Không được phép tiết lộ dữ liệu cá nhân nhạy cảm

Bộ Công an đang đề nghị xây dựng Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Bộ Công an đang đề nghị xây dựng Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Dự thảo Nghị định gồm 7 chương, quy định về xử lý dữ liệu cá nhân, quyền của chủ thể dữ liệu; biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân; cơ quan bảo vệ dữ liệu cá nhân; xử lý vi phạm…

Theo Dự thảo, Dữ liệu cá nhân là dữ liệu về thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự thuộc về cá nhân. Dữ liệu cá nhân nhạy cảm gồm: Quan điểm chính trị, tôn giáo; Dân tộc hoặc chủng tộc; Tình trạng sức khỏe; Thông tin di truyền; Dữ liệu sinh trắc học; Giới tính, đời sống tình dục; Dữ liệu tội phạm.

Xử lý dữ liệu cá nhân là tất cả các hành động tác động tới dữ liệu cá nhân, bao gồm thu thập, ghi, phân tích, lưu trữ, thay đổi, tiết lộ, cấp quyền truy cập vào dữ liệu cá nhân, truy xuất, sử dụng, xóa, hủy dữ liệu cá nhân hoặc các hành động khác có liên quan.

Ảnh minh họa (ảnh: Cổng TTĐT CP)

Ảnh minh họa (ảnh: Cổng TTĐT CP)

Dự thảo đưa ra 7 nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trong đó, nguyên tắc hợp pháp là dữ liệu cá nhân chỉ được thu thập hợp pháp; Nguyên tắc mục đích: dữ liệu cá nhân chỉ được thu thập để đạt được các mục tiêu phục vụ mục đích chính, đã đăng ký, tuyên bố về thu thập thông tin cá nhân, không được xử lý trái với các mục tiêu liên quan tới thu thập xử lý dữ liệu cá nhân. Nguyên tắc sử dụng hạn chế: dữ liệu cá nhân chỉ được sử dụng khi có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu hoặc được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền…

Việc xử lý dữ liệu cá nhân chỉ được phép với sự đồng ý của chủ thể dữ liệu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Cơ quan hành chính chỉ xử lý dữ liệu cá nhân trong quá trình thực hiện các nghĩa vụ công để thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, thỏa thuận quốc tế.

Đáng quan tâm, dữ liệu cá nhân có thể được tiết lộ trên phương tiện truyền thông cho mục đích báo chí mà không có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu, nếu có lợi ích công cộng lớn và điều này phù hợp với các nguyên tắc đạo đức báo chí. Việc tiết lộ dữ liệu sẽ không gây ra thiệt hại quá lớn đối với quyền của chủ thể dữ liệu.

Dự thảo quy định chủ thể dữ liệu có quyền yêu cầu người tiết lộ dữ liệu cá nhân của mình chấm dứt tiết lộ, trừ khi việc tiết lộ đó được thực hiện dựa trên luật. Người tiết lộ dữ liệu cá nhân sẽ không phải thực hiện yêu cầu chấm dứt tiết lộ dữ liệu cá nhân nếu người đó không kiểm soát được thiết bị mang dữ liệu cá nhân.

Bất kì lúc nào, chủ thể dữ liệu luôn có quyền yêu cầu người xử lý dữ liệu cá nhân ngừng tiết lộ trừ khi có quy định khác của pháp luật và việc này phù hợp về mặt kỹ thuật và không gây ra phí tổn cao bất hợp lý.

Theo Dự thảo, không được phép tiết lộ dữ liệu cá nhân trong trường hợp dữ liệu được đề cập là dữ liệu cá nhân nhạy cảm; làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu; chưa đủ ba mươi ngày kể từ khi vi phạm hợp đồng; quá ba năm kể từ khi vi phạm nghĩa vụ.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/khong-duoc-phep-tiet-lo-du-lieu-ca-nhan-nhay-cam-175500.html