Không được ép học sinh mua tài liệu tham khảo

Bộ GD&ĐT thông tin cơ sở giáo dục tiểu học phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về sách giáo khoa sử dụng trong trường học.

Quy định này nằm trong Thông tư 28 Bộ GD&ĐT vừa ban hành, thay thế cho Thông tư 41 áp dụng 10 năm nay.

Theo đó, trường tiểu học sử dụng sách giáo khoa (SGK) được Bộ trưởng GD&ĐT phê duyệt. UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn, sử dụng vào quá trình giảng dạy và học tập trong nhà trường.

 Việc quản lý, sử dụng và lựa chọn các xuất bản phẩm tham khảo sử dụng trong trường thuộc trách nhiệm của hiệu trưởng. Ảnh: Lao Động.

Việc quản lý, sử dụng và lựa chọn các xuất bản phẩm tham khảo sử dụng trong trường thuộc trách nhiệm của hiệu trưởng. Ảnh: Lao Động.

Hiệu trưởng chịu trách nhiệm về tài liệu tham khảo

Giáo viên, học sinh sử dụng SGK vào hoạt động dạy và học nhằm thực hiện mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh.

Cơ sở giáo dục tiểu học phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về SGK sử dụng tại trường để học sinh và gia đình biết.

Bộ GD&ĐT ban hành thiết bị dạy học tối thiểu và các thiết bị dạy học khác theo quy định.

“Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo”, thông tư nhấn mạnh.

Theo quy định, việc quản lý, sử dụng và lựa chọn các xuất bản phẩm tham khảo sử dụng trong trường, thuộc trách nhiệm của hiệu trưởng.

Ngoài ra, Thông tư 28 cho phép giáo viên chủ động thực hiện và chịu trách nhiệm về kế hoạch giáo dục, tự chủ, tự chịu trách nhiệm công việc chuyên môn.

Giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, học tập, sáng tạo, linh hoạt trong việc tự làm đồ dùng dạy học.

Giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh. Ảnh: Quỳnh Danh.

Không phê bình học sinh trước lớp

Thông tư 28 cũng quy định cụ thể những hành vi ứng xử giáo viên không được làm.

Theo đó, giáo viên và nhân viên trường tiểu học không xuyên tạc nội dung giáo dục, dạy sai nội dung kiến thức, không gian lận trong kiểm tra đánh giá, cố ý đánh giá sai kết quả giáo dục của học sinh.

Thầy cô không ép buộc học sinh học thêm vì mục đích vật chất, không bỏ giờ, bỏ buổi dạy, tùy tiện cắt xén nội dung giáo dục.

Đặc biệt, giáo viên không xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể người khác, không hút thuốc, uống rượu, bia; gây rối an ninh, trật tự.

Thông tư 28 cũng quy định cụ thể quyền và nhiệm vụ của học sinh tiểu học. Các em được chọn trường hoặc chuyển đến học trường khác ngoài địa bàn cư trú, nếu trường có khả năng tiếp nhận.

“Học sinh được học rút ngắn thời gian thực hiện chương trình, học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định, học kéo dài thời gian, học lưu ban. Học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học”, Thông tư quy định.

Đối với việc khen thưởng và kỷ luật học sinh, Thông tư 28 có nhiều điều chỉnh so với Thông tư 41.

Học sinh được nhận giấy khen, thư khen, tuyên dương khi có thành tích xuất sắc, tiêu biểu, hoàn thành tốt các nhiệm vụ học tập, rèn luyện và các phong trào thi đua, có nhiều đóng góp cho tập thể.

Với học sinh có khuyết điểm, trường có thể nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn, thông báo với phụ huynh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.

Đặc biệt, giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh.

Nguyễn Sương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khong-duoc-ep-hoc-sinh-mua-tai-lieu-tham-khao-post1131172.html