Không được phép dùng tiền 'hối lộ' ngư dân để che đậy hành vi lừa đảo

Báo chí vừa đưa tin về nghi vấn nhà máy đóng tàu “đi đêm” với chủ tàu vỏ thép yêu cầu rút đơn khiếu nại và từ chối thẩm định độc lập. Đó là văn bản thỏa thuận và cam kết mà Công ty TNHH một thành viên Nam Triệu soạn sẵn và đề nghị chủ tàu ký để nhận một khoản tiền khắc phục hậu quả, với điều kiện không khiếu nại và không được cung cấp thông tin cho cơ quan truyền thông.

Vỏ tàu BĐ 99179 TS do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng (bàn giao tháng 8.2016) đã bị xuống cấp (Ảnh: Hoàng Trọng)

Việc các cơ sở đóng tàu tặng tiền để các chủ tàu rút đơn kiện và từ chối thẩm định độc lập là không đúng quy định pháp luật. Bởi, trong trường hợp này, hợp đồng đóng tàu không chỉ là thỏa thuận bồi thường dân sự thông thường giữa cơ sở đóng và các chủ tàu.

Theo Nghị định 67 năm 2014 của Chính phủ thì chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm.

Như vậy, để đóng được tàu vỏ thép trong trường hợp này phải có sự hỗ trợ của Nhà nước về lãi suất. Do đó, trong thỏa thuận đóng tàu này, ngoài chủ tàu và cơ sở đóng tàu thì Nhà nước và ngân hàng thương mại cũng có quyền, nghĩa vụ liên quan.

Mặt khác, mục đích cho ngư dân vay với lãi suất ưu đãi là để đóng tàu vỏ thép vươn khơi, bám biển dài ngày kết hợp kinh tế và quốc phòng. Do đó, khi xảy ra sự cố, vi phạm thỏa thuận hợp đồng như đóng vỏ thép không đúng chủng loại, máy thủy không chính hãng... theo thỏa thuận đã ký kết trước đây thì chủ tàu và cơ sở đóng tàu không thể tự ý xử lý, thỏa thuận bồi thường mà không có sự tham gia của Nhà nước, các ngân hàng đã cho vay.

Quan điểm của người viết rất ủng hộ chủ trương thỏa thuận, đền bù, bồi thường ngoài tòa án. Nghĩa là ưu tiên giải quyết các tranh chấp dân sự, thương mại, thậm chí là vi phạm pháp luật hình sự thông qua thỏa thuận giữa những người liên quan mà không phải đưa ra tòa hoặc cơ quan quản lý nhà nước giải quyết.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, các cơ sở đóng tàu đã có dấu hiệu lừa đảo, gian lận để rút tiền từ hỗ trợ bằng việc sử dụng vỏ thép không đúng tiêu chuẩn. Nguy hiểm hơn là các cơ sở đóng tàu cố tình lấp liếm, không nhận trách nhiệm, khắc phục hậu quả mà còn dùng tiền để “bịt miệng” và che dấu hành vi phạm pháp.

Có thể nói đây không chỉ là hành vi làm ăn gian dối mà những người liên quan còn có hành động đi ngược lại các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước là hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển làm ăn sinh sống và mục đích lớn hơn là bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế biển.

Chính điều này gây bức xúc, bất bình lớn trong nhân dân khi thông tin các cơ sở đóng tàu dùng tiền “bịt miệng” ngư dân được tiết lộ. Trên các diễn đàn các ý kiến đều kiến nghị phải điều tra, xử lý nghiêm hành vi gian lận, lừa đảo của các cơ sở đóng tàu.

Vì vậy, các cơ quan chức năng cần khẩn trương điều tra, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan, nhất là hành vi gian lận, tham nhũng của các cơ sở đóng tàu; đặc biệt là hành vi cố ý vi phạm pháp luật khi dùng tiền để “hối lộ” ngư dân.

Quốc Dũng

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/ban-doc/khong-duoc-phep-dung-tien-hoi-lo-ngu-dan-de-che-day-hanh-vi-lua-dao-673470.bld