết hợp giữa yếu tố người lãnh đạo và người sản xuất.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Đăng Nguyên dẫn chứng từ thực tế của Masan, để sản xuất một chai nước mắm, Masan phải tiến hành qua 36 bước nhưng không tự động hóa hoàn toàn tất cả công đoạn. Ông Nguyên phân tích, công nghệ không thể giải quyết được mọi việc. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần xác định rõ các yếu tố then chốt trong quá trình phát triển sản phẩm. Từ đó, nghiêm túc áp dụng công nghệ vào những công đoạn sản xuất quan trọng nhất tác động đến các yếu tố đó. Ngoài ra, Masan cũng cố gắng giúp các giám đốc phân xưởng thành các nhà công nghệ giỏi.

Các chuyên gia khuyến nghị, trong lộ trình chuyển đổi số, doanh nghiệp hãy đặt ra mục tiêu tăng doanh số theo nhiều chặng từ ngắn hạn đến dài hạn để quá trình chuyển đổi diễn ra chính xác. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm chuyển đổi số từ những quốc gia đang phát triển, bởi những nước này có nhiều điểm khá tương đồng với Việt Nam. Việt Nam không dễ dàng khi áp dụng kinh nghiệm từ các nước đã phát triển, bởi quy mô doanh nghiệp của nước ta nhỏ hơn các nước phát triển, mức độ đầu tư cũng thấp hơn.

Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số không phải là câu chuyện của riêng doanh nghiệp nào và cũng không phải là việc có chuyển đổi hay không, lại càng không phải là việc đứng ngoài nhìn vào quá trình chuyển đổi của các doanh nghiệp khác rồi học hỏi, chuyển đổi sau. Kinh nghiệm chuyển đổi số của các doanh nghiệp thành công có thể thấy, quá trình chuyển đổi số cần một lộ trình dài hơi, không thể nóng vội chỉ áp dụng công nghệ ngay lập tức vào một nhà máy mà cần có quá trình thay đổi mô hình kinh doanh, để từ đó mở rộng và nâng cao chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp.

TRÀ MY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/khong-don-thuan-chi-ap-dung-cong-nghe-604635