Không đóng bảo hiểm y tế cho người lao động, bị xử phạt thế nào?

Bạn đọc có email anhmaix@xxx hỏi: Công ty tôi có một người lao động đã mua bảo hiểm y tế tự nguyện theo diện hộ gia đình. Xin hỏi Công ty có phải đóng bảo hiểm y tế cho người lao động này không? Trường hợp không đóng bảo hiểm y tế thì công ty có bị xử phạt hay không?

Luật gia Thái Thị Phương, Công ty Luật TNHH YouMe trả lời:

Khoản 1, Khoản 5 Điều 12 Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-VPQH hợp nhất Luật Bảo hiểm Y tế (Luật Bảo hiểm Y tế) quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế như sau:

1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm:

a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động);

5. Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình gồm những người thuộc hộ gia đình, trừ đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.

Đồng thời, tại Khoản 2 Điều 13 Luật Bảo hiểm Y tế quy định như sau:

2. Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này.

Như vậy, trong trường hợp một người thuộc nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng đồng thời thuộc nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình thì sẽ đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng là người lao động.

Khoản 3 Điều 49 Luật Bảo hiểm Y tế quy định về vấn đề xử lý vi phạm khi người sử dụng lao động không đóng hoặc đóng không đầy đủ bảo hiểm y tế cho người lao động như sau:

3. Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý như sau:

a) Phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của quỹ bảo hiểm y tế;

b) Phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng bảo hiểm y tế mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ bảo hiểm y tế.

Như vậy, theo quy định nêu trên, công ty có trách nhiệm phải đóng bảo hiểm y tế cho người lao động.

THÁI PHƯƠNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/tu-van-phap-luat/khong-dong-bao-hiem-y-te-cho-nguoi-lao-dong-bi-xu-phat-the-nao-608214.ldo