Không dùng ngân sách mua lại các trạm BOT đặt sai vị trí

Việc Bộ GTVT đề nghị dùng ngân sách nhà nước để hỗ trợ, hoặc mua lại dự án BOT là không hợp lý.

Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhận định như vậy trong báo cáo gửi Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, hiện nay có tám trạm thu phí vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do bất cập về vị trí đặt trạm, không được sự đồng thuận của người dân khó có thể xử lý dứt điểm.

Theo Ủy ban kinh tế của Quốc hội nhiều trạm thu phí hiện nay có doanh thu thấp. Ảnh: V.LONG

Theo Ủy ban kinh tế của Quốc hội nhiều trạm thu phí hiện nay có doanh thu thấp. Ảnh: V.LONG

Đó là trạm thu phí Bỉm Sơn thuộc dự án Quốc lộ 1A đoạn tránh phía Tây TP Thanh Hóa; trạm thu phí Km77+922.5 thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến Thái Nguyên - Chợ mới; trạm thu phí tại Km1747 thuộc đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Đắk Lắk; trạm thu phí La Sơn - Túy Loan; trạm T2 Quốc lộ 91; trạm thu phí Ninh Xuân, Quốc lộ 26; trạm thu phí Cai Lậy; trạm thu phí Quốc lộ 10 đoạn từ Cầu La Uyên đến cầu Tân Đệ.

Để xử lý bất cập các trạm này, Bộ GTVT kiến nghị cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, nhằm hỗ trợ hoặc thanh toán cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhận thấy, việc nhà nước hỗ trợ hoặc mua lại các trạm này không phù hợp. “Nếu chỉ căn cứ vào sự phản đối quyết liệt của người dân quanh trạm thì chưa đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn để xem xét, quyết định dùng ngân sách mua lại các dự án BOT…”- báo cáo của Ủy ban kinh tế nêu rõ.

Cạnh đó, việc mua lại các dự án tiềm ẩn nguy cơ thiếu minh bạch, dẫn đến hiệu ứng lan rộng tại các dự án khác, khiếu kiện, làm mất an ninh, trật tự. Song song đó là gây áp lực cho ngân sách nhà nước trong điều kiện khó khăn hiện nay. Đi ngược với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc huy động nguồn vốn xã hội hóa cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Cũng theo Ủy ban Kinh tế, hiện cả nước có 107 trạm thu phí do trung ương và địa phương quản lý. Trong đó, có nhiều trạm BOT doanh thu thấp, khiến các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng và tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu.

“Nguyên nhân doanh thu thấp do lưu lượng xe thực tế thấp hơn so với dự kiến, các trạm thực hiện giảm phí, không được tăng phí theo lộ trình quy định trong hợp đồng dự án…”- Ủy ban kinh tế thông tin.

Về triển khai hệ thống thu phí không dừng (ETC), Ủy ban Kinh tế nhận định thời gian đầu còn trục trặc do công tác phối hợp. Xảy ra lỗi kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ gây bức xúc cho người dân. Chẳng hạn như không nhận dạng được thẻ, không trừ tiền phí khi xe qua trạm, hệ thống đọc chéo làn dẫn tới sai phân loại, mệnh giá tiền, nhận dạng sai phương tiện...

Cạnh đó, đến nay, tỉ lệ xe dán thẻ sử dụng dịch vụ thu phí không dừng còn thấp, chỉ khoảng 30% (đạt 1,2 triệu/4 triệu xe). Trong đó, khoảng 50% tỉ lệ phương tiện đã dán thẻ nạp tiền vào tài khoản, nên chưa phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống thu phí điện tử không dừng.

Yêu cầu Bộ GTVT kiểm điểm tập thể, cá nhân

Về sai phạm liên quan đến các dự án BOT được Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ... chỉ ra, Ủy ban Kinh tế yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra khuyết điểm, vi phạm, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo yêu cầu tại Nghị quyết số 437.

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/khong-dung-ngan-sach-mua-lai-cac-tram-bot-dat-sai-vi-tri-977669.html