Không được đóng bảo hiểm, giáo viên huyện Mỹ Đức mất cơ hội được xét tuyển

Hơn 300 giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức không một ai có đủ điều kiện xét tuyển viên chức giáo dục vì không được Huyện và nhà trường đóng bảo hiểm xã hội.

20 năm công tác: đến giờ thiệt đơn, thiệt kép

Sau khi Chủ tịch Nguyễn Đức Chung công khai 3 điều kiện xét tuyển với giáo viên hợp đồng, cụ thể:

Chỉ trả lương 1,2 triệu đồng mỗi tháng mà họ gọi là thương chúng tôi sao?

Thứ nhất là giáo viên có hợp đồng và có đóng bảo hiểm ít nhất 5 năm trở lại đây.

Thứ hai là có kiểm tra đảm bảo sức khỏe.

Thứ ba là có năng lực, trình độ phù hợp với vị trí việc làm, tức là giáo viên phải dạy môn mà trường có nhu cầu tuyển dụng.

Nhiều Quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã bắt đầu rục rịch thực hiện rà soát, thống kế số lượng giáo viên hợp đồng…

Tuy nhiên tại một số địa phương, giáo viên hợp đồng đã biết chắc chắn mình không đủ điều kiện để tham gia xét tuyển.

Chẳng hạn như trường hợp của hơn 300 giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội).

Mặc dù có nhiều trường hợp công tác từ 10-20 năm nhưng không được đóng bảo hiểm.

Chính vì thế số giáo viên này sẽ không thỏa mãn điều kiện thứ nhất để được xét tuyển: Giáo viên hợp đồng và có đóng bảo hiểm ít nhất 5 năm.

Cô Nguyễn Thị Quy, giáo viên hợp đồng 20 năm nói:

“Sau khi biết thông tin Chủ tịch Chung công khai 3 điều kiện để xét tuyển đối với giáo viên hợp đồng.

Chúng tôi cũng biết là mình chẳng đủ điều kiện vì không được đóng bảo hiểm.

Toàn bộ số giáo viên hợp đồng của huyện Mỹ Đức hơn 300 con người không một ai có đủ điều kiện được xét tuyển viên chức”.

Có giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức được ký hợp đồng từ năm 1998 nhưng đến thời điểm này chưa một lần được đóng bảo hiểm xã hội (Ảnh: V.N)

Có giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức được ký hợp đồng từ năm 1998 nhưng đến thời điểm này chưa một lần được đóng bảo hiểm xã hội (Ảnh: V.N)

Bản thân cô Nguyễn Thị Quy mặc dù công tác 20 năm nhưng đến nay vẫn chưa một ngày nào được đóng bảo hiểm xã hội:

“Tại Mỹ Đức chúng tôi không có trường hợp nào được Huyện hoặc trường đóng bảo hiểm xã hội.

Người công tác 5 năm, 10 năm hay 20 năm thì đãi ngộ cũng giống nhau, lương như nhau và không được đóng bảo hiểm".

Điều khiến các thầy cô tại huyện Mỹ Đức bức xúc nhất là họ bị thiệt đơn, thiệt kép trong từng ấy năm.

Cô N.T.L bày tỏ: “Chúng tôi hơn 300 con người, có thầy cô công tác trong ngành gần 20 năm.

Từng ấy năm đi dạy chúng tôi đã chịu thiệt thòi so với các huyện bạn: Lương thấp, không được đóng bảo hiểm xã hội.

Đến nay khi thành phố có chủ trương xét tuyển thì chúng tôi lại không đủ điều kiện.

Mà đây không phải lỗi của chúng tôi vì người không đóng bảo hiểm cho các giáo viên hợp đồng là đơn vị sử dụng lao động.

Như vậy thanh xuân của chúng tôi coi như mất trắng. Đi làm thì không được chế độ đãi ngộ tốt đến khi có cơ chế xét tuyển lại bị trượt ngay từ đầu”.

Giáo viên hợp đồng gần như sẽ không đủ điều kiện xét tuyển vì không được đóng bảo hiểm xã hội (Ảnh: V.N)

Ngược dòng thời gian, năm 2006 khi tỉnh Hà Tây (cũ), bắt đầu thực hiện đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên trên toàn tỉnh.

Tại một số huyện như Ba Vì hoặc thị xã Sơn Tây...giáo viên hợp đồng được đóng bảo hiểm từ ngày 1/1/2006.

Đến nay đã được 14 năm đóng bảo hiểm. Số giáo viên hợp đồng này hoàn toàn đủ điều kiện để xét tuyển viên chức.

Tuy nhiên trường hợp của huyện Mỹ Đức, hơn 300 giáo viên hợp đồng không được trường hoặc huyện đóng bảo hiểm, phớt lờ đợt đóng bảo hiểm ngày 1/1/2006.

Đằng đằng gần 20 năm qua, từng ấy con người nhận mức lương bèo bọt, không được đóng bảo hiểm xã hội, không một lời giải thích.

Đến nay khi thành phố có một cơ chế nhân văn xét tuyển cho giáo viên hợp đồng thì số giáo viên hợp đồng này lại bị loại ngay từ ...vòng gửi xe vì không được đóng bảo hiểm.

Cô Nguyễn Thị Quy chán nản:

“Đây rõ ràng là lỗi sai của huyện và họ cũng biết điều đó. Nhưng từng ấy năm chúng tôi chịu ấm ức với mức lương thấp, không có chế độ đãi ngộ.

Nay khi có đợt xét tuyển, hơn 300 con người lại không đủ điều kiện do không được đóng bảo hiểm. Như vậy có quá bất công với chúng tôi không?”.

Ai sẽ trả lại công bằng cho giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức?

Trong khi các huyện bạn đang tổ chức rà soát và thống kê số lượng giáo viên hợp đồng thì tại huyện Mỹ Đức, hơn 300 giáo viên hợp đồng đã biết trước số phận của mình đi về đâu.

Dạy ở Hà Nội, lương 1,2 triệu mỗi tháng, người ta hỏi sao tôi vẫn lên lớp?

Trong những bài trước, chúng tôi cũng đã phân tích việc huyện Mỹ Đức trả lương 1,2 triệu đồng/ tháng và không đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên là phạm luật.

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam:

Luật Lao động 2012 quy định rõ có 3 loại hợp đồng, gồm hợp đồng thời vụ có thời hạn dưới 12 tháng, hợp đồng có thời hạn từ 12-36 tháng, hợp đồng không xác định thời hạn.

Luật Lao động cũng quy định, hợp đồng thời vụ không áp dụng cho những công việc mang tính liên tục trong thời gian dài.

“Về nguyên tắc ký hợp đồng, nếu như lần 1 người lao động được ký hợp đồng thời vụ có thời hạn dưới 12 tháng, đến lần 2, vẫn có thể ký hợp đồng có thời hạn, nhưng đến lần thứ 3 thì buộc phải ký hợp đồng không xác định thời hạn. Luật Lao động đã quy định rõ và đến nay vẫn áp dụng như vậy.

Nếu huyện Mỹ Đức ký hợp đồng 3 tháng 1 cho người lao động trong thời gian hàng chục năm như báo chí phản ánh thì rõ ràng đang vi phạm luật lao động.

Công việc dạy học mang tính ổn định, liên tục, không thể ký hàng chục năm loại hợp đồng thời vụ 3 tháng”.

Năm 2015, Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức gia hạn với 464 giáo viên hợp đồng với mức lương 1.150.000 đồng và không được đóng bảo hiểm (Ảnh: V.N)

Ngoài ra từ ngày 1/1/2018, khi Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được thông qua và áp dụng người lao động có hợp đồng lao động từ 1 đến dưới 3 tháng trở lên sẽ được tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó đến thời điểm hiện nay là tháng 7/2019, hơn 300 giáo viên hợp đồng vẫn chưa được tham gia bảo hiểm xã hội. Việc làm này hoàn toàn sai luật.

Điều này không những ảnh hưởng đến chế độ, chính sách của giáo viên mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi được xét tuyển theo Quy định 1076/QĐ-UBND ngày 7/3/2019 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Trước đó, trả lời báo điện tử VOV, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức cho biết:

“Hiện nay, chúng tôi đã ủy quyền cho các hiệu trưởng ký hợp đồng với các giáo viên.

Có thể kế toán làm hợp đồng 3 tháng, 1 tháng hay hợp đồng theo giờ, theo tiết thì chúng tôi chưa rõ.

Nhưng chủ trương của huyện là không thể tuyển giáo viên vào rồi đóng bảo hiểm xã hội, như vậy sẽ rất khó, ngân sách không đủ để đóng.

Hơn nữa khi không đỗ viên chức, thì cũng rất khó giải quyết. Vấn đề này kế toán các trường phải giải quyết.

Tới đây chúng tôi hướng đến tuyển cả những giáo viên đã nghỉ hưu nhưng có năng lực, sức khỏe, mời ra để ký hợp đồng theo tiết dạy”.

Hơn 450 giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức sẽ không đủ điều kiện xét tuyển vì không được đóng bảo hiểm xã hội (Ảnh: V.N)

Về vấn đề giáo viên không được đóng bảo hiểm xã hội có phạm luật, ông Hậu nói thêm:

“Chúng tôi không lách luật, nhưng ngân sách lấy đâu ra để đóng bảo hiểm. Người ta cho phép ký như thế.

Chủ trương hiện nay là nhà trường tự ký, tự chủ về tài chính, chúng tôi đã giao lại các trường”. (1)

Mặc dù ông Hậu trả lời: Giao cho nhà trường tự ký, tự chủ tài chính.

Thế nhưng trong tay chúng tôi đang có Quyết định: về việc gia hạn hợp đồng đối với giáo viên, nhân viên hợp đồng công việc tại các trường Trung học cơ sở, Tiểu học công lập huyện Mỹ Đức năm học 2014-2015.

Quyết định này do Ủy ban Nhân dân huyện ký. Về chế độ lương và chính sách của giáo viên: Điều 2 – Tiền lương hằng tháng của các ông (bà) có tên tại điều 1 do Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức trả 1.150.000 đồng/ tháng.

Trong văn bản này không có một câu, một từ nào nhắc đến việc đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên hợp đồng.

Nếu trong năm này, giáo viên hợp đồng được đóng bảo hiểm xã hội thì đến nay họ cũng đủ điều kiện 5 năm được đóng bảo hiểm và được tham gia xét tuyển.

Việc Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức và các trường không đóng bảo hiểm cho giáo viên hợp đồng nên mới xảy ra cơ sự này - thiệt hại quyền lợi cho giáo viên.

Ngoài ra theo như ông Hậu trả lời: Việc không đóng bảo hiểm xã hội là do ngân sách không có, huyện không lách luật.

Trớ trêu thay! Việc ngân sách của huyện không có nhưng lại tuyển dụng ồ ạt giáo viên hợp đồng.

Khi tuyển dụng lại không đảm bảo quyền lợi về lương và đóng bảo hiểm xã hội cho họ theo quy định của pháp luật. Có cái lý nào như vậy!

Đến thời điểm này có thể nói cánh cửa xét tuyển gần như đã đóng sập trước mắt giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức và một số Quận, huyện không đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên.

Rất cần có một sự nhìn nhận cũng như phương án tháo gỡ đối với “những nạn nhân của lịch sử” này.

Tài liệu tham khảo:

(1): https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/vu-giao-vien-hop-dong-3-thang-khong-bhxh-huyen-my-duc-da-pham-luat-899609.vov

Vũ Ninh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/khong-duoc-dong-bao-hiem-giao-vien-huyen-my-duc-mat-co-hoi-duoc-xet-tuyen-post200334.gd